Diễn biến châu chấu tre và các biện pháp ứng phó
Qua kết quả điều tra thực địa, khảo sát của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh và UBND huyện Điện Biên, châu chấu tre đang xuất hiện và gây hại cây trồng trên địa bàn các xã: Mường Lói, Phu Luông.
Đàn châu chấu tre được xác định di chuyển từ tỉnh Luông Pra Băng (Lào) vào địa bàn từ ngày 6/8 tại bản Na Chén, xã Mường Lói (khu vực giáp biên giới cột mốc số 0).
Châu chấu gây hại chủ yếu trên lá tre, chít và lúa nương, mật độ trung bình từ 5 – 10 con/m2, cục bộ có điểm từ 80 – 100 con/m2.
Theo phản ánh của người dân, châu chấu từ bản Na Chén di chuyển sang bản Na Cọ (xã Mường Lói) và Na Há (xã Phu Luông) thành đàn lớn.
Ước tính chiều dài đàn gần 4km, chiều rộng chừng 1km. Đến ngày 18/8, châu chấu xé đàn di chuyển về Điện Biên Đông; số còn lại gây hại tại các bản: Na Há, bản Xẻ và Xôm (xã Phu Luông).
Chi cục BVTV tỉnh nhận định: Thời gian tới rất có thể, đàn châu chấu sẽ di chuyển đi nơi khác song rất khó kiểm soát vị trí chúng di chuyển đến vì còn phụ thuộc vào nguồn thức ăn và hướng gió.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu gây ra trên cây trồng, Chi cục BVTV đã chỉ đạo các trạm BVTV phối hợp theo dõi, đồng thời hướng dẫn người dân tập trung thực hiện một số kỹ thuật phòng chống cơ bản.
Đối với các huyện, khu vực chưa phát hiện có châu chấu tre thì phải thường xuyên tổ chức điều tra, theo dõi biến động số lượng, dự báo khả năng bùng phát để chủ động phương án phòng, chống kịp thời, ngăn chặn phát sinh gây hại trên diện rộng. Với khu vực châu chấu tre xuất hiện và gây hại, tăng cường điều tra, xác định hướng và vị trí di chuyển, phạm vi hoạt động và loại cây trồng bị gây hại nặng.
Đồng thời tổ chức các biện pháp kỹ thuật quản lý địch hại. Chi cục BVTV tỉnh cũng yêu cầu trạm BVTV các huyện, thị, thành phố phối hợp tổ chức tập huấn về cách nhận biết và kỹ thuật phòng trừ châu chấu tre cho các chủ rừng và hộ dân. Đồng thời tăng cường điều tra, dự báo thời điểm phát sinh, giúp người dân chủ động vật tư, trang thiết bị xử lý sớm ngay khi trứng mới nở tại những vùng phát sinh mạnh.
Để hạn chế châu chấu tre gây hại, cần phòng trừ sớm ngay từ khi trứng mới nở và giám sát, phòng trừ khi châu chấu di chuyển. Theo thời vụ, từ tháng 3 – tháng 5 hàng năm cần tăng cường kiểm tra phát hiện trứng nở, xử lý các ổ ấu trùng châu chấu càng sớm càng tốt bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học hoặc thuốc hóa học.
Khoảng từ giữa tháng 5 trở đi, trong trường hợp chưa xử lý hết các ổ ấu trùng hoặc xử lý chưa hiệu quả, cần tiếp tục theo dõi sự di chuyển của đàn châu chấu và áp dụng các biện pháp cơ giới, như: Vợt bắt vào buổi chiều mát, khi châu chấu đã ăn no ít hoạt động.
Ở những diện tích xuất hiện châu chấu với mật độ cao (trên 10 con/m2) thực hiện diệt trừ bằng cách phun bao vây từ ngoài vào trong bằng thuốc hóa học (theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật). Cùng với đó, người dân cần áp dụng các biện pháp canh tác giảm thiểu nguồn thức ăn của châu chấu.
Cụ thể như: Từ tháng 2 – tháng 4 hàng năm thường xuyên thu dọn lớp thực bì và cỏ dại ở bề mặt đất để hạn chế nguồn thức ăn của châu chấu mới nở. Những nơi đất không quá dốc có thể làm đất và kết hợp trồng xen những cây ưa bóng, như: gừng, riềng, sả... để hạn chế sự sinh trưởng của châu chấu.
Trong trường hợp phát sinh thành dịch châu chấu tre có thể gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Để phòng chống châu chấu tre hiệu quả, thì việc bảo vệ, giữ gìn tính ổn định của hệ sinh thái rừng, tăng tính đa dạng sinh học, từ đó cân bằng sinh thái, để các loài thiên địch diệt châu chấu là cần thiết. Cùng với đó, công tác giám sát trên thực địa cần được chú trọng.
Do đó, các chủ rừng, chủ vườn, các hộ dân nên chủ động điều tra, khoanh vùng và thực hiện các biện pháp xử lý sớm. Khi phát sinh dịch, cần báo cơ quan chức năng để phối hợp xử lý kịp thời.
Related news

Vừa qua, tại Khu du lịch Mỹ Trà, TP. Cao Lãnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức diễn đàn về ngành hàng xoài. Đại diện Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu long, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, các sở, ngành, doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cùng với gần 200 nông dân là nhà vườn các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và TP. Cao Lãnh tham dự diễn đàn.

Hiện tại, khoảng 20% diện tích bị rầy nâu gây hại trong số 900ha lúa hè - thu trà sớm (giai đoạn chín) đang được thu hoạch. Còn số diện tích lúa hè - thu chính vụ (giai đoạn ngậm sữa) bị rầy nâu gây hại cũng đã được người dân dùng nhiều biện pháp để diệt trừ.

Trong thời chiến, xã Hỏa Tiến là vùng đất anh hùng. Còn trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây luôn vững vàng ý chí, cùng một niềm tin và quyết tâm trong “cuộc chiến” chống đói nghèo và công cuộc xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

“Đây thực sự là thiên đường nuôi tôm trên cát” - một bậc thầy trong lĩnh vực thủy sản ở Quảng Nam đã đúc rút điều này khi tận mắt chứng kiến “cơ ngơi” của chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (Thạch Trị - Thạch Hà). Bí quyết “vẽ” nên bức tranh hoàn mĩ ấy chính là tập thể những con người đang gắn bó máu thịt với từng hồ tôm, với niềm tin tuyệt đối vào tấm lòng và bản lĩnh của nữ giám đốc này.

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT về danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.