Dân Thu Hàng Trăm Triệu Đồng Từ Cánh Đồng Tôm
“Cánh đồng tôm” là tên mà người dân Cà Mau thường gọi cho mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Tuy là mô hình mới nhưng năng suất khá cao, có rất nhiều nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ngay sau kỳ nghỉ lễ 30.4, PV đã ngược về Cà Mau, hết sức phấn khởi chứng kiến nhiều hộ khá giàu từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, người dân thường gọi “cánh đồng tôm” bởi tôm được nuôi trên những đồng đất rộng.
Cán bộ đi đầu
Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng tôm của mình, anh Đặng Văn Nhi (cán bộ khuyến ngư xã Đông Hưng, huyện Cái Nước) cho biết, là cán bộ phụ trách khuyến ngư, trước kia anh được đi tham quan mô hình cánh đồng tôm – lúa ở huyện Thới Bình (Cà Mau). Qua tham quan, anh thấy bà con nông dân ở đây rất thành công với mô hình tôm - lúa nên muốn áp dụng.
Tuy nhiên, do điều kiện khác nhau, Thới Bình là vùng nước ngọt và lợ, còn ở quê anh (ấp Trọng Ban, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước) lại là vùng mặn hóa quanh năm nên khó thực hiện lúa - tôm. Nhiều ngày đêm trăn trở, anh nghĩ, họ trồng lúa kết hợp nuôi tôm, còn mình sẽ nuôi tôm quảng canh cải tiến.
Với cách làm đó, chỉ sau khoảng 5 tháng thả nuôi, cánh đồng tôm của anh đã mang lại lợi nhuận gần 60 triệu đồng. "Ban đầu cũng lo lắm, chỉ dám làm một phần đất, phần còn lại vẫn nuôi tôm theo cách truyền thống vì sợ bị rủi ro, nhưng qua vụ đầu thấy kết quả khả quan nên tôi đã dùng hết diện tích đất nuôi tôm quảng canh cải tiến”, anh Nhi phấn khởi.
Thấy mô hình “cánh đồng tôm” mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nhiều hộ dân ở ấp Trọng Ban và một số ấp lân cận viết đơn tham gia mô hình này và anh Nhi là người trực tiếp hướng dẫn về kỹ thuật thả nuôi cũng như cải tạo đất…
Anh Nguyễn Ngọc Lầu, một trong những người thành công với mô hình cho biết, bằng cách cầm tay chỉ việc của cán bộ khuyến ngư xã mà ngày càng có nhiều hộ tham gia mô hình. “Riêng gia đình tôi đã có hơn 1 ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến. Nếu so với nuôi tôm truyền thống thì hằng năm nuôi tôm quảng canh cải tiến cho lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần, từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm”, theo anh Lầu.
Thành công
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng huyện Cái Nước mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đã và đang áp dụng, phát triển mô hình, với tên gọi khác nhau: Câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao…
Điều mà người dân đang cần là các ngành chức năng đẩy mạnh việc thành lập câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất…, tạo điều kiện để người dân trao đổi kinh nghiệm nâng cao kiến thức trong nuôi tôm.
Cuối năm 2013, ông Quách Thành Đông ở ấp 8, xã Trí Lực, huyện Thới Bình được địa phương đầu tư hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi theo dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất của tỉnh. Sau gần 3 tháng thả nuôi đúng quy trình kỹ thuật trên diện tích đất gần 3 ha, gia đình ông thu hoạch được hơn 1,3 tấn tôm, kích cỡ từ 32-40 con/kg, lợi nhuận gần 200 triệu đồng.
Dự án còn được triển khai hiệu quả ở một số địa bàn khác của huyện Thới Bình với diện tích khoảng 2.500ha. Trong đó, xã Trí Lực khoảng 30 ha với 30 hộ dân tham gia; được đầu tư 100% con giống, 30% thức ăn và các chế phẩm sinh học, tổng kinh phí hỗ trợ gần 500 triệu đồng.
Hiện tại, dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều hộ đạt lợi nhuận từ 40-80 triệu đồng/ha, có hộ đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm.
Thành công từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến khẳng định rằng khi người nông dân biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật sẽ giảm được rất nhiều rủi ro trong sản xuất cũng như bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Related news
Vụ 1 năm nay, toàn huyện Núi Thành thả nuôi tôm trên diện tích 600ha (bằng 60% kế hoạch). Mặc dù các hộ thả nuôi tôm đúng lịch thời vụ nhưng do nguồn nước, con giống chưa đảm bảo nên đã có 29ha bị dịch bệnh.
So với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre có tổng đàn heo trên 500 ngàn con, với phẩm cấp giống khá tốt. Tuy nhiên, đa số sản xuất dưới hình thức nông hộ, quy mô còn nhỏ lẻ và mức độ đầu tư về cơ sở vật chất chưa cao, chưa có qui hoạch khu chăn nuôi riêng. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng luôn là vấn đề bức thiết. Trong đó, giải pháp an toàn sinh học luôn được chú trọng.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua thời tiết tại Đồng Nai thường xuyên có mưa lớn, độ ẩm cao nên sâu bệnh nấm hồng trên cây điều phát triển khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có trên 1 ngàn hécta điều bị bệnh nấm hồng, tăng gần 500 hécta so với dịp cuối tháng 4-2012. Cây điều đang vào giai đoạn thu hoạch và chăm sóc sau thu hoạch.
Ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL cho biết, hiện nông dân trong khu vực đang vào vụ sản xuất lúa nên nhu cầu sử dụng phân bón là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều đang mang lại rất nhiều nỗi lo cho nông dân trong vùng.
Liên kết khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) là mô hình mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn KNVCS đều phàn nàn bởi khối lượng công việc quá lớn, song mức phụ cấp thấp; chỉ đủ tiền xăng xe hàng tháng nên họ không mặn mà.