Để Giá Trị Khoai Lang Tăng Cao
Tìm kiếm thị trường mới, hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc là yếu tố quan trọng giúp tăng giá trị cây khoai. Trong ảnh: Nhân công phân loại khoai.
“Tìm ra thị trường mới, nhập khẩu chính ngạch khoai lang Việt Nam, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc là một việc cần phải làm ngay vì chúng ta còn nhiều tiềm năng phát triển”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ cho biết.
Dịch chuyển thị trường
Sau 3 - 4 năm đưa cây khoai lang xuống ruộng lúa, thu nhập của nông dân được nâng lên đáng kể, đặc biệt trong năm những năm 2010 – 2011, mỗi hecta khoai lang người trồng thu lãi cao gấp 10 lần so với lúa. Dù giành được nhiều thắng lợi nhưng nó vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro bởi đầu ra sản phẩm bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường duy nhất là Trung Quốc.
“Có 85,4% lượng khoai lang của Vĩnh Long sản xuất ra được xuất khẩu, 14,6% tiêu thụ nội địa, nhưng lượng xuất khẩu cũng chỉ được bán tiểu ngạch đi Trung Quốc nên ẩn chứa nhiều rủi ro, nông dân thường xuyên bị ép giá”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Trưởng Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ cho biết.
PGS-TS Lý Nguyễn Bình, Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường như Trung Quốc là rủi ro đối với tiêu thụ khoai lang của chúng ta. Bên cạnh đó, buôn bán không hợp đồng ký kết, không tiêu chuẩn kỹ thuật cũng là nguyên nhân đẩy người bán, người nông dân rơi vào thế bị động”.
Thực tế, từ đầu năm 2012 đến nay- khi Trung Quốc “giở trò” ngưng nhập, giá khoai lập tức rơi tự do từ mức kỷ lục trên 1 triệu đồng/tạ (tạ tính 60 kg) xuống 200.000 – 300.000 đ/tạ, nông dân bị lỗ nặng. Ông Sơn Văn Luận - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Khoai lang Tân Thành (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) cho biết: “Giá khoai giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân chúng tôi. Với giá bán như hiện nay (trên dưới 250.000 đ/tạ), chắc chắn bà con trồng khoai sẽ lỗ”.
Đứng trước những rủi ro trên, đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm nhiều thị trường tiêu thụ mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ trên 85% khoai lang của Việt Nam hiện nay. PGS-TS Lý Nguyễn Bình cho biết: “Theo kế hoạch, sắp tới chúng tôi sẽ thành lập đoàn khảo sát đi thăm dò nhu cầu nhập khẩu khoai lang ở một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hong Kong và Mỹ. Gần đây, những quốc gia này cũng chú trọng đến việc tiêu thụ khoai lang, chẳng hạn như Nhật Bản đã đưa khoai lang vào danh sách thực phẩm phục vụ đời sống người dân và đây là triển vọng sáng sủa đối với cây khoai lang của chúng ta”.
“Một số thị trường như ở Hàn Quốc chẳng hạn, hiện các tập đoàn, công ty ở quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu khoai lang để phục vụ cho công nhân” - ông Quách Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho biết.
Ông Sơn Văn Luận cho biết thông qua Công ty Rau quả Bình Thuận, hiện HTX đã xuất khẩu được 40 – 80 tấn khoai lang/tuần cho Malaysia và 10 tấn/tuần cho thị trường Singapore và Hong Kong với giá ổn định 7.000 – 7.500 đ/kg. “Đối tác nhập khẩu vẫn tiếp tục có nhu cầu nếu phía mình có nguồn cung và giá cả ổn định”- ông Luận cho biết.
Nâng “nội lực”
Khi có được thị trường tiêu thụ mới thì vấn đề còn lại là đòi hỏi chúng ta phải nâng cao “nội lực”. “Nội lực” được nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho biết chính là phải quy hoạch lại sản xuất theo hướng tập trung, tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là phải đổi mới cách làm, tức phải đi từ thị trường đến sản xuất, nghĩa là biết thị trường cần loại khoai nào, số lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn ra sao… rồi mới quay lại tổ chức sản xuất, đáp ứng đúng yêu cầu của nước nhập khẩu.
PGS- TS Lý Nguyễn Bình cho biết, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, cụ thể là thành lập các HTX bởi vì diện tích đất của mình quá manh mún. Ví dụ ở Hoa Kỳ, một nông dân nắm trong tay cả ngàn hecta đất, còn mình chưa tới 1 ha/hộ, vì vậy cần phải gom lại. Thông qua HTX, nông dân sẽ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật đã đề ra đến khi có sản phẩm thì phải đạt yêu cầu của bên mua. “Chẳng hạn, thị trường A yêu cầu điều kiện B, C thì bắt buộc sản phẩm làm ra của ta phải đạt yêu cầu B, C của thị trường A, mà muốn làm được điều này, chúng ta phải đi từ thị trường đến sản xuất, nghĩa là phải nắm được nhu cầu của thị trường trước”, PGS-TS Lý Nguyễn Bình cho biết.
Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong những năm qua diện tích khoai lang của tỉnh tăng mạnh, từ 6.000ha trong năm 2010 lên đến gần 10.000 ha, tính đến tháng 8/2012. “Diện tích khoai lang tăng mạnh trong những năm qua, nhìn chung đúng với quy hoạch đưa cây màu xuống ruộng lúa của tỉnh. Thế nhưng, để cây khoai lang có giá trị kinh tế lớn thì ngoài sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP) thì đòi hỏi chúng ta phải đầu tư hệ thống kho, nhà máy sơ chế, chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng”.
Theo ông Từ Văn Bình - Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, sản lượng khoai lang Việt Nam hiện chỉ chiếm 1,2% sản lượng thế giới; xuất khẩu chiếm 0,7% thế giới. Ông cho biết: “Tiềm năng phát triển khoai lang của Việt Nam còn rất lớn, vấn đề quan trọng là chúng ta phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh, nâng cao giá trị”.
Related news
Nông dân xã Tân An (Tân Châu - An Giang) có thu nhập cao từ mô hình nuôi lươn trong bồn chất ủ bằng cây bắp khô. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi lươn, nông dân Trịnh Minh Tiến Anh cho biết, sau 6 tháng nuôi, anh vừa bán 2 bồn lươn khoảng 15.000 con, thu lãi gần 15 triệu đồng. Mùa nước nổi năm nay, giá lươn nuôi được thương lái mua cao hơn những năm trước. Lươn được phân thành hai loại: Loại I: Từ 200gr trở lên bán với giá 115.000 đồng/kg; loại II: Từ 150gr – dưới 200gr bán giá 110.000 đồng/kg.
Tại Hội thảo “Tìm giải pháp quản lý chất lượng tôm giống” do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức mới đây, các đại biểu đều ủng hộ phương án phải kiểm tra chất lượng tôm giống bố mẹ từ nước ngoài.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2013, tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ được các địa phương kiểm soát khá tốt, giá tôm nguyên liệu tăng nên người nuôi yên tâm thả giống, mở rộng diện tích canh tác. Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm 2014, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất và phổ biến lịch thời vụ nuôi, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm nước lợ.
Theo Tổng Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013, mặc dù vẫn còn xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi, nhưng về cơ bản vụ nuôi tôm năm nay được mùa ở Việt Nam.
Chiều 12/11, Hội đồng KH-CN tỉnh Phú Yên xét duyệt Dự án Nông thôn miền núi: “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chẽm (Lates calcarifer) trong thủy vực nước ngọt quy mô nông hộ tại 2 huyện Đông Hòa, Sông Hinh thuộc tỉnh Phú Yên” do kỹ sư Phạm Trường Giang, Nghiên cứu viên Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III) làm chủ nhiệm.