Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trang Trại Thân Thiện Với Môi Trường

Trang Trại Thân Thiện Với Môi Trường
Publish date: Friday. August 1st, 2014

Câu chuyện bắt đầu khi xã Vạn Ninh cùng với các địa phương khác trong huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khởi động phong trào xây dựng nông thôn mới. Với địa hình bán sơn địa có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng, xã Vạn Ninh khuyến khích nhân dân tập trung vào các mô hình kinh tế trang trại với nhiều chính sách ưu đãi, trong đó định hướng đến vấn đề quy hoạch tập trung, thân thiện với môi trường và xa khu dân cư.

Với diện tích đất tự nhiên trên 2.905ha, trong đó đất nông nghiệp 1.288ha, đất chưa sử dụng 67ha. Quỹ đất dồi dào là yếu tố quan trọng để xã Vạn Ninh quy hoạch và phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, là một xã thuần nông, diện tích lúa đông-xuân hàng năm khoảng 700ha, năng suất bình quân năm sau cao hơn năm trước, gần 66,5 tạ/ha; sản lượng 4.659 tấn; tổng sản lượng lương thực 4.755 tấn. Ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực, phần còn lại chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi.

Theo số liệu khảo sát, toàn xã có 1.218 con trâu bò (trong đó 641 con trâu, 577 con bò); đàn lợn 4.685 con; 56.550 con gà; 5.900 con vịt. Giá trị sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng hàng năm trên 600 tấn. Về nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích 405 ha, trong đó nuôi cá nước ngọt 45 ha; mô hình cá lúa 360ha.

Căn cứ vào chuẩn trang trại nông thôn mới, xã Vạn Ninh có 4 trang trại đạt chuẩn gồm các hộ: Trần Văn Hồng, thôn Đồn; Nguyễn Văn Thái; Nguyễn Minh Vương cùng ở thôn Bến và Ngô Đình Ngọc, thôn Giữa. Ngoài ra còn có hàng chục hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ mong muốn có quỹ đất, vốn đầu tư để phát triển.

Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết: Chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp của xã, tuy nhiên với hình thức nuôi tự phát, manh mún, phần lớn ở trong khu dân cư tập trung nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng.

Khi tiến hành quy hoạch xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã cho rà soát lại các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, phát triển kinh tế trang trại tập trung. Vùng đất được UBND xã chọn xây dựng các trang trại là cánh đồng Ba Đa thuộc thôn Đồn, nằm tách biệt cách khu dân cư hơn 500 mét. Diện tích ban đầu đưa vào thí điểm trên 3 ha, giao cho 6 hộ dân.

Chuyển đến vùng Ba Đa đã 3 năm, vợ chồng anh Bùi Doãn Hà ở thôn Nam Hải được giao 1 ha đất xây dựng trang trại. Trên diện tích này anh quy hoạch khu chăn nuôi gà, lợn, đào 4 hồ nuôi cá. Trang trại Bùi Doãn Hà duy trì đều đặn từ 70 đến 100 con lợn thịt mỗi lứa và 4 mẹ lợn nái, trên 3.000 con gà; 8 sào mặt nước anh thả các loại cá trắm, mè, rô phi... tận dụng nguồn thức ăn từ chuồng trại thải ra. Bùi Doãn Hà tâm sự, anh đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống điện thắp sáng, nước sinh hoạt và khu chuồng trại.

Ba năm... đang trong giai đoạn hồi vốn, lấy công làm lãi. Nếu Nhà nước tạo cơ chế cho vay, gia đình sẽ vay thêm 200 triệu đồng. Làm ăn kinh tế phải mạnh dạn. Xã Vạn Ninh tạo quỹ đất cho rồi, gia đình cũng cần phủ kín diện tích đất được giao.

“Trước chăn nuôi ngay trong khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống của gia đình và bà con xung quanh. Bây giờ chuyển lên vùng đất mới, với cách thức bố trí chuồng trại khép kín, khoa học nên vấn đề ô nhiễm môi trường hạn chế đến mức thấp nhất, đúng quy định trang trại thân thiện với môi trường” - Bùi Doãn Hà chia sẻ.

Đề cập đến chuyện phát triển các mô hình kinh tế trang trại, vai trò của lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong xã Vạn Ninh luôn được đánh giá cao. Từ lâu tuổi trẻ Vạn Ninh thành lập và duy trì hoạt động của CLB thanh niên lập nghiệp (TNLN) thu hút 13 ĐVTN tham gia. Mục tiêu của CLB TNLN là định hướng giúp ĐVTN trong vấn đề lập thân, lập nghiệp; trở thành diễn đàn trao đổi kinh nghiệm làm giàu và hỗ trợ nhau vốn sản xuất kinh doanh.

Khi UBND xã Vạn Ninh có chủ trương quy hoạch trang trại tại vùng Ba Đa, 4 ĐVTN gồm Ngô Đình Ngọc, Trần Văn Ngọc, Trần Văn Lộc và Phó bí thư Xã đoàn Trần Văn Sỹ tình nguyện lên nhận đất, đầu tư chuồng trại để chăn nuôi.

Vợ chồng Trần Đình Sỹ sau 2 năm lên khai hoang ở vùng Ba Đa, hiện tại đang sở hữu khu trang trại chăn nuôi gà kết hợp với đào ao thả cá và làm thêm 6 sào ruộng, chủ yếu để bảo đảm nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Mỗi đợt, Sỹ thả khoảng 2.000 gà thịt, nuôi đúng quy trình, giống tốt, chế độ ăn đầy đủ sẽ xuất chuồng sau 60 đến 75 ngày, trọng lượng bình quân 2kg.

Trần Đình Sỹ cho biết: “Phong trào lập thân, lập nghiệp của ĐVTN trong xã phát triển rất mạnh, vừa bảo đảm kinh tế gia đình vừa tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Chúng tôi xung phong lập trang trại chăn nuôi theo chủ trương của xã, bên cạnh những thuận lợi căn bản thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là tiếp cận nguồn vốn vay. Hầu như ĐVTN lập nghiệp từ hai bàn tay trắng đi lên, chứ chưa có kênh vốn vay nào hỗ trợ, giúp đỡ cả”.

Quy hoạch trang trại cách xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường là một hướng đi phù hợp với đặc điểm tự nhiên và tập quán lao động sản xuất, chăn nuôi của người dân xã Vạn Ninh. Theo ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã thì trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thêm từ 3ha đến 4ha và vận động, di dời 35 hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn lên ổn định tại Ba Đa, chuyển hẳn chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu dân cư.


Related news

Bình Thuận Được Mùa Cá Cơm Bình Thuận Được Mùa Cá Cơm

Sau chuyến biển xuất hành đầu năm, ngư dân Phan Thiết (Bình Thuận) trở về với những khoang cá cơm đầy ắp. Ở các bến bãi, bến cảng tấp nập tàu thuyền tập kết, mỗi thuyền khai thác ít cũng được vài ba tấn cá, có thuyền lên đến cả chục tấn.

Friday. February 14th, 2014
Quy Trình Nuôi Tôm Theo Thực Hành Viet GAP Quy Trình Nuôi Tôm Theo Thực Hành Viet GAP

Sóc Trăng tự hào là vùng nuôi tôm công nghiệp đứng đầu cả nước, sản lượng tôm nuôi và chế biến xuất khẩu chiếm tương đương 20% giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Người nuôi tôm ở Sóc Trăng đã không ngừng đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và quy trình nuôi tiên tiến hơn, năng suất, chất lượng cao hơn.

Friday. February 14th, 2014
Hà Nội Thủy Sản Được Mùa, Được Giá Hà Nội Thủy Sản Được Mùa, Được Giá

Sau Tết Nguyên đán, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP Hà Nội lại bắt tay vào mùa thu hoạch. Khác với sự rớt giá của các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, năm nay, người nuôi thủy sản có niềm vui riêng vì các loại sản phẩm đều được mùa, được giá.

Friday. February 14th, 2014
Làng Tôm Giống Vào Mùa Làng Tôm Giống Vào Mùa

Những ngày đầu tháng Giêng, đi dọc biển thuộc địa phận các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), chúng tôi được chứng kiến cảnh làng tôm giống vào mùa. Ống khói lò đun nước thi nhau nhả khói, Tiếng máy bơm, tiếng quạt thông gió… tạo nên một không khí khẩn trương của làng nghề trong những ngày đầu năm mới.

Friday. February 14th, 2014
Bài Toán Tháo Gỡ Khó Khăn Ngành Cá Tra Bài Toán Tháo Gỡ Khó Khăn Ngành Cá Tra

Bài toán cá tra không chỉ đơn giản là kiểm soát diện tích, sản lượng nuôi mà song song với đó là xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm phi lê cá tra xuất khẩu.

Friday. February 14th, 2014