Hết Khổ Vì Dưa Lại Khổ Vì Ớt

Sau dưa hấu, giờ đến lượt ớt rớt giá thê thảm vì bị thị trường Trung Quốc từ chối. Nhiều hộ nông dân đang xót xa, tiếc nuối ruộng ớt sai quả nhà mình.
Ớt đắng
Có mặt trên những ruộng ớt bạt ngàn ở các vùng chuyên canh rau màu, đi đâu chúng tôi cũng ghi nhận không khí ảm đạm, nỗi buồn của nông dân vì ớt rớt giá thê thảm. Bao nhiêu năm bám nghề trồng ớt, chưa bao giờ người trồng ớt phải chịu cảnh đắng cay như vậy.
Lọt thỏm giữa ruộng ớt đỏ tươi, bà Nguyễn Thị Mai, ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) đang cặm cụi hái ớt. Bà Mai cho biết, năm ngoái giá ớt hơn 20.000 đồng/kg, với 4 sào ớt gia đình bà thu lãi hơn hai chục triệu đồng, còn năm nay mới thu hoạch được chưa đầy 200 kg mà đã thấy lỗ nặng. “Trúng mùa mà giá này thì bỏ khô ngoài ruộng còn hơn là thu hoạch”- bà Mai than thở.
“Hàng ngày ra đồng nhìn ruộng ớt chín đỏ rực mà chúng tôi không khỏi chán nản. Năm nay thì trắng tay rồi em ơi. Lúc mình ít trồng thì nó mua đắt như tôm tươi, giờ mình trồng nhiều thì nó chẳng thèm"- chị Dung, hàng xóm bà Mai buồn bã.
Chị Dung cho hay, mọi năm, với 6 sào ruộng chị trồng mỗi thứ mỗi ít, nhưng năm ngoái thấy ớt trúng mùa lại trúng giá nên năm nay chị mạnh dạn trồng tất thẩy 6 sào ớt với hy vọng bội thu. Ai ngờ đến thời điểm thu hoạch, bán hết ruộng ớt không đủ trả tiền thuốc sâu, phân bón, thuê nhân công thu hoạch.
Thời điểm tháng 2, giá mỗi kg ớt là 22.000 đồng, nhưng nông dân không có ớt để bán vì đầu mùa ớt chín lưa thưa. Chỉ 1 tháng sau, ớt bắt đầu rớt giá mạnh còn 13.000-14.000 đồng/kg. Và lúc này, khi mà ớt đang thu hoạch rộ, sản lượng cao nhất cũng là lúc rớt giá thê thảm chỉ còn 9.500 đồng/kg.
Hiện tại giá nhân công thu hoạch ớt là 120.000 đồng/người/ngày, tính cả tiền ăn xế, nửa buổi là 140.000 đồng/người/ngày. Theo tính toán của bà con nông dân thì một ngày, một người chỉ hái được hơn 20 kg, với giá bán hiện tại là 9.500 đồng/kg, đồng nghĩa với người chủ phải mất 14 kg để thuê nhân công, 6 kg còn lại họ không đủ để khấu trừ vào tiền thuốc sâu, phân bón, điện, nước, giống, đó là chưa kể đến công chăm sóc cả 4 tháng trời ròng rã…
Năm ngoái giá rớt cao ngất ngưỡng, có lúc lên đến 28.000 đồng/kg, cuối vụ thấp nhất (ớt cuối vụ còi cọc) cũng được 11.000 đồng/kg nên bà con nông dân hái đến trái cuối cùng, còn năm nay mới hái nửa vụ, nhiều người đã chặt cây bỏ.
Hì hục kéo bạt ớt khi trời trở giông, anh Phan Văn Ba, một thương lái ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) phân trần: “Mình không mua cho dân thì tội mà mua thì phải chịu khó đổ ra phơi rồi dự trữ chờ thời. Chẳng khác nào đánh bạc với trời! Nếu thị trường Trung Quốc không tiêu thụ trong thời gian dài, mình đành chấp nhận “ôm sô”.
Ớt tươi không tiêu thụ được, thương lái mang ra phơi. Mỗi ngày trôi qua với họ là một nỗi lo. Bởi 1 tạ sau 1 đêm chỉ còn 99 kg. Thông thường, ớt phơi 6 ngày khô, tương đương với 4 kg tươi còn 1 kg khô. Nhưng, nếu nắng yếu phơi đến nắng thứ 7, thì 4,3 kg tươi mới được 1 kg khô, đến nắng thứ 8, hao hụt 4,5 kg khô tương đương 1 kg khô.
Bài học đắt giá
Một trong những nguyên nhân khiến ớt rớt giá vì người dân thấy ớt trúng giá nên đua nhau trồng ớt, khiến sản lượng thu hoạch cùng lúc quá lớn. Là thương lái lâu năm thu mua nông sản bán sang thị trường Trung Quốc, anh Ba bảo rằng: “Dân mình bây giờ chạy theo lợi nhuận trước mắt, nghe cây gì có giá là ồ ạt trồng mà chẳng cần biết có bán được hay không? Cứ trồng rồi tính sau”.
Mọi năm, chỉ những vùng chuyên canh rau màu mới trồng ớt thì giờ anh mua ớt ở khắp nơi, từ vùng núi đến miền xuôi đều trồng, diện tích, sản lượng đã tăng lên gấp đôi. Đây là bài học đắt giá cho bà con nông dân.
Cũng như dưa hấu, ớt là cây trồng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc với khoảng 80% sản lượng và chủ yếu xuất tiểu ngạch nên giá cả luôn bấp bênh. Là cây trồng khuyến cáo không nên trồng ồ ạt, nhưng người dân vẫn làm. Việc trồng ớt tự phát với diện tích lớn, không theo quy hoạch do tâm lý thấy giá cao thì ồ ạt xuống giống, dẫn đến thua lỗ cho nông dân là đều khó tránh khỏi.
Ông Đào Minh Hường- Phó giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo, bà con nông dân cần có cái nhìn đúng đắn hơn, nên chuyển sang các loại cây trồng mà đầu ra ổn định như ngô lai, đậu xanh, mì, đậu phụng... Đây là những loại cây trồng chủ động được đầu ra và giá cả tương đối ổn định, để tránh thua lỗ.
Related news

Chỉ tính riêng tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có đàn dê đến trên 20.000 con, tập trung ở các xã ven biển. Các huyện Gò Công Tây, Châu Thành, Chợ Gạo, Tân Phú Đông cũng có đàn dê hàng nghìn con. Đa số nông dân chọn nuôi giống Dê cỏ, dê Hà Lan và dê Bo. Ở thời điểm này giá dê thịt từ 90.000 -100.000 đ/kg; tăng 10% so với năm ngoái.

"Người ta thì đi mua hoa, sắm tết, còn mình thì đi cắt cỏ, nhiều lúc chất chở trên xe toàn là cỏ đi trên đường trong những ngày giáp tết cũng ngại lắm. Nhưng mình nuôi bò là phải chịu cực vậy thôi. Chứ mấy ngày Tết, còn đi chúc tết, thăm người thân, thời gian đâu mà đi cắt cỏ về cho bò"- ông Ba cho hay.

Được biết, trước kia do giống dê thường có kích thước, trọng lượng nhỏ, nên mỗi lứa dê nái chỉ đẻ một con, chủ nuôi nào “mát tay” lắm thì mỗi lứa dê cái đẻ 2 con. Nhưng hiện nay do giống dê có kích thước và trọng lượng lớn hơn gấp nhiều lần, nên số con đẻ trong một lứa cũng tăng lên, thường là 3con/lứa, có trường hợp 4 con/lứa.

Qua nhiều năm làm từ thiện tôi thấy cho người nghèo bao nhiêu gạo thì hết bấy nhiêu và không mang lại hiệu quả cao. Đi nhiều nơi và cuối cùng tôi nghĩ ra ý tưởng là: Muốn người nghèo thoát nghèo thì phải cho cần câu chứ không thể cho hoài con cá. Thực tế qua 10 năm công tác tại địa phương tôi nhận thấy bà con muốn có nghề để thoát nghèo nhưng lại thiếu tư liệu SX và vốn đầu tư.

Không biết từ bao giờ, vùng quê Sơn Tiến lại được mệnh danh “thủ phủ” của nghề chăn nuôi dê núi nổi tiếng nhất ở huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nghề nuôi dê ở đây không chỉ trở thành thương hiệu, thành một phong trào toàn xã, mà còn giúp nhiều hộ dân từ chỗ thiếu ăn nhanh vươn lên làm giàu.