Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đẩy Mạnh Phòng Chống Dịch Bệnh Cá Tra

Đẩy Mạnh Phòng Chống Dịch Bệnh Cá Tra
Publish date: Thursday. January 22nd, 2015

Ngày 20/1, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y và Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cá tra giai đoạn 2015 - 2020.

Phòng, chống để vượt rào cản XK

Theo Cục Thú y, những năm gần đây, dịch bệnh trên cá tra có chiều hướng gia tăng mạnh, gây ảnh hưởng nặng nề cho người sản xuất, ngân sách nhà nước cũng như XK cá tra.
Từ năm 2014 đến nay, dịch bệnh trên cá tra đã xuất hiện tại 67 xã thuộc 19 huyện của 4 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang, với tổng diện tích bị bệnh trên 730 ha (chiếm 12% tổng diện tích nuôi cá tra cả nước).
Phổ biến nhất là bệnh gan thận mủ, tỷ lệ cá chết khi nhiễm bệnh này có thể lên tới 90%. Bên cạnh đó là các bệnh khác như xuất huyết, nhiễm khuẩn…
Đáng lưu ý là dịch bệnh trên cá tra đang có nguy cơ trở thành rào cản khiến cho sản phẩm cá tra Việt Nam khó đi vào các thị trường.
Từ năm 2013 đến nay, một số nước đã cử các đoàn công tác sang Việt Nam để kiểm tra, kiểm soát chất lượng, ATTP, kiểm soát dịch bệnh và NTTS ở nước ta.
Sau khi kết thúc các đợt thanh kiểm tra, các đoàn công tác đã có báo cáo và yêu cầu Việt Nam cần có kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh trên cá tra.
Vì thế, theo bà Trần Bích Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, việc triển khai Kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh trên cá tra không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành hàng cá tra mà còn đáp ứng yêu cầu của các nước NK.
Giám sát ngay từ con giống
Mục tiêu chung của Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cá tra giai đoạn 2015 - 2020 là từng bước kiểm soát, khống chế không để các bệnh truyền nhiễm lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi cá tra và ngân sách nhà nước, cũng như đáp ứng yêu cầu của nước NK cá tra, sản phẩm cá tra Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể gồm: Hàng năm, 100% các tỉnh, TP trọng điểm nuôi cá tra có kế hoạch và bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh trên cá tra; hàng năm, 100% cơ sở sản xuất cá tra giống được kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh, vacxin;
Đối với các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm, năm 2015 ít nhất 80% và sau đó hàng năm 100% cơ sở nuôi cá tra được giám sát và kiểm soát việc sử dụng thuốc kháng sinh, vacxin; đối với ổ dịch bệnh gan thận mủ, đến năm 2015, giảm 50% so với năm 2014, đến năm 2016 giảm 70% và từ 2017 - 2020 giảm 90%;
Cơ sở sản xuất cá tra giống, nuôi cá tra thương phẩm có sổ tay quản lý dịch bệnh trên cá tra được cơ quan thú y xác nhận nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước NK.
Đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, TP nuôi cá tra đều đồng tình với mục tiêu nói trên, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về giải pháp thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Thạnh, PGĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ, cho biết, cá tra không có dịch bệnh giống như ở tôm, mà phải gọi là bệnh thì đúng hơn. Những bệnh nguy hiểm như gan thận mủ thì địa phương nào cũng có.
Bằng chứng là nông dân Cần Thơ khi tìm tới An Giang, Đồng Tháp để mua giống về nuôi, vẫn bị bệnh này. Ngược lại, nông dân An Giang, Đồng Tháp khi tới Cần Thơ mua cá tra giống về nuôi cũng bị gan thận mủ. Như vậy, cần phải kiểm soát bệnh ngay từ khâu sản xuất giống cá tra.
Đại diện Sở NN-PTNT Bến Tre cũng cho rằng cần giám sát dịch bệnh cá tra ngay từ khâu giống bởi các bệnh gan thận mủ, xuất huyết… phần nhiều có nguyên nhân từ con giống. Nhưng trên thực tế, khâu sản xuất giống cá tra lại đang thiếu sự kiểm soát về dịch bệnh.
Ông Như Văn Cẩn, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho hay, với Nghị định 36, chúng ta đã bắt đầu kiểm soát được các ao nuôi cá tra bằng biện pháp cấp mã số ao nuôi, nhưng những cơ sở sản xuất, ương giống lại chưa có sự kiểm soát.
Ngoài con giống, việc kiểm soát môi trường nước cũng rất quan trọng bởi môi trường là yếu tố quan trọng gây bệnh cá tra.
Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trân cá tra giai đoạn 2015 - 2020, cần bổ sung phần quan trắc, cảnh báo môi trường nước ở các vùng nuôi cá tra.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản nói chung, cá tra nói riêng lại đang có một thực tế rất đáng buồn là có quá ít kinh phí để thực hiện, nhất là khi so với động vật trên cạn. Chẳng hạn, trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật của Đồng Tháp, tổng kinh phí là 25,4 tỷ đồng, nhưng phần dành cho phòng chống dịch bệnh thủy sản chỉ là 1,83 tỷ đồng.
Kế hoạch phòng chống dịch bệnh cá tra ở An Giang chỉ có kinh phí 350 triệu đồng… Vì thế, theo ông Nguyễn Xuân Bình, GĐ Trung tâm Thú y vùng 6, các tỉnh, TP cần xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh với kinh phí cụ thể, đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch bệnh thủy sản.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Việc Cục Thú y và Hiệp hội Cá tra Việt Nam cùng hợp tác phòng chống dịch bệnh trên cá tra là một nét mới trong phòng chống dịch bệnh thủy sản ở nước ta. Hiệp hội cần tổ chức vận động các thành viên thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời giám sát, phản biện những quy định của nhà nước liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Hiệp hội cũng cần đi tiên phong trong việc xây dựng các mô hình phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Cục Thú y cần tập trung giám sát, lấy mẫu, quản lý thuốc… nhất là với những dịch bệnh có trong danh sách bệnh phải công bố dịch. Cục cũng cần ban hành sổ tay hướng dẫn, giám sát việc phòng chống dịch bệnh…


Related news

Thuận Châu (Sơn La) Tổng Kết Mô Hình Cà Phê Vùng Cao Thuận Châu (Sơn La) Tổng Kết Mô Hình Cà Phê Vùng Cao

Hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các hộ. Đến nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây có quả đạt 80,2%. Riêng ở xã É Tòng và Mường Bám, mỗi hộ đã thu từ 9 - 16 tấn quả tươi, trị giá từ 7,2 - 13 triệu đồng/hộ.

Friday. November 28th, 2014
Hai Điểm Nhấn Của Ngành Chăn Nuôi Thủ Đô Hai Điểm Nhấn Của Ngành Chăn Nuôi Thủ Đô

Là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm luôn ở tốp đầu cả nước, những năm qua, công tác phát triển chăn nuôi của Hà Nội luôn được quan tâm với nhiều chương trình, đề án được triển khai.

Friday. November 28th, 2014
Hiệu Quả Thiết Thực Hiệu Quả Thiết Thực

Trong những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) xã Cát Minh (huyện Phù Cát) đã không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp hội viên nông dân (HVND), đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi và đã đạt được kết quả tích cực.

Monday. June 30th, 2014
Sản Xuất Nước Mắm Theo Chuẩn An Toàn Thực Phẩm Sản Xuất Nước Mắm Theo Chuẩn An Toàn Thực Phẩm

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm vì chạy theo lợi nhuận đã đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng. Để khẳng định uy tín thương hiệu của mình, nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm đã tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ để cho ra những loại nước mắm ngon, đảm bảo chất lượng.

Monday. June 30th, 2014
Chi Phí Thức Ăn Tăng Cao Gây Khó Khăn Cho Hộ Chăn Nuôi Chi Phí Thức Ăn Tăng Cao Gây Khó Khăn Cho Hộ Chăn Nuôi

Chăn nuôi nông hộ là mắt xích quan trọng trong cấu trúc ngành chăn nuôi khi cung cấp 2/3 số lượng thực phẩm ra thị trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy, ngoài việc phụ thuộc nhập khẩu con giống, chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh… khó khăn lớn nhất hiện nay của chăn nuôi nông hộ là chi phí thức ăn tăng cao và thiếu vốn sản xuất.

Friday. November 28th, 2014