Hiệu Quả Từ Tổ Hợp Tác Nuôi Tôm
Được thành lập và đi vào hoạt động chỉ vài năm qua, nhưng các tổ kinh tế hợp tác (KTHT) nuôi tôm tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc (Long An) đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Không những giúp cho các thành viên trong tổ có sự liên kết trong nuôi tôm mà còn tạo thêm việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Sau khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang nuôi tôm nhằm phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã.
Bước đầu, nhiều hội viên nông dân (ND) nuôi tôm theo phương thức riêng lẻ, mạnh ai người đó làm, dẫn đến sản lượng ít, thiếu tính cạnh tranh, ý thức cộng đồng không cao và ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Từ đó, Hội ND xã tuyên truyền, vận động ND tổ chức mô hình làm ăn hợp tác để cùng nhau có lợi.
Và từ đầu năm đến nay, toàn xã xây dựng được 4 tổ KTHT nuôi tôm với 48 thành viên. Qua đó, nâng tổng số tổ KTHT nuôi tôm hiện nay trên địa bàn xã Phước Vĩnh Tây lên 10 tổ ở 3 ấp với 137 thành viên, tổng diện tích nuôi tôm 38ha.
Anh Nguyễn Văn Long, tổ trưởng tổ KTHT Bà Cảm, thuộc ấp 2, cho biết: “Gia đình tôi nuôi tôm hơn 10 năm nay với diện tích thả hơn 1ha, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Trước đây, gia đình tôi làm theo kinh nghiệm, kết quả có vụ thu lãi, có vụ thua lỗ,… cứ nghĩ nghề này, may nhờ rủi chịu.
Tham gia vào tổ KTHT được hơn 1 năm, tôi nhận thấy rằng, các thành viên trong tổ có sự liên kết, gắn bó với nhau, thông qua việc hỗ trợ nhau trong kỹ thuật, con giống, pha trộn thuốc cũng như thức ăn và hạn chế được tình trạng trộm cắp tôm. Và điều quan trọng chính là hiệu quả đem lại cao hơn trước. Tuy nhiên, để ND yên tâm hơn trong sản xuất, Nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ các trại tôm giống hoặc có sự phối hợp, kiểm dịch để những đơn vị này cung cấp con giống đạt chất lượng".
Là một trong những người có diện tích nuôi tôm khá nhiều, anh Nguyễn Quốc Tuấn, thành viên tổ KTHT ấp 3, chia sẻ, gia đình anh nuôi tôm khoảng 7 năm nay. Nhờ áp dụng kỹ thuật trong sản xuất, làm theo khuyến cáo nên anh thu lãi bình quân mỗi vụ vài trăm triệu đồng. Từ thành quả này, đã đem về cho anh danh hiệu ND sản xuất-kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.
Anh cho rằng, tham gia tổ KTHT, những thành viên trong tổ có dịp chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau mỗi khi tôm xảy ra sự cố. Nhờ hiệu quả kinh tế từ tôm đem lại, không chỉ giúp anh xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm vật dụng sinh hoạt trong gia đình , có điều kiện nuôi con ăn học mà còn đầu tư mua bán thức ăn nuôi tôm, thu nhiều lợi nhuận.
Chủ tịch Hội ND xã Phước Vĩnh Tây-Nguyễn Văn Sành cho biết, hiện nay, ND trong xã đã thả tôm vụ 2 được 20 ngày với 600ha.
Thời gian qua, Ban chấp hành Hội ND xã phối hợp trung tâm khuyến ngư huyện cũng như tỉnh mở nhiều cuộc hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật về mô hình nuôi tôm chính vụ để tạo điều kiện cho mọi người nắm bắt kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh và chăm sóc, thả nuôi đúng quy trình, hạn chế được dịch bệnh lây lan (9 tháng qua mở được 3 cuộc).
Ngoài ra, Hội ND huyện phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tham quan mô hình nuôi tôm tại tỉnh Tiền Giang, có 45 hộ nuôi tôm xã Phước Vĩnh Tây cùng đi.
Tuy nhiên, theo như kiến nghị của nhiều hộ nuôi tôm tại xã, Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế trong việc khuyến khích người nuôi tôm được hưởng những quyền lợi khi bị rủi ro do thua lỗ vì dịch bệnh gây ra để họ yên tâm chấp hành thả nuôi tôm chính vụ như khuyến cáo. Bên cạnh đó, việc nuôi tôm hiện nay chi phí khá cao do nguyên liệu, thức ăn, thuốc phòng bệnh, xăng, dầu,… ND phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao.
Vì vậy, Nhà nước nên quan tâm để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, ở những khu vực nuôi tôm khép kín, Điện lực nên kéo điện 3 pha để người nuôi tôm dùng mô tơ chạy quạt giảm chi phí; mở trạm kiểm dịch tôm giống,…
Related news
Dịch bệnh, bấp bênh đầu ra, hạn chế áp dụng tiến bộ kỹ thuật do quy mô nhỏ... là những bất cập trong chăn nuôi nông hộ hiện nay. Vì thế, việc Nhà nước hỗ trợ chăn nuôi nông hộ thế nào cho hiệu quả là điều đang được cơ quan chức năng và các địa phương tích cực góp ý.
Với việc triển khai thí điểm ở nhiều địa phương cho thấy, khi tham gia mô hình này, đời sống người trồng lúa có những thay đổi rõ rệt. Ở một số nơi trong tỉnh An Giang, mô hình đang từng bước giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên khấm khá.
Chỉ mới cách đây vài tháng (vào thời điểm cận tết), giá dưa hấu khá cao, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận trung bình khoảng 150 triệu đồng/ha. Thế nhưng hiện nay, người trồng dưa lại lắc đầu ngán ngẩm, chỉ còn biết “lỗ ít hay lỗ nhiều” mà thôi, chứ lời thì không có,…
Đợt này, chi cục đã thả 7.000 cá trắm, 7.000 cá rô phi, 6.400 cá mè hoa, 5.800 cá chép và 5.000 các trê. Được biết, các loài giống thủy sản thả đợt này từ nguồn kinh phí tái tạo thủy sản hàng năm và một số trại giống trên địa bàn tỉnh hỗ trợ.
Ngày 1/4, UBND tỉnh Cà Mau tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 315/TTg về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp 2011-2013 trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Dũng chủ trì hội nghị.