Điển Hình Chăn Nuôi Vượt Khó
“Xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa có 130 hộ làm kinh tế trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc; trong đó thôn Tân Phúc có 110 hộ, mỗi năm thu về 50 - 60 tỷ đồng. Đáng chú ý là hai gương mặt trẻ tiêu biểu Lê Văn Đức, Lê Văn Đô”, ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc cho biết.
Đức và Đô là hai anh em ruột, lần lượt được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc lần thứ IV (2009) và lần thứ VII (2013).
Ngoài công việc là Phó ban Chăn nuôi kiêm Phó bí thư Đoàn xã, Lê Văn Đức (SN 1978) là chủ 2 trang trại lợn ngoại với trên 60 lợn sinh sản và hơn 500 lợn thịt, ước trị giá tài sản gần 4 tỷ đồng; Lê Văn Đô (SN 1980) là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã kiêm Bí thư chi đoàn thôn Tân Phúc và là chủ trang trại nuôi gần 50 lợn sinh sản, 400 lợn thịt trị giá trên 2 tỷ đồng.
Khởi nghiệp từ tay trắng
Là anh cả trong một gia đình thuần nông có 3 anh em trai, năm 1999 nhờ thành tích học tập xuất sắc và tham gia các phong trào sôi nổi tích cực tại trường Trung cấp Nông lâm Thanh Hóa, Lê Văn Đức được kết nạp Đảng và trở về làng với mong ước được đem kiến thức để SX.
Sau 1 lần tham quan mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trong đợt tập huấn nâng cao trình độ, Đức đã mạnh dạn làm đơn xin đấu thầu 2 ha đồi bỏ hoang trước sự phản đối quyết liệt của người thân.
Năm đầu tiên Đức trồng mía, tuy nhiên nhận thấy việc trồng mía không mang lại hiệu quả nên Đức đã mạnh dạn chuyển sang đầu tư kinh tế trang trại tổng hợp VAC. Năm 2003, thông qua Huyện đoàn Vĩnh Lộc, Đức được vay từ nguồn quỹ của TƯ Đoàn 45 triệu đồng mua được 30 con bò.
Cơ duyên để Đức đến với chăn nuôi lợn hướng nạc rất tình cờ, thông qua một bài báo, anh lặn lội đến Ninh Bình năn nỉ mua 2 con lợn giống. Thấy chăn nuôi lợn hiệu quả, anh quyết định bán bớt bò đầu tư chuồng trại nuôi thêm lợn. Cảm mến người Đảng viên trẻ, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc lúc bấy giờ đã thăm hỏi động viên, cho vay tiền, đầu tư cho Đức. Nhờ vậy mà anh đã giải quyết được một phần nỗi lo thiếu vốn.
Cũng trong năm này, Lê Văn Đô đang là công nhân cầu đường với thu nhập khá cao nhưng thấy anh trai vất vả và cũng với suy nghĩ muốn được làm giàu nên đã khăn gói về quê.
Do có trình độ chuyên môn lại thêm sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó chăm sóc nên đàn lợn của hai anh em sinh sản nhanh chóng. Năm 2005, sau khi trừ chi phí họ thu lãi 21 triệu đồng. “Với một vùng quê nghèo thì số tiền này lúc bấy giờ lớn quá sức tưởng tượng của chúng em và đó cũng là lý do quyết định mở rộng trang trại”, Đức trải lòng tâm sự.
Hành trình đến giải thưởng lớn
Năm 2006, hai anh em bán hết bò quay sang đầu tư trang trại lợn với số vốn lên đến 300 triệu đồng. Công việc đang thuận lợi thì bất ngờ lốc lớn kèm theo mưa đá khiến toàn bộ trang trại bị tốc mái, hư hỏng nặng.
Hai anh em ngày đêm ra sức khắc phục hậu quả. Dường như trời cũng chiều lòng người nên đàn lợn lớn nhanh như thổi. Tháng 10/2007, họ đang hào hứng chuẩn bị đón đàn lợn sinh sản đầu tiên thì lũ về.
“Trận lũ lớn đã xóa sạch cơ đồ. Hai anh em ngồi trên nóc nhà nhịn đói, nhịn khát, nhìn đàn lợn nái ngập ngụa trong nước, nước mắt trào ra vừa xót của, tiếc công vừa hình dung cảnh tương lai mù mịt “có làm thuê cả đời cũng không trả hết nợ”.
Biết tin tài sản mà Đức - Đô thiệt hại, chính quyền các cấp đã đến thăm hỏi, động viên đồng thời cho vay thêm 30 triệu để khắc phục hậu quả trước mắt. Hai anh em quyết định bán hết bò lấy tiền đầu tư vào lợn. Năm 2009 giá lợn hướng nạc tăng từ 40.000 đ/kg lên 67.000 đ/kg, trừ chi phí không những trả đủ nợ mà họ còn có vốn để tách trại.
Với hành trình kiên trì, nhẫn nại thoát nghèo đáng khâm phục, năm 2009 Đức vinh dự cùng với 103 thanh niên trong cả nước được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong SX. Tiếp nối Đức, ngày 21/9/2013, tại Nghệ An, Đô cũng được vinh dự nhận giải thưởng này.
Hiện nay Đức tiếp tục mở rộng thêm trang trại tại xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động với mức thu nhập ổn định 2,5 - 3 triệu đ/người/tháng. Mỗi năm trừ chi phí, Đức - Đô thu lãi ròng gần 400 triệu đồng.
Với kinh nghiệm của mình, các anh thường xuyên tư vấn về kỹ thuật cũng như giúp đỡ thiết kế trang trại cho nhiều hộ chăn nuôi ở Vĩnh Lộc.
Related news
Đã có “địa lợi” và “nhân hòa”, nhưng khi mới bắt tay nuôi bò sữa, người dân Bảo Lộc chưa gặp được “thiên thời”. Bởi cách đây khá lâu, người chăn nuôi bò sữa thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đồng cỏ… đã đành, nhưng đến lúc sản xuất được sữa tươi rồi, thì việc đem bán cũng lắm nhiêu khê. Chỉ mấy năm gần đây, nghề chăn nuôi bò sữa tại Bảo Lộc mới bắt đầu có “tín hiệu” phát triển đáng mừng.
Ông Trần Nguyễn Hồ nói: “Đối với tôi, phía đối tác yêu cầu 400.000 trứng/ngày nhưng tôi chỉ đáp ứng 100.000 trứng, đáp ứng không nổi. Tiêu chuẩn thì đạt, trước khi container đưa về bên đó, có người kiểm tra, gửi mẫu về, khi đạt mới cho đi”.
Tại hội thảo, các đại biểu nêu lên 4 liên kết cần phải làm ngay: Đó là liên kết giữa cơ sở sản xuất con giống và cơ sở nuôi thương phẩm; Liên kết cơ sở thức ăn, sản xuất thương phẩm; cơ sở thú y và cơ sở con giống; Liên kết cơ sở chăn nuôi thương phẩm, giết mổ chế biến và tiêu thụ.
Từ ngày 1/1/2015, vùng nông nghiệp Lâm Đồng phải loại trừ hoàn toàn thuốc Methyl Bromide xông hơi, khử trùng trong sản xuất các loại rau, hoa… theo cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Nghị định thư Montreal của Liên Hiệp Quốc về chống suy giảm tầng ôzôn.
Tại hội nghị, nhà máy đã công bố chính sách thu mua mía nguyên liệu vụ ép 2014-2015. Công ty có chính sách trợ giá cho người trồng mía vùng gần là 50 ngàn đồng/tấn, cùng với mức trợ giá thu hoạch 10 ngàn đồng/tấn, tính ra giá mía thu mua thực tế tại ruộng vùng gần nhà máy là 895 ngàn đồng/tấn và các vùng khác là 845 ngàn đồng/tấn.