Diện tích nuôi tôm càng xanh tăng mạnh

Ông Trần Văn Phước, ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Ðông, cho biết, năm 2013, thấy nhiều hộ lân cận thả nuôi tôm càng xanh xen canh trên vụ lúa hiệu quả, đến năm 2014, được Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình hỗ trợ trong chương trình xây dựng nông thôn mới cho gia đình ông 30% tiền tôm giống, ông nuôi thí điểm 3.000 con trên 1 ha.
Sau gần 3 tháng nuôi, tức ngay sau mùa lúa chín, ông thu hoạch được hơn 200kg tôm, bán với giá 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông còn lãi gần 20 triệu đồng. Thành công bước đầu là tiền đề để ông mạnh dạn thả tôm càng xanh trong năm nay.
Theo ông Phước, tôm càng xanh là đối tượng khá dễ nuôi, thời gian thu hoạch tuỳ thuộc vào việc chăm sóc, nếu cho ăn dặm, thức ăn chủ yếu là khoai, sắn (chất có tinh bột tôm càng xanh rất thích) và bổ sung thêm một ít cá phi mồi thì tôm sẽ lớn rất nhanh, khoảng 85 - 95 ngày có thể thu hoạch tôm loại nhất.
Nông dân xã Biển Bạch Đông thu hoạch tôm càng xanh vụ mùa năm 2014.
Ông Nguyễn Trang Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông, cho biết, mô hình nuôi tôm càng xanh trên địa bàn xã nằm trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Chương trình được triển khai thực hiện hơn 3 năm qua, với diện tích gần 500 ha cho gần 600 hộ dân và được đầu tư 30% con giống.
Ông còn cho biết, qua 3 năm triển khai, đến nay có thể khẳng định, mô hình đã thành công, nhiều hộ đạt lợi nhuận từ 20 - 40 triệu đồng/ha/vụ; có nhiều hộ đạt gần 50 triệu đồng/ha với loại giống tôm càng xanh toàn đực. Vụ mùa năm nay dự kiến diện tích thả nuôi mới của bà con trong xã sẽ đạt trên 1.000 ha, tăng so năm 2014 hơn 400 ha.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết, không riêng xã Biển Bạch Ðông, mô hình nuôi tôm càng xanh còn được triển khai hiệu quả ở một số xã khác trên địa bàn huyện như: Biển Bạch, Tân Bằng, Trí Lực và Thới Bình. Mô hình xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình hiệu quả ổn định và bền vững hiện nay, do chưa thấy yếu tố dịch bệnh so với nuôi tôm sú.
Năm qua, toàn huyện Thới Bình có khoảng 6.000 ha đất thả nuôi tôm càng xanh, tăng gấp 4 lần so năm 2013, năng suất từ 150 - 220 kg/ha, giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, bà con còn lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha./.
Related news

Tháng 7.2012, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Ðại học Nông Lâm (ÐHNL) Huế xây dựng mô hình “Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm”. Mô hình đã đạt kết quả khả quan.

Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh, trong đó có xã Tân Kiều (Đồng Tháp). Hiện tại toàn xã có gần 100 hộ nuôi ếch, tập trung nhiều ở ấp 4. Đây được xem là nghề thoát nghèo của nhiều gia đình.

Thực hành quy trình “Ứng dụng men vi sinh trong sản xuất phân hữu cơ sinh học từ nguồn vỏ cà phê” của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, nông dân Lâm Đồng đã và đang tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư các nguồn dinh dưỡng để chăm sóc cho cây trồng.

Chưa đầy 2 tháng xuống giống ở Hà Tĩnh, dịch bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại các vùng nuôi tôm Kỳ Anh, Lộc Hà, gây thiệt hại cho người nuôi. Mặc dù ngành chuyên môn tích cực triển khai dập dịch nhưng nguy cơ dịch bùng phát khó tránh khỏi.

Thực hiện Đề án chuỗi giá trị sản xuất tôm càng xanh tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2015 (do Sở Công thương chủ trì), Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã khảo sát và thống kê các hộ đăng ký tham gia chuỗi giá trị, với tổng diện tích 41,7 héc-ta, năng lực cung cấp 50,04 tấn/năm.