Điêu Đứng Sau Bão
Cơn bão số 14 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con ngư dân Vân Đồn (Quảng Ninh). Hộ thiệt hại ít thì cũng vài chục đến vài trăm triệu đồng, hộ nhiều lên tới vài tỷ đồng. Điều đáng nói là đa số các hộ, doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản đều có thâm niên, nhiều kinh nghiệm trong nghề, nhưng do bão ập đến quá nhanh khiến họ trở tay không kịp.
Bàng hoàng khi bão tan
Có mặt tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn) ngay khi bão tan, một khung cảnh vô cùng tan hoang, xơ xác đập vào mắt chúng tôi. Cảng Cái Rồng hàng ngày tấp nập, nhộn nhịp các chuyến tàu cá về bến, vùng biển trước mặt bao quanh cảng là những nhà bè nuôi trồng thuỷ sản vuông vắn. Nhưng nay - gần trọn một ngày sau bão số 14 quanh khu vực cầu cảng, thật khó để tìm thấy một nhà bè, một bè nuôi trồng thuỷ sản nào còn nguyên vẹn. Phần lớn đều vỡ tan, số ít còn lại thì cũng đang xộc xệch, rệu rã. Bà con ngư dân Vân Đồn chỗ nào cũng chỉ thấy nói chuyện tàu đắm, xuồng chìm, bè trôi, bè vỡ.
Chúng tôi thuê một đò nhỏ ra bè nuôi trồng thuỷ sản của gia đình chị Nguyễn Thị Hợp, khu 7, thị trấn Cái Rồng. Lúc này vợ chồng chị Hợp cùng anh em, người thân trong gia đình đang sửa sang lại chiếc bè duy nhất, còn lại trong tổng số 7 bè nuôi trồng thuỷ sản của gia đình. Vừa cặm cụi thu vớt lại những con cá song đã chết và một số con đã yếu để kịp mang ra chợ bán mong vớt vát lại được một ít tiền mua đinh, dây chằng sửa sang lại bè, giọng đầy xót xa, chị Hợp cho biết: Nhà tôi có gần 40 lồng nuôi cá song, đã được nuôi từ 3-4 năm, bình quân đều đạt từ 3-5kg/con. Gia đình đã dự kiến sau khi thu hoạch đợt này sẽ xây mới lại nhà cửa. Nào ngờ chỉ sau một đêm mọi thứ đã mất hết. Bão tan, nhìn lồng bè tan hoang, cá chết tràn lan, cố gượng dậy mà chân tôi cứ khụy xuống. Gần 40 lồng cá, mỗi lồng ước chừng từ 5-6 tạ cá nay chỉ còn duy nhất 1 lồng mà cá đã chết hơn 2/3. Chị Hợp cho biết thêm: Từ sáng đến giờ tôi đã bán gần 2 tạ cá song chết với giá 70.000 đồng/kg. Nếu như với loại cá này, thường ngày vẫn bán với giá 220.000 đồng/kg. Cơn bão số 14 này đã “thả” gần 20 tấn cá song của gia đình tôi về biển, tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Cùng chung cảnh ngộ như gia đình chị Nguyễn Thị Hợp, gia đình ông Châu Ngọc Tầm, khu 8, thị trấn Cái Rồng cũng bỗng chốc thành tay trắng. Được biết, ông Tầm là một trong số những hộ nuôi trồng thuỷ sản có tiếng ở Vân Đồn. Sau thất bát do dịch bệnh trên đàn tu hài nuôi năm ngoái, ông Tầm cùng gia đình đã cố gượng dậy quyết sống với nghề nuôi trồng thuỷ sản thì cơn bão số 14 một lần nữa lại “dìm” quyết tâm của ông và gia đình xuống biển khơi. Tại khu vực Chương Hoi, xã Bản Sen, vừa thu dọn những mảnh lưới còn mắc lại, dáng vẻ mệt mỏi, ông Tầm nói với chúng tôi: Khổ quá các chú ạ. Mất sạch, chẳng còn gì nữa. Toàn bộ 16.000m dây hàu, hơn 2,5 tấn cá song, 40 bè mảng nuôi hàu và 2 bè tu hài đã tan tành, không còn lại dấu vết. Lồng vỡ, lưới rách cũng bị cuốn trôi. Cả 2 chiếc xuồng máy của gia đình cũng bị chìm mà chưa biết ở vị trí nào.
Không chỉ các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản tại Vân Đồn bị thiệt hại nặng nề do bão số 14 gây ra, mà hầu hết các doanh nghiệp cũng lao đao vì bão. Theo lãnh đạo Công ty TAIHEIYO SHINJU Việt Nam, sơ bộ Công ty cũng thiệt hại hơn 11 tỷ đồng; Công ty TNHH Quan Minh thiệt hại về cơ sở hạ tầng, về thuỷ sản và rừng hàng chục tỷ đồng. Ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại cảnh bão tàn phá khu nuôi trồng thuỷ sản tại xã Bản Sen: Điện mất, gió mạnh ập đến, mái ngói bay tứ tung. Không kịp di chuyển lồng bè vào nơi an toàn, tôi chỉ kịp kêu toàn bộ công nhân vào nơi trú ẩn. Bão tan, 3 nhà bè nuôi tu hài đã tan tành, gần 2 vạn giống tu hài thả nuôi theo dõi trong vùng có dịch và 5.000m2 nuôi bãi cộng với 30.000 lồng ngao đã mất trắng.
Làm sao để gắng gượng?
Siêu bão Haiyan với sự khó lường đã gây ra nỗi kinh hoàng tại Philippines và khi đổ bộ vào nước ta với tính chất phức tạp, khó lường. Bão thay đổi hướng từng giờ khiến cho công tác phòng, chống bão vô cùng khó khăn. Hầu hết các hộ dân và doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản cũng như các chủ tàu tại Vân Đồn đều khẳng định rằng, họ luôn theo dõi sát sao diễn biến của bão qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do thời gian đối phó với bão quá gấp, trong khi sức bão quá lớn, nên dù rất tích cực cũng không thể tránh khỏi những thiệt hại do bão.
Ông Nguyễn Văn Minh, khu 9, thị trấn Cái Rồng cho hay: Ngay trong vụ nuôi cuối năm 2011, đầu năm 2012, gia đình tôi đã thiệt hại hơn 58.000 lồng tu hài. Cố gắng huy động mọi nguồn lực để tiếp tục duy trì số lồng cá song và một ít tu hài, hàu còn lại. Tuy nhiên, sau cơn bão này, 12/15 lồng nuôi cá song thương phẩm (200 con/lồng); 14/20 bè nuôi hàu; 3.000 lồng nuôi tu hài đã bị bão đánh tan. Ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ cũng khẳng định: Với khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay thì người nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương biết bao giờ mới vực lại được. Đại dịch tu hài đã khiến nhiều gia đình phải bán hoặc cầm cố nhà cửa, không biết sau bão thì còn có biết bao hộ không còn nhà nữa.
Theo báo cáo của huyện Vân Đồn, cơn bão Haiyan đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân trên địa bàn, trong đó riêng tàu, thuyền đã có 47 chiếc bị đắm và 6 chiếc khác bị trôi dạt chưa xác định được vị trí; 71 nhà bè trôi dạt, vỡ nát; 94 ô lồng nuôi thuỷ sản bị vỡ; 10 tấn ốc hương bị thiệt hại… và nhiều tài sản khác. Ông Bùi Văn Cẩn, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho hay, ước tính thiệt hại ban đầu do bão số 14 gây ra tại Vân Đồn khoảng 10 tỷ đồng. Và theo những gì chúng tôi chứng kiến thì con số thiệt hại về tài sản chỉ riêng đối với nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Vân Đồn chắc chắn rất lớn.
Khó khăn chồng chất khó khăn, bà con ngư dân Vân Đồn đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này đề khôi phục lại nghề nuôi trồng thuỷ sản.
Related news
Rồng đất (còn gọi là kỳ tôm hay càng tôm) sống trong môi trường hoang dã, là đặc sản của các nhà hàng ở Tây Nguyên thời gian gần đây.
Thông tin từ UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang), Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (Ninh Bình) vừa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thỏ dược liệu cho HTX chăn nuôi thỏ Hợp Thành (Sơn Động).
Có thể nói, nhiều địa phương ven biển ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, con tôm rất được kỳ vọng để giúp người dân đổi đời, giúp địa phương phát triển kinh tế. UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thừa nhận, hồi trước đời sống người dân vùng này rất cơ cực, cứ mãi thiếu trước hụt sau, bởi sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.
Ba xã miền núi, vùng cao: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc có 721 ha bắp lai bị khô héo, thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, ở các xã Hòa Thắng, Phan Lâm, Phan Sơn huyện Bắc Bình 687 ha đậu phụng, bắp lai, cây lâm nghiệp của hơn 400 hộ xuống giống 2 tháng gặp phải khô hạn, héo úa, không lên nổi; thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.
Chiều! Mực nước sông Hậu vừa rún ròng, cũng là lúc “ngư phủ” dong xuồng bủa lưới bắt cá. Đang ở cuối mùa đánh bắt cá bông lau nên bà con chuyển sang giăng lưới cá thu. Cứ thế, cuộc sống mưu sinh trên sông nước xoay vòng theo năm tháng.