Diện Tích Cây Mì Ở Bình Phước Bị Thu Hẹp
Năm 2009, toàn tỉnh Bình Phước có 26.180 ha mì, năng suất bình quân đạt gần 22,7 tấn/ha, sản lượng củ mì đạt 579.966 tấn. Trong đó, huyện Đồng Phú có diện tích cây mì lớn nhất tỉnh, với 6.000 ha.
Cây mì ở Bình Phước thời gian trước chủ yếu trồng xen trong các vườn cao su non, điều, vườn cây ăn trái... khi chưa khép tán. Với sản lượng nói trên, củ mì ở Bình Phước không chỉ cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn mà còn cung cấp cho các nhà máy ở tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai...
Thời điểm này, củ mì tươi có giá 1.500 đồng/kg, bình quân 1 ha thu về hơn 34 triệu đồng. Nhiều hộ dân xắt lát phơi khô chờ giá cao để bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Nhờ cây mì, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo và vươn lên khá, giàu.
Thế nhưng, thời gian qua diện tích cây mì ở Bình Phước đã bị thu hẹp đáng kể. Năm 2013, toàn tỉnh chỉ còn 19.225 ha, giảm gần 7.000 ha so năm 2009.
Năm 2014, dự tính diện tích cây mì chỉ còn khoảng 16.093 ha. Trong đó, huyện Bù Đăng có diện tích lớn nhất (4.600 ha), ít nhất là thị xã Phước Long (17 ha). Năm 2009, Đồng Phú có diện tích cây mì lớn nhất tỉnh nhưng đến nay chỉ còn 950 ha.
Nguyên nhân dẫn tới diện tích cây mì giảm mạnh là do các vườn cây đã khép tán không thể trồng xen. Nhiều dự án phủ xanh đất trống đồi trọc đã được thực hiện. Một nguyên nhân nữa là giống mì chưa được nghiên cứu phát triển để thay thế giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn.
Một số nhà máy chế biến tinh bột mì phải tạm thời đóng cửa vì gây ô nhiễm môi trường dẫn tới củ mì bị mất giá. Bên cạnh đó, một số cây trồng ngắn ngày khác có giá trị kinh tế cao hơn nên người dân không mặn mà với cây mì.
Theo kế hoạch, từ năm 2015, cả nước sẽ đưa nhiên liệu sinh học E5 vào sử dụng đại trà, do vậy nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Ethanol Bình Phước có nguy cơ thiếu hụt cao. Điều này đòi hỏi các nhà máy chế biến tinh bột mì, nhất là Nhà máy Ethanol Bình Phước sớm có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cho người trồng mì.
Bởi theo thiết kế, Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước có công suất tiêu thụ khoảng 240 ngàn tấn củ mì khô/năm. Trong khi đó, 3kg củ mì tươi sau khi phơi khô còn lại 1kg. Như vậy, để Nhà máy Ethanol Bình Phước hoạt động ổn định, mỗi năm cần khoảng 720 ngàn tấn củ mì tươi làm nguyên liệu.
Related news
Sau một thời gian lao đao vì cây mía, người dân xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đang thu lời lớn nhờ trồng gừng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong quý I/2015, giá trị xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam đạt 104,3 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do giá cá ngừ thế giới giảm mạnh xuống dưới 1.000 USD/tấn trong khi sản lượng khai thác tất cả cá ngừ toàn cầu tăng; đồng Yên và EUR mất giá còn USD tăng giá và nhu cầu từ các thị trường NK giảm.
Đối với người trồng thanh long, việc xuất hiện dịch bệnh trên cây trồng, nhất là bệnh đốm nâu là nỗi lo lắng dai dẳng. Đặc biệt, trước thời điểm bước vào mùa mưa năm nay, nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh càng khiến bà con thêm lo âu. Kết quả của đợt cao điểm phòng, chống bệnh đốm nâu hại thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong 4 tháng qua là một trong những nỗ lực của ngành nông nghiệp và nông dân địa phương.
Các nhà vườn trồng bơ tại TX.Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những ngày lễ giá bơ trái vụ có giá khoảng 48 - 50 ngàn đồng/kg, tăng 6 - 8 ngàn đồng/kg so với ngày thường trước đó. Bơ ở hai vùng này là một trong những loại trái cây ngon được các thương lái đặt hàng đưa về TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Sau mùa quýt hồng, quýt đường bội thu, các nhà vườn cần vun phân, tưới nước cho vườn cây phục hồi, chuẩn bị cho một chu kỳ mới. Tất cả các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều rất cần thiết và có một loại không thể thiếu đó là phân hữu cơ.