Doanh nghiệp cá tra vẫn chật vật với Nghị định 36
“Vướng” tứ bề
Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra là một trong hai mặt hàng XK quan trọng nhất của ĐBSCL, đóng góp gần 2 tỷ USD kim ngạch XK hàng năm và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho vùng ĐBSCL. Nhiều chính sách quản lý, hỗ trợ ngành cá tra đã ra đời, trong đó có Nghị định số 36/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay các DN XK cá tra đang gặp nhiều khó khăn khi áp dụng thủ tục đăng ký hợp đồng XK cùng với việc thu phí thẩm định kinh doanh XK cá tra.
Tại công văn số 92/2015/CV-VASEP gửi Bộ Tài chính mới đây, VASEP nêu rõ, khó khăn ở chỗ, các lô hàng cá tra trước đây được áp dụng luồng Xanh (miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) khi khai báo hải quan thì nay đều phải đưa vào luồng Vàng (kiểm tra hồ sơ hải quan) khi làm thủ tục hải quan. Điều này kéo dài thời gian làm thủ tục, thông quan, đôi khi còn khiến DN bị trễ hạn giao hàng, không thực hiện đúng cam kết với khách hàng nước ngoài.
Theo VASEP, việc áp dụng các quy định trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP đang làm DN phát sinh thêm nhiều chi phí, thời gian và nhân lực để quản lý hồ sơ, thực hiện việc đăng ký hợp đồng XK tại Cần Thơ. Ngoài việc nộp phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra theo từng chuyến hàng, DN còn phải tốn kém các chi phí khác không nhỏ cho nhân lực để làm thủ tục và duy trì hệ thống quản lý hồ sơ phục vụ cho việc hậu kiểm của cơ quan chấp thuận đăng ký là Hiệp hội Cá tra Việt Nam.
VASEP khẳng định, việc đăng ký hợp đồng XK tuy được yêu cầu thông qua Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhưng đang trở thành một thủ tục hành chính về giấy phép XK từng chuyến hàng. DN phải có xác nhận và đóng phí thẩm định mới được XK. Trong khi đó hiện nay, giấy phép XK theo chuyến đã không còn được áp dụng cho hầu hết các ngành hàng XK của Việt Nam.
Với các khó khăn thực tế, các DN XK cá tra đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT dỡ bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng XK trong quá trình sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN giữ thị trường, gia tăng XK, nhất là trong bối cảnh XK cá tra trì trệ từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước và các thị trường chính đều sụt giảm nghiêm trọng.
VASEP cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét không áp dụng đăng ký hợp đồng XK và phí thẩm định kinh doanh XK cá tra của các DN trong quá trình tham gia ý kiến sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP.
Cần “cầu cứu” Bộ NN&PTNT
Trên thực tế, tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 36/2014/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân XK sản phẩm cá tra đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Cơ quan Hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng cả hợp đồng XK sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận”.
Về phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra, ngày 28-7-2014, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 5924/BNN-TC (kèm Đề án) đề nghị ban hành Thông tư quy định thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra. Căn cứ pháp luật Phí, lệ phí và Đề án của Bộ NN&PTNT, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) đã dự thảo Thông tư quy định thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra. Sau khi có ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan trong Bộ, Vụ đã trình Bộ ký công văn số 16707/BTC-CST ngày 17-11-2014 gửi xin ý kiến các bộ, UBND các tỉnh, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và VASEP về dự thảo Thông tư.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 19-1-2015, VASEP đã có công văn số 14/2015/VASEP-CV gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP. Trong đó, VASEP kiến nghị bỏ quy định về “đăng ký hợp đồng XK”, “xác nhận hợp đồng XK” và “phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra”.
Do kiến nghị nêu trên, Vụ Chính sách Thuế đã trình Bộ T ài chính ký công văn số 2367/BTC-CST ngày 12-2-2015 gửi Bộ NN&PTNT đề nghị có ý kiến về kiến nghị của VASEP và việc ban hành văn bản thu phí. Tới ngày 10-3-2015, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 2045/BNN-TC gửi Bộ Tài chính về việc quy định thu phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra. Trong đó nêu rõ quan điểm: “Qua 8 tháng thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP, mặc dù một số nội dung chưa triển khai đầy đủ, nhưng những tác động của Nghị định bước đầu góp phần củng cố phát triển ổn định ngành cá tra.
Từ ngày 12-9-2014 đến nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN đến đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra nhanh gọn. Do đó, với kiến nghị của VASEP đề nghị bỏ quy định đăng ký hợp đồng XK và phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 36/2014/NĐ-CP hiện hành. Để xem xét kiến nghị trên, cần có thời gian kiểm chứng, đánh giá đầy đủ chính xác và khách quan, từ đó Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ sửa đổi. Với những lý do trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm ban hành Thông tư quy định phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra theo quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP, làm căn cứ cho các đơn vị thực hiện”.
Căn cứ quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP và ý kiến của Bộ NN&PTNT, Vụ Chính sách Thuế đã hoàn thiện Thông tư số 46/2015/TT-BTC ngày 7-4-2015 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra.
Từ các phân tích nêu trên, đáp lại những vướng mắc, kiến nghị của VASEP gửi Bộ Tài chính vừa qua, trong dự thảo công văn trả lời VASEP, Vụ Chính sách Thuế khẳng định, việc đăng ký hợp đồng XK và phí thẩm định kinh doanh XK cá tra được quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP, trường hợp không áp dụng thì cần sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP. Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định này. Do đó, Vụ Chính sách Thuế đề nghị VASEP kiến nghị với Bộ NN&PTNT để báo cáo Chính phủ.
Related news
Với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất giống nấm thương phẩm và chế biến tiêu thụ nấm theo quy mô công nghiệp khép kín, dự án "Hoàn thiện quy trình sản xuất một số loại nấm tại tỉnh Kiên Giang" do Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học – Công nghệ Kiên Giang thực hiện đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Ưu tiên lựa chọn ba loại gạo đặc sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương, hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia.
Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10 - 40%. Không những vậy, phương pháp này đã tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20 - 40%
Tổng cục Thủy sản và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ngày 22/5/2015, tại Bạc Liêu, Tổng cục Thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phối hợp với Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, định hướng năm 2030”