Định Hướng Phát Triển Cây Có Múi Ở Lai Vung (Đồng Tháp)
Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên Lai Vung (Đồng Tháp) có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cây có múi. Ngoài quýt hồng là giống cây chủ lực thì những năm gần đây, Lai Vung còn nổi tiếng xa gần với quýt đường và cam xoàn.
Tiềm năng dồi dào
Với trên 1.100ha, Lai Vung là một trong những địa phương có diện tích trồng quýt hồng lớn nhất tỉnh. Ước tính mỗi dịp Tết, Lai Vung cung cấp khoảng 40 nghìn tấn quýt cho thị trường khu vực và xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Campuchia.
Song song với việc giữ vững diện tích và sản lượng quýt hồng, toàn huyện đã vươn đến gần 1000ha quýt đường, cam xoàn và một số loại cam khác trên 600ha, tập trung ở một số xã ven sông Hậu như: Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa, Phong Hòa...
Dù phát triển sau quýt hồng nhưng hiện tại 2 loại cây trồng tiềm năng này đang đem lại thu nhập ổn định và giúp cho nhiều nhà vườn Lai Vung vươn lên làm giàu.
Nhờ thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây có múi nên không những quýt hồng của địa phương được đánh giá có chất lượng vượt trội hơn các khu vực lân cận mà cả quýt đường và cam xoàn ở đây cũng có màu sắc và hương vị đậm đà hơn những nơi khác.
Nhiều năm qua sản phẩm quýt hồng, cam xoàn, quýt đường... ở Lai Vung luôn giành được nhiều thứ hạng cao ở những cuộc thi trái cây ngon của khu vực và cả nước.
Gần đây, đặc sản quýt hồng Lai Vung là một trong 2 sản phẩm tiêu biểu của Đồng Tháp được Trung ương Hội Nông dân trao tặng Bằng khen về “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014”. Đây chính là sự khích lệ to lớn giúp cho nhà vườn Lai Vung yên tâm sản xuất, ngày càng phát huy thế mạnh của địa phương, vươn xa hơn nữa.
Thay đổi để hội nhập
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cây có múi nhưng để các sản phẩm trái cây có múi ở Lai Vung giữ vững được vị thế trong thời kì kinh tế hội nhập, địa phương cần phải có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc qui hoạch và tổ chức lại sản xuất cho nông dân.
Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Trong giai đoạn hội nhập kinh tế, hàng hóa trong nước chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa ngoài nước khá lớn.
Do đó, việc thay đổi tập quán sản xuất của nhà vườn hướng đến sản xuất theo qui trình an toàn (VietGap, GlobalGap) và tổ chức liên kết tiêu thụ là vấn đề mà địa phương rất quan tâm thực hiện.
Hiện tại, đặc sản quýt hồng Lai Vung được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, sắp tới địa phương sẽ tiến hành xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho quýt đường và cam xoàn. Đây là tiền đề để nông sản Lai Vung tiến bước trong giai đoạn kinh tế mới”.
Trong quá trình vận động nông dân sản xuất theo các qui trình an toàn, địa phương gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sau thời gian dài triển khai nhiều nông dân có có cách nhìn sâu sắc hơn. Anh Tống Văn Phong - Tổ trưởng Tổ Sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ: “Việc thực hiện theo qui trình Viet Gap là điều kiện tất yếu để tiến đến xin chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Quýt đường của Lai Vung muốn vươn xa và cạnh tranh hơn chỉ khi có nhãn mác chứng nhận”.
Cùng chung định hướng đó, mới đây Hợp tác xã (HTX) quýt hồng Lai Vung được thành lập với phương châm đẩy mạnh sản xuất và liên kết tiêu thụ cho nhà vườn. Anh Lưu Văn Tín, Giám đốc HTX quýt hồng Lai Vung cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mời một số công ty thuốc bảo vệ thực vật đến hợp tác, bao tiêu đầu vào cho nhà vườn. Song song đó, chúng tôi cũng đang mời gọi một số đơn vị đến để liên kết tiêu thụ cho nhà vườn”.
Sản xuất theo qui trình an toàn là bước chuẩn bị cần thiết để cây có múi Lai Vung tiến đến hội nhập.
Related news
Sau khi học tập kinh nghiệm và tiếp nhận quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ tại Bình Định, kỹ sư Lưu Quốc Thắng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã ứng dụng cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá này ở Phú Yên.
Nuôi thả các loài cá truyền thống như trôi, chép, mè nhưng nhờ thay đổi phương pháp chăm sóc theo hướng an toàn sinh học đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thí điểm tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất với quy mô 2 ha.
Dùng phân đa yếu tố NPK chuyên dùng cho lúa giúp cây lúa khoẻ, chống đổ tốt, đẻ nhánh tập trung, số dảnh hữu hiệu cao, lá đòng bền, có màu xanh vàng sáng, hạt mẩy, vỏ hạt sáng, ít sâu bệnh, năng suất cao...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô cả hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NNPTNT vừa tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình “Công nghệ sinh thái” trên cây lúa ở các tỉnh phía Nam.