Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dân Khốn Đốn Vì Lợn Bệnh

Dân Khốn Đốn Vì Lợn Bệnh
Publish date: Monday. October 7th, 2013

Khoảng gần 2 tháng trở lại đây, người chăn nuôi xã Xuân Tình, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) phải chống chọi với một loại bệnh xuất hiện ở lợn mà người dân nơi đây gọi là bệnh nghệ đã làm lợn chết hàng loạt. Theo người dân, biểu hiện ban đầu của bệnh là lợn bỏ ăn, ho, tiêu chảy, vàng da và cuối cùng dẫn đến chết. Tốc độ lây lan của bệnh nhanh đến mức chóng mặt đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

Người dân “ngồi trên đống lửa”

Không quá khi nói rằng, những gia đình chăn nuôi lợn ở Xuân Tình đang ngồi trên đống lửa. Chúng tôi có mặt ở thôn Nà Tu vào chiều ngày 2/10/2013, khi mà câu chuyện về bệnh nghệ trên đàn lợn đang là nỗi lo của biết bao hộ dân nơi đây.

Khi được hỏi về tình trạng bệnh trên đàn lợn ở thôn, ông Hoàng Văn Pít, Bí thư Chi bộ thôn Nà Tu buồn rầu chia sẻ: gom góp được ít vốn, gia đình ông đầu tư vào chăn nuôi 7 con lợn thịt, vừa lúc mỗi con được khoảng hơn 30kg thì bắt đầu mắc bệnh vàng nghệ, thế rồi nhanh chóng, từng con một chết, cứ con nọ cách con kia mấy ngày.

Hiện trong chuồng nhà vẫn còn 4 con đang mang triệu chứng bệnh giống những con trước đã chết, nếu cứ tốc độ này thì một tuần nữa 4 con còn lại cũng không sống sót nổi. Với gia đình ông đàn lợn còn ít, có những hộ khác trong thôn nuôi tới cả mấy chục con đều đã chết hết. Nói rồi, ông Pít đưa chúng tôi đến nhà anh Vy Xuân Tịnh vì nhà anh này vừa hôm trước mới chết một con và 9 con còn lại đang trong tình trạng mắc bệnh khá nặng.

Đi hết hộ gia đình này đến hộ gia đình khác chúng tôi được trực tiếp quan sát những biểu hiện của bệnh cũng như những thiệt hại kinh tế do lợn chết gây ra cho hộ trong thôn. Hộ ít thì 1 con chết và 3, 4 con đang mắc bệnh, hộ nhiều có đến 22 con chết.

Theo ông Pít thì 100% số hộ trong thôn đều có lợn mắc bệnh này, trong đó số lợn đã chết lên tới hơn 100 con, còn những con lợn có dấu hiệu của bệnh đang trong tình trạng nguy cấp thì đã lên đến cả vài trăm con. Ước tính đến thời điểm này, tức là gần 2 tháng sau khi phát hiện bệnh vàng nghệ, các hộ nuôi lợn trong thôn Nà Tu đã thiệt hại trên 100 triệu đồng, nếu số lợn còn lại đang mắc bệnh bị chết thì thiệt hại còn lớn hơn gấp nhiều lần. Số lượng lợn đã chết và hiện đang mắc bệnh ở thôn Nà Tu khá lớn nhưng nơi đầu tiên phát hiện bệnh là thôn Nà Mạ.

Ông Lý Văn Thành, người dân trong thôn cho biết: khi mới phát hiện bệnh, người dân trong thôn vẫn chủ quan vì trước đây vài năm cũng có một vài con lợn bị mắc bệnh nghệ và chết, tuy nhiên số lượng rất ít. Lần này, kể từ khi phát hiện con lợn đầu tiên bị mắc bệnh đến khi lan ra diện rộng như hiện nay chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn khiến người dân không kịp trở tay.

Gia đình ông cũng có 13 con (mỗi con trên 50kg) đã bị chết. Ngay sau khi đàn lợn thịt chết do bệnh nghệ, gia đình ông đã khử trùng chuồng trại và nuôi đàn mới, tuy nhiên hiện nay, đàn lợn tiếp theo đó cũng đã xuất hiện lại các triệu chứng bệnh nghệ giống đàn cũ khiến cho gia đình vô cùng lo lắng.

Khó khăn trong ngăn chặn

Mặc dù đã xuất hiện được gần 2 tháng nhưng việc ngăn chặn bệnh lây lan, tái phát thì cả chính quyền và người dân Xuân Tình vẫn đang “bó tay”. Bà Hoàng Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: cho đến nay, cả 6/6 thôn ở xã và trên 50% số hộ chăn nuôi lợn đã có lợn mắc bệnh và chết. Nhận thấy diễn biến bất thường và hậu quả nghiêm trọng của bệnh nên ngay khi phát hiện những đàn lợn bị chết, chính quyền xã đã kiểm tra, rà soát và báo cáo lên cấp trên về tình hình của bệnh. Ngay sau đó, công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại được đẩy mạnh ở tất cả các thôn, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chữa bệnh.

Tuy nhiên, việc khống chế bệnh nghệ ở lợn của xã Xuân Tình vẫn đang gặp khó khăn, số lượng lợn mắc bệnh vẫn tăng qua từng ngày, thậm chí là tăng qua từng giờ. Theo bà Hương, khó khăn trong việc ngăn chặn bệnh hiện nay là do chưa tìm được thuốc trị bệnh hiệu quả. Người dân vẫn tự mua thuốc kháng sinh về tiêm cho lợn. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người chăn nuôi kém.

Những trường hợp lợn mắc bệnh nghệ chết hoặc không có khả năng cứu chữa đáng lẽ cần được tiêu hủy đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y thì một số hộ lại ném luôn ra sông, suối. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường mà còn tạo mầm bệnh và nguy cơ lây lan cho những hộ chăn nuôi khác. Chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn bệnh, người chăn nuôi ở Xuân Tình chỉ biết ngồi “chờ” cho bệnh mau qua.

Cần nhanh chóng dập bệnh

Trong 9 tháng đầu năm 2013, toàn xã Xuân Tình có 1.845 con lợn, trong đó số lợn chết và đang mắc bệnh nghệ chiếm đến gần 50% tổng đàn. Nếu diễn biến bệnh như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, Xuân Tình sẽ không còn lợn. Được biết khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi lợn ở Xuân Tình mới khởi sắc trở lại và đã góp phần quan trọng vào việc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo chung của địa phương.

Nếu như năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn trên 30% thì đến nay, con số này chỉ còn 18%. Con số đó đã phần nào thể hiện được vai trò, vị trí của chăn nuôi (chủ yếu là nuôi lợn). Việc ngăn chặn bệnh sớm, “cứu” người chăn nuôi ở Xuân Tình ra khỏi khó khăn như hiện nay là vô cùng cần thiết.

Thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa để tìm hiểu nguyên nhân chính xác cũng như đưa ra những giải pháp ngăn chặn kịp thời và có sự hỗ trợ đối với chăn nuôi để tái đàn một cách nhanh chóng, làm giảm thiệt hại của người dân xuống mức thấp nhất cũng như tránh lây lan bệnh sang các địa phương khác.

Rời khỏi Xuân Tình mà chúng tôi vẫn cứ canh cánh trong lòng câu chuyện của 2 vị cán bộ xã là bà Hương và ông Thành, đại ý là: khi phát hiện ra bệnh, bà Hương đã chủ động khử trùng và mua thuốc về tiêm cho đàn lợn gần 30 con hết 3,2 triệu đồng, nhưng rồi 22 con được tiêm vẫn chết. Giống như vậy, nhưng ở gia đình ông Thành, sau khi lợn chết hết do bệnh, ông quyết định tái đàn, rồi đến hiện tại, đàn lợn đã có dấu hiệu của bệnh nghệ, tất cả chỉ diễn ra trong chưa đầy 2 tháng.


Related news

Làm giàu nhờ trồng lúa trên vùng ngập lũ Làm giàu nhờ trồng lúa trên vùng ngập lũ

Ông Nguyễn Văn Đồ, cư ngụ ấp 7, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là nông dân vừa vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo nông thôn.

Tuesday. November 10th, 2015
Nông dân ĐBSCL thi kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến Nông dân ĐBSCL thi kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến

Ngày 6-11, Hội thi kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015 được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, thu hút sự tham gia của gần 160 nông dân trực tiếp sản xuất lúa theo quy trình tiên tiến thuộc 13 đội đến từ 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Tuesday. November 10th, 2015
Đắt như rau quả hữu cơ Đắt như rau quả hữu cơ

Dù giá bán khá cao nhưng nông sản hữu cơ (organic) ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn

Tuesday. November 10th, 2015
Đắk Lắk thành lập 6 tổ chỉ đạo phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu Đắk Lắk thành lập 6 tổ chỉ đạo phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu

Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các vùng trọng điểm cây tiêu, Sở NN-PTNT đã thành lập 6 tổ chỉ đạo phòng chống bệnh chết chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu.

Tuesday. November 10th, 2015
Để vườn cam thêm ngọt Để vườn cam thêm ngọt

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Bình Dương khuyến khích việc vận dụng mọi nguồn lực tại chỗ để đưa chương trình NTM về đích sớm.

Tuesday. November 10th, 2015