Đánh thức vựa nhãn Sơn La
Nhãn Sơn La đang được đánh thức mạnh mẽ
Ở Sơn La, chỉ huyện Sông Mã đã có diện tích nhãn ngang ngửa cả tỉnh Hưng Yên. Thế nhưng nhiều năm qua, tiềm năng này bị lãng quên, giống như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Và dự án ghép cải tạo, vùng nhãn Sơn La đã đánh thức mạnh mẽ...
Những mắt ghép hồi sinh
Ở phía Bắc, nói tới nhãn, người ta chỉ nghĩ tới nhãn lồng Hưng Yên. Không nhiều người biết miền núi phía Bắc mới là "thủ phủ nhãn".
Như Sơn La, hiện tổng diện tích nhãn lên tới hơn 7.500 ha. Chỉ riêng huyện Sông Mã, thống kê chưa đầy đủ tới năm 2014 đã có tổng diện tích nhãn xấp xỉ 5.000 ha.
Với tốc độ trồng mới như những năm gần đây, vùng nhãn Sông Mã hoàn toàn có thể cán mốc 6.000 ha, gấp đôi tổng diện tích nhãn của tỉnh Hưng Yên (chỉ khoảng 3.000 ha).
Người già ở Sông Mã kể, những cây nhãn đầu tiên có mặt ở đây vào năm 1964, khi người dân Hưng Yên lên lập vùng kinh tế mới mang theo hạt gieo trồng.
Tuy nhiên, diện tích nhãn bung ra mạnh nhất phải tới khoảng năm 1995 – 1996, khi những cây nhãn cổ thụ được trồng đại trà từ năm 1987 – 1988 cho quả rộ.
Thời kỳ này, giá một cân long nhãn đã lên tới gần 200 nghìn đồng, mỗi cân quả nhãn tươi bán cho các chủ lò sấy long nhãn đã có giá 5.000 – 6.000 đồng, ngang với một yến gạo.
Dự án trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc (dự án 327) lúc ấy còn phát không giống nhãn cho dân, đưa cây nhãn leo lên các đồi trọc trơ sỏi đá khắp huyện Sông Mã.
Thế nhưng giá long nhãn những năm sau này cứ tụt dần. Những vườn nhãn được trồng bằng gieo hạt (thực sinh) tới hàng chục năm mới có quả nhưng chẳng ai ngó ngàng, bỏ lay lắt giữa rừng tạp.
Trước năm 2010, tôi có lần công tác lên Sông Mã, chứng kiến những vườn nhãn cổ thụ cây trên 20 năm tuổi gốc lớn bằng thân người dọc theo Quốc lộ 4G cỏ lau ngập đầu, một số bị chặt bỏ chuyển sang trồng ngô. Những tưởng số phận cây nhãn ở đây có lẽ sắp xóa sổ, thế nhưng trở lại Sông Mã hôm nay, mọi sự đã khác…
Đường về Sông Mã bây giờ không còn cảnh “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, với những chiếc xe “đầu xe ben, đít xe khách”, sểnh một cái là lăn xuống vực.
Quốc lộ 4G từ ngã ba Chiềng Sinh (TP Sơn La) về Sông Mã dài hơn 100km trải nhựa phẳng lì, xe khách điều hòa mát rượi bon bon hơn 2 tiếng đồng hồ đã về trung tâm huyện.
Cùng nằm trên trục QL 4G, nhưng sự khác biệt về cây trồng chủ lực giữa hai huyện Mai Sơn và Sông Mã rất rõ rệt. Từ TP Sơn La theo QL 4G hơn 40km về tới xã Nà Ớt (huyện Mai Sơn) giáp với Sông Mã là cây cà phê chè bạt ngàn.
Thế nhưng qua khỏi con dốc xã Nà Ớt, xuôi sang Mường Sai, men theo bờ dòng sông Mã xuống các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, về Mường Hung, Chiềng Khoong… (huyện Sông Mã), chỉ còn cây nhãn phủ kín những triền đồi.
Ở bờ hữu bên kia sông Mã, cây nhãn đang lấn dần lên lưng chừng đồi thay thế đất trồng ngô trước đây. Mùa nhãn vừa qua, không còn cảnh khắp nơi lên lò sấy long mỗi vụ nhãn tới như trước đây.
Bởi nhiều vùng nhãn đã được ghép cải tạo bằng các giống nhãn của Hưng Yên có quả to, cùi dày, mã đẹp, thương lái từ Hưng Yên, Hà Nội… đánh cả xe container dài ngoẵng tới tận các bản tranh mua.
Từ thị trấn Sông Mã theo con đường nhựa mới hoàn thành năm 2014 băng băng về vùng nhãn xã Nà Nghịu, tôi tìm tới hộ gia đình anh Lường Văn Thoan ở bản Mé.
Anh Thoan là hộ gia đình đầu tiên ở Nà Nghịu bạo gan dám chặt vườn nhãn cổ thụ để ghép cải tạo trong một dự án cải tạo vườn nhãn huyện Sông Mã do Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) hỗ trợ thực hiện từ năm 2010.
Còn nhớ đầu năm 2011, tôi từng có lần tới thăm gia đình anh khi vừa hoàn thành xong việc chặt bỏ vườn nhãn đang để chuẩn bị ghép cải tạo. Chứng kiến cảnh hơn 200 gốc nhãn cổ thụ trồng từ năm 1988 đang kỳ ra hoa bị hạ bệ hết cành, chỉ còn trơ gốc, vợ anh Thoan khóc ròng cả tuần.
Thậm chí chị còn bắt chồng phải chia vườn nhãn hơn 1 ha làm đôi, phần của chị phải giữ lại, còn của anh Thoan muốn ghép gì thì ghép. Vận động mãi không xong, cán bộ của Viện Nghiên cứu Rau quả đành phải giữ lại gần 30 gốc nhãn cho vợ anh Thoan.
Người dân trong xã cười thầm bảo anh Thoan điên, tài sản nuôi 5 miệng ăn cả gia đình chỉ có 1 ha nhãn. Thế nhưng đến vụ nhãn 2013, người dân Nà Nghịu mới ngỡ ngàng...
Vườn nhãn ghép của anh Thoan sau một năm ghép thành công đã cho năng suất hơn 17 tấn quả, thương lái tranh nhau mua bởi quả đều tăm tắp, to gấp đôi so với trước, lại ngọt mã sáng đẹp. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, anh Thoan ẵm hơn 250 triệu đồng.
Gặp lại tôi, anh Thoan mừng ra mặt khoe: Vụ nhãn 2015 vừa kết thúc, dù năm nay lúc nhãn ra hoa, thời tiết quá nóng nên không được mùa, tuy nhiên vườn anh vẫn cho thu hơn 15 tấn nhãn hàng, thương lái đánh xe container tới tận chân vườn mua giá trung bình từ 18.000 – 20.000 đ/kg, tổng thu hơn 280 triệu đồng.
Anh so sánh: Mỗi ha nhãn cổ thụ hiện nay nếu không ghép cải tạo, năm được mùa cũng có thể cho năng suất 20 tấn quả, tuy nhiên do quả quá bé, hạt lại to nên chỉ có thể bán cho các chủ lò sấy long nhãn với giá cao nhất 10.000 đ/kg, tổng thu chỉ bằng một nửa so với ghép cải tạo.
Vì vậy từ mô hình của anh, ngay sau vụ đầu cho hiệu quả, từ năm 2013 đến nay, hàng loạt hộ dân khác ở xã Nà Nghịu không ai bảo ai cũng đã tự chủ động ghép cải tạo.
Tiến lên hàng hóa
Từ một vài mô hình ban đầu, chỉ sau 5 năm, phong trào ghép cải tạo vườn nhãn của Sông Mã nói riêng cũng như toàn tỉnh Sơn La nói chung đang tạo ra sức lan tỏa không ngờ.
Thống kê sơ bộ đến năm 2014, toàn tỉnh Sơn La đã có hơn 1.500ha nhãn được ghép cải tạo bằng các giống nhãn hàng hóa. Ở vùng nhãn huyện Sông Mã đến năm 2014 đã có hơn 500 ha được ghép cải tạo, riêng năm 2015 đã ghi nhận sự đột phá của phong trào này.
Nhiều vườn nhãn ghép cải tạo ở Sơn La cho thu hoạch hàng tỉ đồng/năm
Đến nay, tại các xã có diện tích nhãn lớn ven Sông Mã như Chiềng Khương, Chiềng Cang, về Mường Hung, Chiềng Khoong… gần như 80% diện tích nhãn đã được ghép cải tạo, tổng diện tích nhãn ghép có thể lên tới hàng nghìn ha vào cuối năm 2015.
Phong trào này cũng đang lan rộng ra các xã thượng nguồn Sông Mã khác như Yên Hưng, Chiềng En, Mường Lầm, Bó Sinh…
Để có được phong trào như hôm nay, không thể không kể tới liều thuốc xúc tác ban đầu từ bàn tay của cơ quan nhà nước. Theo đó, dự án khuyến nông ghép cải tạo vườn nhãn ở huyện Sông Mã triển khai năm 2009 do Trung tâm Khuyến nông Sơn La thực hiện đã hỗ trợ các mô hình 2 nghìn đồng/mắt ghép, ngân sách huyện hỗ trợ 1 nghìn đồng/mắt ghép.
Bên cạnh đó, một số mô hình ghép cải tạo do Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện trong những năm 2009 – 2011 đã tạo nên sức bật mạnh mẽ giúp thay da đổi thịt cho vùng nhãn Sơn La.
Bà Cầm Thị Phong, PGĐ Sở NN-PTNT Sơn La cho biết, không chỉ có Sông Mã, hàng loạt các huyện khác như Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu… đang hình thành vùng nhãn ghép cải tạo hàng trăm ha/vùng, các diện tích nhãn trồng mới cũng đang tăng mạnh.
Sở NN-PTNT Sơn La đang xúc tiến công nhận vườn nhãn giống gốc cho một HTX tại huyện Mai Sơn để phục vụ nhu cầu mắt ghép cho người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng đã có quy hoạch vùng nhãn ghép cải tạo mang tính SX hàng hóa với quy mô 2.600 ha, tập trung tại các huyện Sông Mã và Mai Sơn. Sở NN-PTNT Sơn La cũng đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng vùng SX nhãn an toàn, rải vụ và bảo quản sau thu hoạch…
"Những năm đầu, do chưa nắm được kỹ thuật ghép nên mỗi ha dân phải đi thuê thợ ghép từ huyện Mai Sơn vào hoặc từ Hưng Yên lên, chi phí mỗi mắt ghép tới 5.000 – 7.000đ, mỗi ha tốn 50 triệu đồng.
Hiện đa số hộ ở xã Nà Nghịu đã tự nắm được kỹ thuật ghép nhãn nên chi phí rất ít, tính ra mỗi mắt ghép chỉ khoảng 2.000 đồng, bằng 1/3 so với trước đây. Năm nay, một số hộ dân trong xã cũng đang bắt đầu bón phân cho nhãn, đây là điều trước đây chưa ai từng làm” – anh Thoan cho biết.
“Mặc dù diện tích nhãn ghép cải tạo đang tăng rất mạnh, tuy nhiên nông dân mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu là cải tạo vườn tạp, chưa thâm canh, vì vậy tiềm năng còn vô cùng lớn.
Về lâu dài, sẽ phải tiến tới xây dựng các vùng SX nhãn hàng hóa thâm canh, tiến tới VietGAP, thậm chí có thể phục vụ XK nếu có thêm sự vào cuộc của Trung ương” –bà Cầm Thị Phong cho biết.
Related news
Với chiêu bài mới, các thương lái Trung Quốc núp bóng các tiểu thương Việt để tìm mua con banh lông (một loại thuỷ sản dùng làm mồi câu cá rún) với giá cao ở các cửa biển Cà Mau, Kiên Giang. Nhiều vựa thu mua vì món lợi trước mắt mà “sập bẫy” chiêu bài này.
Những năm qua, công tác nuôi trồng thủy sản (NTTS) được huyện Hải Hậu (Nam Định) tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng bền vững.
Những lồng bè nuôi cá mú san sát trước đây ở bãi biển Lạch Dù, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), nay đang thưa thớt dần, bởi hầu hết người nuôi thua lỗ nặng do giá cá rớt dần từ trước tết đến nay. Bây giờ dưới màu nước trong xanh tận đáy ven bờ, bà con ngư dân nuôi tạm một vài loài hải sản khác, chờ giá cá mú hồi sinh trở lại…
Trước đây, phần lớn nghề nuôi thủy sản ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phát triển theo hình thức nuôi tự phát. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng của Đảng và Nhà nước phong trào nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh.
Ông Phan Văn Bé (Ba Bé, 66 tuổi, ngụ ấp Lộc Hưng, xã Hòa Phú- Long Hồ- Vĩnh Long) kể, trưa 22/4, con ông phát hiện một con cá lạ nổi đầu ngớp nước ở dưới con rạch Mười Trầu trước nhà nên đã vào nhà báo cho gia đình biết.