Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau quả Việt Nam và nguy cơ con hổ đói

Rau quả Việt Nam và nguy cơ con hổ đói
Publish date: Tuesday. May 12th, 2015

Nhiều chính sách còn ủng hộ SX nhỏ, hoặc “đặt nhầm chỗ” trong bối cảnh SX manh mún nên chưa thể thực hiện.

NNVN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đỗ Năng Vịnh (ảnh), Viện Di truyền nông nghiệp.

Vẫn chính sách "rải mành mành"

Thưa ông, chính sách dành cho ngành hàng rau quả hiện nay đã thực sự có chưa?

Rau quả đang ngày càng có tầm quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp thế giới. Năm 2012, kim ngạch thương mại ngành rau quả đã đạt khoảng 218 tỉ USD, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ngành nông nghiệp toàn thế giới.

Châu Âu chỉ SX rau quả trên diện tích 3% tổng diện tích nông nghiệp, nhưng mang lại thu nhập 18% tổng giá trị SX ngành này.

Ở VN, tăng trưởng XK rau quả rất nhanh, từ chỗ chưa có tên tuổi gì, khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch còn rất khó khăn, lại là mặt hàng XK đi sau rất lâu so với lúa gạo, cà phê, thủy sản… nhưng năm 2014 đã XK đạt gần 1,5 tỉ USD.

Thực tế này cho thấy chúng ta có sức mạnh, có lợi thế về ngành này, đáng buồn là chưa có đánh giá đúng về vai trò của nó.

Vì chưa đánh giá hết vai trò nên thực tế chưa có chính sách phù hợp và xứng tầm, thậm chí có chính sách không thực hiện được. Có thể nói, chúng ta đang dần lộ diện là “con hổ” trong ngành rau quả quốc tế, nhưng nếu không có chính sách xứng đáng, sẽ có nguy cơ trở thành “con hổ đói”!

Ông có thể nêu một vài ví dụ về những chính sách “trên giấy” dành cho ngành rau quả?

Chính sách cho rau quả không phải là không có. Năm 2008, Chính phủ đã có Quyết định 107/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ phát triển SX, chế biến, tiêu thụ rau quả và chè an toàn giai đoạn đến năm 2015 (Quyết định 107). Bộ NN-PTNT sau đó cũng đã có thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể cho quyết định này.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm nay, 100% diện tích SX rau quả ở VN phải được SX theo tiêu chuẩn VietGAP, 100% sản phẩm nông nghiệp phải có xác nhận an toàn sinh học...

Hàng loạt chính sách liên quan đến đầu tư, đất đai, SX, chế biến, bảo quản, tiêu thụ… đều đã có cả. Thế nhưng thực trạng ngành rau quả hiện nay đang thế nào so với mục tiêu của Quyết định 107 thì ai cũng rõ.

Vì sao mục tiêu của quyết định nói trên bị phá sản? Ở đây có 2 vấn đề mà theo tôi khiến chúng ta không thể thực hiện được.

Một là chúng ta đưa ra một chính sách cho rau quả trong điều kiện nền SX đang vô cùng manh mún. Chúng ta có mười mấy triệu hộ nông dân, mỗi hộ SX trên một diện tích rất nhỏ, SX rau lại càng nhỏ.

Vì thế không ai có thể kiểm soát, không ai có thể xác định nổi từng hộ dân có SX theo VietGAP thật hay không, không ai xác định được sản phẩm ấy có an toàn sinh học, không có kim loại nặng, độc tố, thuốc BVTV hay không…

Hà Nội là tiêu biểu, thành phố đã đầu tư rất nhiều mô hình rau sạch, nhà lưới, nhưng mỗi cái nhà lưới nằm ở mỗi nơi, thuộc mỗi hộ khác nhau.

“Chúng ta đang có lỗi với nông dân rất nhiều? Ví dụ trong các mặt hàng rau quả, dưa hấu là một trong những mặt hàng XK rất lớn, miền Trung SX cực kỳ nhiều, chứng tỏ ta rất có thế mạnh SX dưa hấu.
Thế nhưng đáng buồn là thế mạnh, sở trường này đã trở thành sở đoản, thành gánh nặng cho chính chúng ta chỉ bởi không cung cấp được thị trường thích hợp.
Đơn cử như mùa dưa hấu từ tháng 3 đến tháng 5, dưa hấu ở ta rất ngon, trong khi cùng thời điểm ấy Nga, Đông Âu tuyết phủ giá rét, tại sao không tìm hiểu xem có xuất dưa sang đó được không, họ cần dưa thế nào…” – GS.TS Đỗ Năng Vịnh.

Nếu cộng diện tích vào thì lớn thật, nhưng không ai kiểm soát nổi, cũng chẳng ai dám ký xác nhận rằng rau SX ra sạch hay không, theo quy trình hay không? Điều này cho thấy mục tiêu SX sạch, an toàn một cách chung chung không thể đạt được nếu đặt trong điều kiện SX manh mún.

Thứ hai, chúng ta đang có rất nhiều chính sách ủng hộ cho SX nhỏ, hiệu quả rất thấp. Nào hỗ trợ giống, phân, tiền, khuyến nông… đủ thứ cho cả hàng triệu hộ nông dân.

Hỗ trợ đối với dân nghèo đã đành, nhỏ cũng quý, nhưng một lúc ngân sách hỗ trợ cho hàng triệu hộ thì không tài nào đủ sức, nghe qua tưởng là tốt nhưng hóa ra lại rất lãng phí.

Nói ví dụ như hỗ trợ cây ăn quả, mỗi hộ hỗ trợ có mấy chục cây cam cây bưởi, vì ít quá nên dân chẳng mấy quan tâm, trồng lấy được, mấy năm thì còi cọc, bỏ đi.

Cam là cây khó tính, phải trồng ở vùng sạch bệnh thì nhất quyết vẫn cứ đưa vào hỗ trợ ở vùng đang có rất nhiều bệnh, trồng ít bữa là chết.

Cam cần nước tưới, sao không dành vốn để hỗ trợ làm thủy lợi cho các vùng trồng có lợi thế, trồng tập trung quy mô lớn có hay hơn không? Tôi nghĩ hỗ trợ cho SX rau cũng thế, nông dân phải SX bao nhiêu ha,

DN phải SX mấy trăm ha đó thì mới hỗ trợ. Việc hỗ trợ cũng phải xác định cần hỗ trợ gì, chẳng hạn làm hệ thống thủy lợi, xúc tiến thị trường, xác nhận giám sát chất lượng thôi, chứ đừng hỗ trợ kiểu mỗi nhà mỗi tí như hiện nay, kinh phí bỏ ra rất lớn nhưng hiệu quả đến đâu cần phải xem lại.

Phải đổi mới tận gốc phương thức sản xuất

Vậy theo ông, chính sách cho rau quả hiện nay cần giải quyết những vấn đề gì?

Trước khi tính tới việc ra đời chính sách tiếp theo cho ngành hàng rau quả để mặt hàng này có thể XK vươn xa hơn, trước hết phải đổi mới quyết liệt, tận gốc được vấn đề phương thức SX, ít nhất phải có HTX kiểu mới, tổ SX kiểu mới kết hợp với DN. Đồng thời phải khoanh vùng SX, nghĩa là xác định mặt hàng chủ lực ở các địa bàn trọng điểm. Chính sách đừng phân tán, dàn trải mà nên tập trung vào đó.

Chẳng hạn Lâm Đồng hiện có hơn 300 nghìn ha có độ cao trên 800 m, khí hậu mát mẻ quanh năm, hoàn toàn có thể là vùng SX rau quả hàng đầu ASEAN, thậm chí tầm thế giới. Nhưng ta không có chính sách gì cho vùng này cả, mà đến nay hầu như chỉ do dân tự phát và DN nhỏ tự mày mò. Xác định được vùng trọng điểm mới có chính sách đầu tư cho hạ tầng được.

Thứ hai, nghiên cứu thị trường đang là hạn chế hàng đầu không chỉ rau quả mà ngành hàng nào của nông nghiệp cũng đang vấp phải. Nông dân không thể làm thị trường, DN thì hầu hết đang nhỏ nên không thể gánh vác được. Vì vậy, vai trò của chính quyền, của các bộ, ngành rất quan trọng để phát triển kinh tế đối ngoại.

Chúng ta đã thành công khi khơi thông được nhiều hiệp định thương mại quốc tế, nhưng để biến cái đó thành tiền dứt khoát phải xác định được bạn hàng chiến lược, nước XK chủ lực của VN. Có thị trường là có tiền để SX, có tiền để tổ chức hệ thống.

Chúng ta xúc tiến thương mại với Mỹ, Nhật, Úc… nhưng không biết thị trường ấy ăn loại rau quả gì, ăn bao nhiêu, yêu cầu thế nào… là sai lầm nghiêm trọng.

Bản thân DN, nông dân đâu có thể đi đàm phán thị trường, chỉ khi chính quyền các địa phương, các bộ, ngành, Chính phủ đi làm việc với đối tác nước bạn, có các thỏa thuận XNK về nước tổ chức SX rất thuận lợi. DN rất khó để có 100 ha hay 1.000 ha đất để tổ chức SX, nhưng chính quyền, các bộ, ngành khi đã tìm được đối tác, bạn hàng tốt để XK thì họ tập hợp được ngay.

Xin cảm ơn giáo sư!


Related news

Sa Pa phát triển bền vững vùng trồng su su hàng hóa Sa Pa phát triển bền vững vùng trồng su su hàng hóa

Tiểu vùng khí hậu bán ôn đới là điều kiện lý tưởng cho người trồng rau ở Sa Pa phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc hữu, trong đó có su su. Su su Sa Pa là loại rau ngon có tiếng khắp cả nước.

Monday. October 12th, 2015
Tạo hướng vững chắc cho trái cây Việt Nam tham gia TPP Tạo hướng vững chắc cho trái cây Việt Nam tham gia TPP

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết về lợi thế cũng như những thách thức của cây ăn trái Việt Nam trong xu thế hội nhập, nhất là tham gia TPP.

Monday. October 12th, 2015
Trồng xen chanh dây trong vườn cao su cho thu nhập cao Trồng xen chanh dây trong vườn cao su cho thu nhập cao

Hiện nay, một số vườn cây cao su và điều chưa khép tán được nông dân tận dụng đất để trồng xen các loại cây trồng khác. Những hộ ít đất sản xuất thường mượn hoặc thuê đất để trồng xen cây lương thực như đậu, bắp, lúa...

Monday. October 12th, 2015
Trồng bưởi Diễn làm giàu Trồng bưởi Diễn làm giàu

Nhờ trồng bưởi Diễn, gia đình anh Nguyễn Quang Huy ở bản Tràng Bắn, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Monday. October 12th, 2015
60.000 lượt ND được tập huấn kỹ thuật sản xuất 60.000 lượt ND được tập huấn kỹ thuật sản xuất

Xuất phát là huyện miền núi nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên khi triển khai xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Châu đã dành những ưu tiên hàng đầu cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.

Monday. October 12th, 2015