Để Dồn Điền Đổi Thửa Thành Công
Một trong những mục tiêu trong tăng tốc xây dựng nông thôn mới là đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Tuy nhiên, việc này cần có những “bí quyết” mới thành công.
Mạnh dạn làm
Để ngành nông nghiệp thực sự là một trong những ngành chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, việc “làm mới” nông nghiệp đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó không thể chấp nhận kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún mà phải chuyển sang mô hình lớn, hoạt động tập thể; đồng thời phải đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất. Có như vậy ngành nông nghiệp mới thực sự là “tứ trụ” trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Vì vậy, dồn điền đổi thửa là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra.
Để thành công trong việc sản xuất lúa trên diện tích đã dồn điển đổi thửa, các địa phương như xã Bình Dương, Bình Thới (Bình Sơn), Tịnh Trà (Sơn Tịnh), Đức Phú (Mộ Đức)… đã phải sử dụng nhiều phép thử và chấp nhận trả giá nếu thất bại.
“Để có được như hôm nay là cả một quá trình bàn bạc, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các địa phương khác chứ không đơn thuần như việc làm đất gieo mạ, chăm bón rồi đến ngày gặt đâu. Có những lúc tưởng chừng sẽ thất bại bởi vùng đất Tịnh Trà không bằng phẳng như các xã đồng bằng khác, nên kết quả đạt được như hiện nay là điều rất đáng quý trọng”, ông Huỳnh Thuận - Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà cho biết.
Ông Thuận cho biết thêm, bí quyết thì có thể địa phương nào cũng có cái riêng của mình, nhưng cái chung là phải dám làm, mạnh dạn làm. Cứ làm trước rồi tính, khó chỗ nào gỡ chỗ đó chứ không thể thực hiện DĐĐT mà làm đâu đúng đó hết được.
Bên cạnh đó nhiều người dân sở hữu ruộng tốt, gần đường giao thông chưa thực sự tin tưởng vào sự công bằng sau DĐĐT. Song, bằng trách nhiệm và tin tưởng vào lời hứa của chính quyền địa phương, người dân đồng ý giao đất.
Đi đầu trong công tác DĐĐT trên địa bàn Quảng Ngãi phải kể đến xã Bình Dương. Đến nay địa phương đã hoàn thành công tác DĐĐT cho 234ha đất sản xuất lúa, 110ha đất hoa màu. Theo ông Võ Tấn Đại - Chủ nhiệm HTX NN Bình Dương, những ngày đầu khi bắt tay vào việc triển khai công tác DĐĐT, nội lực địa phương cũng hạn chế như các xã khác, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền xã và sự linh hoạt của HTX nên Bình Dương mới có được kết quả như hiện nay.
Phải tạo sự đồng thuận
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú Nguyễn Giáp Thìn cho biết, để thực hiện thành công DĐĐT, xã thuê máy làm đất làm đồng loạt, không để người dân tự làm nhằm tạo ra cánh đồng bằng phẳng sau cải tạo. Trong đó tập trung hoàn thiện các bước chỉnh trang đồng ruộng, hoàn chỉnh bờ vùng, bờ thửa, kênh mương nội đồng.
Nhìn ra cánh đồng lúa đang thì con gái, ông Thìn bảo, đến nay đã DĐĐT trên 40ha đất trồng lúa tại thôn Phước Thuận. Để hoàn thành DĐĐT số diện tích trên mọi công việc phải được triển khai từ năm 2013. Trong đó, tập trung nghiên cứu chính sách của Nhà nước cũng như tìm hiểu, học hỏi cách làm ở các địa phương khác để áp dụng cho phù hợp với địa phương mình. Nhưng hơn hết đó là kinh nghiệm có được khi đã thành công DĐĐT trên 100ha đất trồng mía.
Dù bước đầu đã có những thành công nhất định, nhưng ông Thìn cho rằng, để chính sách mới của Đảng và Nhà nước về công tác DĐĐT đất lúa đi vào lòng dân và tạo sự đồng thuận chung trong toàn xã không phải dễ. Cần phải kiên trì vận động, tuyên truyền để người dân từ chỗ hiểu được lợi ích của chính sách đến sẵn sàng tham gia giao ruộng, hiến đất, góp ngày công, cùng với xã thực hiện thành công DĐĐT.
Công tác DĐĐT còn một cái khó khác là nguồn kinh phí thực hiện từ chính sách chưa có, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên nhiều địa phương chưa dám làm. Theo ông Thìn, để làm được bản thân lãnh đạo xã luôn xác định đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, trước sau gì cũng phải làm, nên mạnh dạn giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Thuận kêu gọi các đơn vị thi công ký hợp đồng thực hiện trước, tiền trả sau.
Đồng thời xã vận động người dân đóng góp ngày công ra quân xóa bờ vùng, bờ thửa, hiến đất làm giao thông, kênh mương nội đồng... Bên cạnh đó là sự chủ động, mạnh dạn, linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước. Nhờ đó, công tác DĐĐT mới đạt được như hôm nay.
Related news
Tiếp sau hành tím của nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ùn ứ trên 50.000 tấn, phải nhờ đến sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể “giải cứu”, đến nay, các hộ trồng ổi trên địa bàn huyện Kế Sách cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi cả ngàn hécta ổi phải bỏ trắng vườn.
100 triệu đồng/ha/vụ là lợi nhuận từ dự án “Trồng mãng cầu ta theo hướng VietGAP” do Hội Nông dân xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) triển khai thực hiện hơn 2 năm qua. Theo đó, 14 hộ tham gia dự án đã được vay 300 triệu đồng từ quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương, đồng thời được Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tập huấn kỹ thuật trồng cây mãng cầu theo chuẩn VietGAP.
Nhiều nhà vườn ở ĐBSCL sử dụng một số sản phẩm bao trái “Made in Taiwan” (Đài Loan) làm cho trái cây chuyển từ màu xanh sang vàng, bóng sáng đẹp mắt nhưng chính người trồng cũng không dám ăn.
Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận (hiệp hội), qua theo dõi thị phần tiêu thụ thanh long hàng năm của Bình Thuận thì chủ yếu xuất khẩu chiếm đến 80 - 85%, tiêu thụ trong nước chỉ 15 - 20%. Trong đó, Trung Quốc chiếm tỷ lệ khoảng 80% tổng sản lượng nhập khẩu mặt hàng trên thông qua đường biên mậu (biên giới các cửa khẩu), chỉ 30% nhập từ đường biển.
Thời điểm này vải thiều mới bắt đầu vào vụ, và Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã cam kết với UBND huyện Thanh Hà thu mua ít nhất 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) để tiêu thụ tại thị trường nội địa.