Điểm Tựa Thoát Nghèo
Là tổ chức tập hợp và đại diện quyền lợi của người nông dân, Hội Nông dân huyện Nghi Xuân luôn thể hiện chức năng và vai trò của mình trong việc định hướng, hỗ trợ phát triển kinh tế và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Hàng trăm mô hình SXKD của hội viên cho thu nhập cao ra đời, đều có sự song hành của các cấp hội nông dân từ huyện đến cơ sở.
Chúng tôi tới thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp 8,2 ha của gia đình ông Lê Văn Bàng (thôn Linh Trung, xã Xuân Liên). Được đầu tư xây dựng vào năm 2012, mỗi năm, gia đình ông thả nuôi 2 lứa lợn thịt theo hình thức liên kết với Công ty CP (Thái Lan) với quy mô 1.800 con/lứa.
Ngoài ra, ông còn kết hợp nuôi 5,5 ha cá các loại và hơn 1.000 con vịt, tổng thu nhập đạt 1,7 tỷ đồng/năm. Trang trại của ông Bàng là một trong những mô hình kinh tế có sự gắn kết và hỗ trợ của Hội Nông dân huyện.
“Tất cả các khâu, từ việc tư vấn thành lập, phương thức sản xuất cho đến nguồn vốn vay phát triển, rồi tìm đầu ra cho sản phẩm… gia đình tôi đều nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình từ Hội Nông dân huyện” - ông Bàng chia sẻ.
Là một trong những đơn vị chủ trì trong xây dựng nông thôn mới của huyện, Hội Nông dân Nghi Xuân luôn chú trọng công tác xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế.
Đến nay, Nghi Xuân có 233 mô hình SXKD doanh thu 100 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có nhiều mô hình liên kết bền vững, doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Với phương châm đưa cơ chế, chính sách đến với hội viên, được sự khâu nối của hội, hàng ngàn hội viên được tiếp cận số vốn gần 159 tỷ đồng từ ngân hàng và hơn 93 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 23 của UBND tỉnh.
Anh Trần Bách Quyền (thôn 7, xã Xuân Phổ) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có tới chục hồ nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích 9 ha.
Chi phí đầu tư lớn, Hội Nông dân huyện đã đứng ra bảo lãnh để chúng tôi được vay vốn lãi suất thấp, đầu tư nuôi trồng thủy sản. Nếu không có sự tiếp sức của hội thì không biết bao giờ gia đình tôi mới có cơ ngơi như thế này”.
Bên cạnh tích cực tham gia định hướng, kết nối và tổ chức xây dựng mô hình SXKD cho nông dân, Hội Nông dân Nghi Xuân đã xây dựng chương trình cung ứng vật tư nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển các mô hình. Vừa qua, hội đã hỗ trợ cung ứng 1.500 tấn phân bón phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Hồng Khoan - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho hay: “Để giúp bà con mua được phân bón chất lượng cao, các thành viên của Huyện hội đã thế chấp bìa đỏ của gia đình lấy vốn mua phân lân từ Công ty CP Lâm Thao, rồi cung ứng cho người dân theo giá gốc.
Chúng tôi đóng vai trò trung gian, chịu trách nhiệm cho bà con thực hiện dịch vụ trả chậm”. Hiện nay, hội đang tích cực tuyên truyền, chỉ đạo và hỗ trợ hội viên tham gia dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát tại các xã ven biển.
Cùng với đó, “Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển tổ hợp tác chăn nuôi liên kết, hiện nay, hội đang tích cực tham gia ký kết chương trình phối hợp với UBND huyện, tư vấn và hỗ trợ về thủ tục hành chính để tiếp tục xây dựng các trang trại nuôi lợn nái, lợn thịt quy mô lớn theo hướng liên doanh, liên kết”, ông Trần Văn Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ.
Ngoài đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất, các cấp hội nông dân ở Nghi Xuân còn đặc biệt quan tâm công tác an sinh xã hội cho các hội viên là đối tượng người có công và người có hoàn cảnh khó khăn. Những năm gần đây, hàng trăm ngôi nhà được xây dựng cho các đối tượng này nhờ sự hỗ trợ trực tiếp của hội.
Thông qua tổ chức hội, con em xa quê đã hướng về quê hương với số tiền đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng ngàn suất quà. “Hội Nông dân huyện Nghi Xuân đã thể hiện rõ vai trò “bà đỡ” của người nông dân.
Hội thực sự là điểm sáng trong phong trào xây dựng tổ chức cũng như phát triển các phong trào giúp hội viên thi đua SXKD giỏi, làm giàu và giảm nghèo bền vững, chung tay cùng địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”, bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay.
Related news
Hiện nay đã thu hoạch hơn 3ha, số diện tích này do xuống giống sớm bị ảnh hưởng nhiều đám mưa to, dưa bị thúi trái nên năng suất giảm khoảng 50% so với năng suất trung bình. Mỗi công dưa nông dân thu hoạch cao nhất chỉ được 1 tấn trái, vì vậy số diện tích này nông dân chắc chắn thua lỗ.
Anh Phạm Hoàng Khanh, Cán bộ Bảo vệ thực vật thị trấn Long Mỹ, thông tin: Ngoài tập trung đầu tư hạ tầng đê bao đồng bộ thì công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân cũng được lực lượng chuyên môn thị trấn, huyện, cùng các doanh nghiệp tham gia thực hiện mạnh mẽ.
Trong vài năm trở lại đây, ngoài trái bưởi Năm Roi thương phẩm thì Câu lạc bộ (CLB) khuyến nông ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành đã tạo dáng cho trái bưởi có giá trị cao gấp nhiều lần so với bưởi thường. Và giờ đây, cũng từ việc tạo dáng, các thành viên CLB cho ra thị trường loại sản phẩm mới là trái đào tiên hồ lô vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Hiện nay một số loại rau màu vụ đông trồng sớm, có thời gian sinh trưởng ngắn như: bí xanh, dưa chuột bao tử, su hào, cải bắp, súp lơ, cà chua… đang cho thu hoạch. Bí xanh được bán với giá 4.500-5.000 đồng/kg; dưa chuột xuất khẩu giá 5.000-7.000 đồng/kg; cải bắp giá 5.000-6.000 đồng/cây; su hào 3.000-4.000 đồng/củ; cà chua 6.000-7.000 đồng/kg… cho thu nhập cao hơn, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn so với chính vụ.
Bằng Giã là một trong những xã có diện tích mặt nước lớn của huyện Hạ Hoà, rất thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản. Xã có 12 khu dân cư, với tổng diện tích tự nhiên là 840ha, trong đó diện tích mặt nước 154ha. Hệ thống đầm, hồ ở đây rất phong phú, đa dạng lại ở sát bờ sông Thao và ngòi Lao nên có thế mạnh để phát triển thuỷ sản đa dạng.