Cà Phê Khánh Sơn (Khánh Hòa) Cần Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tuy nhiên, hiện nay, người trồng cà phê tại Khánh Sơn đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng cây trồng.
Đến cuối năm 2014, tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện Khánh Sơn là 536ha, trong đó, 320ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, do thời tiết diễn biến bất thường, cà phê lâu năm trổ bông đúng thời điểm nhiều mưa nên năng suất không cao, thậm chí giảm so với mọi năm.
Nhưng những diện tích cà phê trồng bằng giống cao sản, được tưới tiêu, bón phân kịp thời vụ, năng suất tăng khá hơn nhiều so với niên vụ trước. Niên vụ 2014 - 2015, tổng sản lượng nhân khô toàn huyện ước gần 590 tấn, tăng khoảng 50 tấn so với niên vụ trước.
Hiện tại giá cà phê đang ở mức 38.000 - 41.000 đồng/kg nhân khô (tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với niên vụ trước) nên những hộ đạt năng suất thấp vẫn có lãi. Ông Cao Hoàng Giáo (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 2.000 cây cà phê, trong đó một nửa là giống cà phê cao sản cho năng suất cao hơn nhiều so với năm ngoái, tuy diện tích cà phê giống cũ năng suất thấp, nhưng tổng sản lượng vẫn tăng, lãi cao hơn mọi năm”.
Còn ông Nguyễn Văn Hải (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) có 8ha cà phê, phần lớn là giống cao sản. Tuy nhiên, do mưa kéo dài, lại không có lò sấy nên cà phê của ông đang có nguy cơ bị thối, mốc cả tấn quả.
“Đang vào thời điểm thu hoạch cà phê mà trời cứ mưa suốt nên nhu cầu sấy hạt tăng mạnh. Trong khi đó, số lượng lò sấy tại các xã, thị trấn chỉ có vài cái, không đáp ứng đủ nhu cầu. Nếu 3 - 4 ngày nữa mà không có nắng thì hàng tạ cà phê của gia đình tôi buộc phải bỏ.
Vì cà phê bị giảm chất lượng, giảm giá trị nên nhiều người muốn bán nhanh, dẫn đến giá bán bị ép xuống. Tôi rất mong chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây dựng thêm lò sấy cà phê để đảm bảo chất lượng nông sản”, ông Hải chia sẻ.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hầu hết cây cà phê Khánh Sơn đều do người dân tự ươm từ giống cũ nên năng suất thấp. Còn đầu tư cà phê giống cao sản rất đắt đỏ, chi phí khoảng 4 - 5 triệu đồng/ha, chưa kể mua thiết bị, dụng cụ, phân bón để tưới tiêu, chăm sóc cũng phải mất hàng chục triệu đồng nữa.
Ông Cao Hoàng Giáo nói: “Không phải gia đình nào cũng có khả năng chuyển đổi giống cà phê cũ sang giống cao sản và mua dụng cụ tưới tiêu, phân bón chăm sóc. Vì vậy, nếu Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn thì người dân rất mừng”.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Phòng đã khuyến nghị người dân từng bước chuyển đổi sang trồng giống cao sản, hạn chế sử dụng giống kém chất lượng. UBND huyện cũng đã triển khai thí điểm mô hình ghép chồi cà phê để nâng cao năng suất một số diện tích đã già cỗi.
Hiện nay, các ngành chuyên môn đang phổ biến các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê, đồng thời tăng cường hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây trồng đúng thời vụ. Trong năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ cũng sẽ triển khai đề tài “Thâm canh cây cà phê”, nhằm nâng cao sản lượng cũng như chất lượng cà phê Khánh Sơn, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Related news
Việc hướng nông dân làm theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là hết sức bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Theo tính toán của Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT, tới đây, sẽ có 4.000 tỷ đồng hỗ trợ người trồng lúa. Khoản chi này sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước hàng năm để giúp người trồng lúa theo nghị định số 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
Nhiều năm trước, cũng như nhiều người dân địa phương, gia đình ông Bùi Đức Công ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chỉ trồng những loại cây ăn trái giống cũ nên năng suất và thu nhập thấp. Kể từ khi ông áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng phù hợp bằng những loại giống cây trồng mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần.
Từ nhiều năm nay, bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An …và một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ đã phấn khởi nhờ trồng ớt chỉ thiên mang lại hiệu quả đáng kể. Mặc dù, hiện nay giá ớt trên thị trường đôi lúc biến động, nhưng đa số bà con đều thu nhập cao hơn so với trồng lúa.
Nuôi tôm nước lợ và trồng lúa cao sản được Trung tâm KN- KN Cà Mau xác định là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà. Vì vậy đã tập trung đầu tư phát triển mạnh hai lĩnh vực này và mang lại hiệu quả cao.