Diện Tích Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Gấp 4 Lần Tôm Sú

Theo Chi cục Thủy sản, năm 2013, nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh có sự chuyển đổi đối tượng nuôi một cách rõ rệt, đa số hộ nuôi tôm chọn thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Nếu như năm 2012, diện tích thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng là tương đương nhau thì năm nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cao gần gấp 4 lần diện tích thả nuôi tôm sú.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 5.436,7 ha với 2.673,5 triệu giống, chiếm 145% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh, đạt 109% so với kế hoạch năm 2013. Sản lượng tôm thu hoạch là 12.513,5 tấn. Diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại là 774,3 ha, chiếm 22,6% tổng diện tích thả nuôi theo hình thức này. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất vào khoảng từ tháng 2 - 6, các bệnh hoại tử gan tụy, bệnh đốm trắng gây chết tôm từ 15 - 50 ngày tuổi đã gây ra nhiều thiệt hại cho người nuôi.
Cuối năm, tình hình dịch bệnh chỉ xảy ra rải rác tại một số nơi, diện tích thiệt hại không đáng kể, hầu hết những hộ nuôi tôm thu hoạch trong thời gian này đều có lãi lớn do giá tôm thương phẩm đang ở mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Đến nay, giá tôm thẻ loại 100 con/kg dao động trong khoảng 95.000 - 135.000 đồng/kg; loại 40 con/kg dao động ở mức 120.000 - 170.000 đồng/kg. Giá tôm sú loại 40 con/kg dao động ở mức 180.000 - 220.000 đồng/kg; loại 30 con/kg dao động từ 200.000 - 240.000 đồng/kg.
Theo ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, năm 2014, toàn tỉnh sẽ thả nuôi khoảng 3.500 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Bên cạnh đó, thả nuôi 2.046 ha tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến. Tổng sản lượng tôm thu hoạch khoảng 19.300 tấn.
Để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2014 đạt kết quả tốt, ông Hội cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 10/9/2013 của UBND tỉnh về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Đồng thời, ban hành thông báo khuyến cáo thời gian ngưng thả tôm và khung lịch thời vụ thả nuôi tôm; tăng cường tập huấn kỹ thuật nuôi, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vận động thành lập và củng cố lại các tổ quản lý cộng đồng, thực hiện thí điểm và tiến tới nhân rộng mô hình sản xuất theo VietGAP.
Related news

Hiện nông dân trồng bắp tại nhiều địa phương ở ĐBSCL phấn khởi khi đầu ra sản phẩm đã thuận lợi và giá bắp trái đã tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/chục 14 trái so với đầu năm 2013, giúp nông dân có lợi nhuận tương đối khá.

Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, Phòng Dân tộc huyện Mường Ảng đã xây dựng mô hình trồng giống bí đỏ JV 888 F1; đến nay mô hình đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Theo Cục Thống kê tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong tháng 5-2013 thực hiện được 81,4 triệu USD tăng 13,8% so tháng trước. Trong 5 tháng đầu năm 2013, thực hiện được 376,7 triệu USD tăng 23,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước thực hiện được 56 triệu USD tăng 11,2%; kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 159,5 triệu USD giảm 8,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện được 161,2 triệu USD tăng 103,9%.

Chôm chôm tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang vào mùa thu hoạch rộ với giá bán tăng từ 2.000 - 3.000 đồng so với chính vụ trước. Giá mua của thương lái tại vườn (vào ngày 26-6): chôm chôm Java 5.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 11.000 đồng/kg.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, với mong muốn làm giàu trên mảnh đất cha ông để lại, anh Hoàng Đức Sự, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư đã quyết tâm đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Và chính từ nơi đây ước mơ của anh đang dần trở thành hiện thực.