Doanh Nghiệp Chế Biến Thủy Sản Khó Vì Nguyên Liệu
Mở xưởng ở ngay địa phương được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế phát triển ngành thủy sản cả trong đánh bắt lẫn nuôi trồng, thế nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn gặp khó khăn vì nguồn nguyên liệu.
Hoạt động tại KCN Quảng Phú vào năm 2011, sau hơn 2 năm sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước và gia công cho một số doanh nghiệp ngoài tỉnh, hiện nay Công ty Cổ phần Tiến Thành đang đầu tư 20 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Thành Trần Văn Quỳnh cho hay, việc đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu đối tác nước ngoài, bởi năm tới công ty sẽ làm hàng đông lạnh xuất trực tiếp sang Nhật Bản và Philipin.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu không ổn định. “Mỗi khi nguồn hàng khan hiếm, ngoài việc phải cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp trên địa bàn, công ty phải tổ chức đi mua ở các tỉnh lân cận mới đủ hàng sản xuất, nên chi phí đầu vào đội lên”-ông Quỳnh than.
Nỗi lo về nguồn nguyên liệu không chỉ riêng Công ty Cổ phần Tiến Thành, mà một số doanh nghiệp được xem là đầu đàn trong chế biến thủy sản xuất khẩu cũng nhiều phen lao đao. Công ty TNHH Hai thành viên Gallant Dachan là doanh nghiệp FDI duy nhất trên địa bàn tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu.
Hoạt động từ giữa năm 2010, với công suất chế biến mỗi năm 2.000 tấn tôm fillet, sản phẩm của Gallant Dachan chủ yếu xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản…
Với doanh nghiệp luôn tạo việc làm ổn định cho 600 lao động địa phương, cái khó không phải thị trường xuất khẩu mà là thị trường nguyên liệu đầu vào. Ông Huang Li Te-Giám đốc điều hành Công ty Gallant Dachan cho hay, trong năm 2014 giá tôm nguyên liệu tăng cao, do thương lái Trung Quốc sang Việt Nam mua với số lượng lớn nên công ty gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài thị trường Quảng Ngãi, Công ty phải tổ chức thu mua ở thị trường Quảng Nam, Bình Định mới đủ nguồn hàng cho chế biến xuất khẩu. “Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty”-ông Huang Li Te giãi bày.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Hà-Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Hiện nay trong các KCN của tỉnh có 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản, với tổng công suất chế biến mỗi năm trên 10.000 tấn sản phẩm. Con số này là quá ít so với sản lượng khai thác hằng năm của ngư dân Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh thì, Quảng Ngãi không chỉ có nguồn lợi thủy sản phong phú, giá trị kinh tế cao mà còn là địa phương có đội tàu khai thác hải sản xa bờ ngày càng lớn mạnh, đánh bắt thủy sản khắp ngư trường trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có 5.400 tàu thì đã có trên 50% tàu đánh bắt xa bờ.
Và chỉ trong 9 tháng năm 2014 sản lượng khai thác trên biển của ngư dân đạt gần 120 nghìn tấn, tăng hơn 7% so với cùng kỳ 2013. Thế nhưng nghịch lý là doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn luôn đối mặt với khó khăn về nguyên liệu.
Ông Lê Hồng Hà-Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các KCN tỉnh lý giải, do cơ sở hạ tầng nghề cá của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, nên lượng hải sản khai thác thường được ngư dân đưa đi tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh vốn có cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá tốt hơn. Thậm chí là họ bán sản phẩm cho những chủ tàu thu mua hải sản ngay trên biển. Đây là nguyên nhân chính khiến nguồn cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn không mấy dồi dào.
“Để giải quyết nghịch lý này, cần tổ chức liên kết các khâu từ khai thác (kể cả nuôi trồng), bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng chia sẻ lợi ích giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nhà nước cần tăng cường đầu tư các cơ sở đóng sửa tàu cá, cảng cá, bến cá, khu neo đậu của tàu cá đi đôi với dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy hoạch. Đồng thời xây dựng hệ thống chợ đầu mối, kênh phân phối tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm để ngư dân yên tâm khai thác, còn doanh nghiệp chuyên tâm vào sản xuất kinh doanh”-ông Hà đề xuất.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/doanh-nghiep-che-bien-thuy-san-kho-vi-nguyen-lieu-2352131/
Related news
Huy Giáp là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lạc, diện tích tự nhiên 6.657 ha; có 679 hộ, 3.978 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Quý Châu cùng sinh sống ở 21 xóm hành chính.
Qua 7 năm triển khai và thực hiện Dự án phát triển cây ca cao, các hộ trồng cây ca cao ở Gò Công Tây (Tiền Giang) đều chung một nhận xét, đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không tốn phân bón, thuốc trừ sâu bệnh như nhiều loại cây trồng khác; chỉ cần trồng đúng kỹ thuật ca cao có thể sinh trưởng, phát triển cho trái tốt, năng suất cao, tăng lợi nhuận.
Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Vĩnh Quang (Thị xã) luôn đi đầu trong hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, tăng cường củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Phóng viên trao đổi với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn).
Khoảng một tuần nay giá dừa ở Bến Tre và Trà Vinh đã tăng mạnh làm nhà vườn phấn khởi vì sau gần một năm giá luôn ở mức thấp. Cụ thể, giá dừa khô tăng 5.000 - 6.000 đồng/chục (12 trái), còn dừa tươi uống nước tăng 10.000 đồng/chục.