Đề xuất bỏ hẳn giấy phép xuất khẩu gạo
Tại Hội thảo “Góp ý đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức ngày 25.8, một số ý kiến cho rằng để tạo động lực cho ngành lúa gạo phát triển, nên bỏ hẳn giấy phép xuất khẩu gạo đi, để ai muốn xuất cũng được.
Quá nhiều trung gian trong chuỗi giá trị
TS Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng Viện IPSARD cho biết, trong các tiểu ngành nông nghiệp, lúa gạo là một trong những ngành quan trọng nhất tác động đến phát triển kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, Việt Nam có gần 9,3 triệu hộ trồng lúa trong tổng số 15 triệu hộ nông dân (giai đoạn 2010-2013), sản xuất lúa gạo hiện đóng góp 30% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.
Sản xuất lúa gạo hiện nay vẫn trong tình trạng manh mún, tự cung, tự cấp. Ảnh: Thu hoạch lúa tại Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: L.H.T
“Ngành lúa gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế cần phải giải quyết. Về chủ quan, quy mô sản xuất lúa nhỏ, chuỗi giá trị quá nhiều trung gian, thiếu liên kết, tỷ lệ thất thoát cao, chế biến chưa tối ưu... Những điều này ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng lúa, chất lượng gạo, và khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam” - ông Thắng phân tích.
Đánh giá về ngành lúa gạo hiện nay, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, dù hàng năm Việt Nam xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo nhưng lợi nhuận còn thấp, giá xuất khẩu luôn thấp hơn Thái Lan. Về mặt thị trường, việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường dễ “nóng lạnh” như Trung Quốc là không ổn định, bền vững nên rất cần đổi thay. Vì thế, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu, tại vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hoá, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 20% trở lên.
Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) cho rằng: “Tái cơ cấu ngành lúa gạo là đúng, nhưng phải làm rõ tại sao phải tái cơ cấu. Theo tôi, nên bỏ giấy phép xuất khẩu đi, ai bán được cứ cho bán, không cần giấy phép nữa để mở rộng thị trường. Kinh nghiệm cho thấy, cách đây 10 năm yêu cầu có giấy phép nhập khẩu giống lúa, tôi đề xuất bỏ nên thị trường giống đã phát triển mạnh. Vậy tại sao chúng ta phải tự “trói chân” mình”.
Liên quan tới cơ chế xuất khẩu gạo, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, cần phải nới tiêu chuẩn để doanh nghiệp được tham gia xuất khẩu gạo nhiều hơn. Hiện quy định quá khắt khe, phải có nhà máy chế biến, năng lực kho chứa lớn. Trong khi Thái Lan có tiêu chí xuất khẩu gạo đơn giản, cứ xuất khẩu được bao nhiêu cứ thoải mái xuất, kể cả bao gạo dưới 12kg, còn Việt Nam quy định quá khắt khe nên lợi ích chỉ tập trung vào doanh nghiệp lớn và thiệt hại thì vẫn là người nông dân phải gánh chịu.
Cần nới rộng hạn điền
TS Đỗ Văn Khởi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, theo quy định hiện nay, muốn mua đất phải có chứng nhận sản xuất nông nghiệp, điều này không phù hợp vì người ta có thể mua đất để tổ chức sản xuất. Do đó, nhiều người phải mượn tên để có đất thì rất khó mở rộng được sản xuất. “Hạn điền trong sản xuất lúa hiện nay là 3ha, dù đã cho phép chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nên có những người ở ĐBSCL sở hữu hàng trăm ha. Tuy nhiên, do vướng hạn điền nên nhiều người phải nhờ người khác đứng tên, rất khó khi vay vốn và tổ chức sản xuất” - ông Khởi nói.
Về vấn đề này, ông Trần Mạnh Báo cũng cho rằng, nên xem xét bỏ hạn điền trong sản xuất lúa và phải tổ chức lại sản xuất, vì quy trình sản xuất của chúng ta hiện không giống ai. Cần quy hoạch rõ vùng nào phục vụ an ninh lương thực, vùng nào dành cho xuất khẩu. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, không để tình trạng “trăm nhà trăm kiểu” như hiện nay. “Hiện hạ tầng sản xuất vùng ĐBSCL rất kém, tôi phải đi 4 phương tiện (ô tô, xe ôm, xuồng, đi bộ) để đến được ruộng khảo nghiệm. Hạ tầng như vậy sao sản xuất lớn được” - ông Báo nói.
GS - TS Vũ Văn Viết - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì cho rằng: “Ai sẽ là người thực hiện tái cơ cấu lúa gạo? Chính là người sản xuất lúa, nhưng hiện nay hầu hết các vùng sản xuất đều tự cung, tự cấp và rất manh mún. Cần phải thay đổi, chuyển sang sản xuất quy mô lớn, sản xuất lúa chất lượng để xuất khẩu chứ không phải sản xuất ra thấy thừa thì bán”.
Related news
Với 200 m2 bể xi măng nuôi cá lóc, từ nhiều năm nay anh Ngô Hữu Hòa – thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã thu hoạch từ 15 - 16 tấn cá thương phẩm mỗi năm, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Theo người dân xã Đại Hồng (Đại Lộc - Quảng Nam), mùa dứa năm nay cho năng suất cao, lại được giá. Trung bình mỗi gia đình thu hoạch được khoảng 1 tấn dứa/ngày, với giá bán tại chỗ từ 5 - 7 nghìn đồng/quả.
Vụ xuân năm nay, huyện Nam Sách (Hải Dương) trồng gần 38 ha ớt, tập trung ở các xã Hiệp Cát, Đồng Lạc, An Bình, Phú Điền.
Rong nho biển đang là một loại sản phẩm mới ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Tại Khánh Hòa, ngoài Viện hải dương học Nha Trang, Công ty TNHH Trí Tín cũng đã trồng thử nghiệm 200 g giống được mang đến từ Okinawa (Nhật Bản) từ tháng 10/2005. Đồng thời với quá trình nhân giống, Công ty TNHH Trí Tín đã tiến hành trồng thử nghiệm theo nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có sáng kiến trồng rong nho theo phương pháp trồng kê sàn có lưới che. Từ tháng 10/2006 đến nay, công ty đã nhân rộng thành công phương pháp trồng này tại vùng biển Hòn Khói (Ninh Hải, Ninh Hòa).
Ổi xá lị Bình Lộc (TX. Long Khánh) nổi tiếng nhờ chất lượng thơm ngon, giòn ngọt do không sử dụng chất kích thích, trái chín tự nhiên theo cách chăm sóc truyền thống của nông dân miệt vườn