Đặc Sản Gạo Già Dui Xín Mần Từng Bước Khẳng Định Thương Hiệu
Xã Thèn Phàng (Xín Mần) thời gian này được nhuộm một màu vàng xanh no ấm của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trên khắp các ngọn đồi. Đó là cảm nhận ngập tràn trong chúng tôi khi tìm về vùng quê có đặc sản gạo Già Dui, để cùng bà con thưởng thức bát cơm đầu mùa ngát hương, ngọt bùi như chính mảnh đất và tình người nơi đây.
Gạo Già Dui đã trở thành đặc sản ưa chuộng trên thị trường nhưng đầu ra sản phẩm, chất lượng không đồng đều nên việc phục tráng thương hiệu là một trong những việc làm cấp thiết, không chỉ để khẳng định thương hiệu mà còn giúp nông dân thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực.
Phục tráng thương hiệu:
Gạo Già Dui hạt ngắn trung bình, có chấm trắng dưới bụng hạt. Lúa Già Dui gieo trồng vào cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 âm lịch, thời gian sinh trưởng 130 - 135 ngày; gạo nấu thành cơm có mùi thơm đặc trưng, độ dẻo cao, khi ăn có thể cảm nhận được vị ngon, ngọt khác hẳn các loại gạo khác. Chính bởi điều này gạo Già Dui mặc nhiên trở thành một thương hiệu, đặc sản của vùng đất miền Tây xa xôi.
Theo đồng chí Ngô Văn Tăng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Xín Mần: Tổng sản lượng lương thực có hạt dự kiến năm 2014 đạt gần 38.000 tấn và bình quân lương thực gần 600 kg/người/năm; hàng năm xuất khẩu và bán ra thị trường khoảng gần 10.000 tấn.
Tuy nhiên, sản phẩm hàng hóa chủ yếu có giá trị trung bình và thấp, chưa kích cầu được sản xuất; tốc độ xóa đói, giảm nghèo chậm, chưa bền vững. Để khắc phục tình trạng trên cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Xín Mần lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2011-2015, huyện tập trung chỉ đạo sản xuất lúa, ngô hàng hóa, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển lúa Già Dui hàng hóa đặc sản khu vực xã Thèn Phàng, nhằm nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2010-2015, định hướng 2020. Theo thống kê sơ bộ, năm 2014 toàn huyện có 166ha trồng lúa Già Dui, được tập trung chủ yếu tại các xã: Thèn phàng, Bản Díu, Xín Mần, Chí Cà, Nàn Sỉn...
Sản phẩm hàng hóa đã có, người nông dân sản xuất đều tay nhưng hiện diện tích lúa Già Dui trên địa bàn vẫn chưa được nhân rộng, vùng lúa chất lượng chỉ chiếm hơn 60ha tại các thôn: Lùng Cháng, Khâu Tinh; còn các thôn như: Khâu Táo, Na Sai, Quán Thèn, Tà Lượt chất lượng lúa thấp hơn bởi những lý do khách quan: Giống lúa đã quá 3 năm chưa được phục tráng, dẫn đến bị lẫn, năng suất không ổn định, chất lượng gạo không cao, sản lượng chế biến tiêu thụ ra thị trường không ổn định; khâu chế biến, bảo quản chưa đảm bảo kỹ thuật, gạo sau khi xay sát bị bạc bụng, gãy do phơi quá già nắng, độ ẩm chưa đạt dưới 15%...
Để gạo Già Dui khẳng định được thương hiệu trên thị trường với chất lượng đầu ra ổn định, tạo lòng tin với người tiêu dùng là “bài toán” mà huyện Xín Mần đã và đang tìm lời giải.
Khẳng định thương hiệu để tạo đầu ra ổn định:
Thực tế vùng sản xuất lúa Già Dui chưa có mối liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà’’, chưa thực hiện “5 cùng”; người nông dân chưa đầu tư thâm canh, không chủ động bảo vệ thực vật, chưa chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch; lúa Già Dui cấy ở các thôn khác, xã khác chất lượng gạo kém, lẫn với vùng lúa chất lượng dẫn đến khách hàng không tin tưởng và nguy cơ mất thương hiệu là không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, một trong những điều quan trọng dẫn tới việc gạo Già Dui kém chất lượng chính là do bà con chưa tranh thủ thời tiết để thu hoạch nhanh gọn, không phơi khô, quạt sạch; còn gặt phơi cả bông lúa tại bờ ruộng làm giảm rất nhiều về năng suất, chất lượng gạo. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất, chế biến còn nhỏ lẻ, manh mún, tiêu thụ ít, sản phẩm gạo không đáp ứng thường xuyên.
Hộ nông dân tại vùng lúa Già Dui chất lượng chưa xác định rõ việc cấy lúa để sản xuất hàng hóa nên chưa hình thành vùng sản xuất tập trung và cây lúa Già Dui chưa trở thành cây thu nhập chính... Đây là tâm sự của đồng chí Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, người tâm huyết với sự nghiệp phát triển nông - lâm nghiệp của huyện cũng như phục tráng giống lúa Già Dui.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Minh Hiệu cho biết thêm, khi trực tiếp đưa chúng tôi thực tế tại xã Thèn Phàng - “cái nôi” của đặc sản gạo Già Dui: Thời gian này, cũng như những năm tiếp theo, huyện Xín Mần tập trung mọi nguồn lực khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế lúa Già Dui, trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến.
Nâng cao vị thế, giữ vững và quảng bá nhãn mác, thay thế bao bì để bảo quản sản phẩm tốt hơn, lâu hơn. Song song với đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn Ban Phát triển nông - lâm nghiệp xã; Tổ hợp tác sản xuất các thôn có cấy lúa Già Dui thực hiện tốt “5 cùng”, tập trung thâm canh bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Không chỉ vậy, để bà con nông dân yên tâm sản xuất, huyện còn tập trung hỗ trợ các cơ sở chế biến gạo Già Dui đổi mới công nghệ chế biến, mở rộng quy mô nhà xưởng, xúc tiến thương mại tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường, duy trì và phát triển giá trị lúa Già Dui.
Một trong những giải pháp thiết thực, “dài hơi” huyện đang triển khai đã mang lại niềm tin vững bền cho người nông dân chính là việc thực hiện tốt mối liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, HTX và nhà nông sẽ tích cực đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; thực hiện tốt “5 cùng’’ trong sản xuất, đầu tư thâm canh, thống nhất giá cả, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định với doanh nghiệp cùng HTX.
Với những giải pháp đã, đang triển khai để phục tráng và khẳng định thương hiệu gạo Già Dui trên thị trường, huyện Xín Mần đặt ra mục tiêu trong năm 2015, quy hoạch vùng sản xuất lúa Già Dui trên diện tích ổn định 110ha/năm, tập trung tại các thôn: Lùng Cháng, Khâu Tinh, Đội 3 thôn Khâu Táo, Tà Lượt, Quán Thèn và thôn Na Sai; chỉ đạo thực hiện “5 cùng’’, tăng cường thâm canh cao, năng suất đạt 55tạ/ha, sản lượng 605 tấn/năm; tiêu thụ sản phẩm trên 450 tấn/năm.
Theo mức giá gạo Già Dui thành phẩm tại thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện vào khoảng 21.000 đồng/kg gạo trở lên và với tổng sản lượng gạo Già Dui hàng hóa của người nông dân làm ra thì việc phục tráng thương hiệu đặc sản gạo Già Dui sẽ là phương án thoát nghèo bền vững cho người nông dân nơi đây.
Related news
Artemia là loại thức ăn tự nhiên rất cần thiết trong sản xuất giống tôm, cá. Hiên nay nhu cầu trứng bào xác Artemia để cung cấp cho các trại tôm cá trong cả nước khoảng 10 tấn/năm nhưng sản lượng Artemia trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu trong nước.
Thay vì đàn gà sẽ được lùa vào chuồng nuôi để ngủ sau một ngày thả rông trên đồi núi, thì cuối ngày gà lần lượt nhảy lên các cành cây thấp trong vườn nhà và ngủ đến sáng. Với phương pháp chăn nuôi kiểu mới này, đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng cao xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai), bởi chất lượng thịt ngon, thu hút nhiều khách hàng đến mua với giá từ 120.000 -150.000 đồng/kg.
Thời gian qua, hiện tượng “vàng đầu” trên cam sành ngày càng diễn biến phức tạp. Từ đó đã gây hoang mang, lo lắng cho không ít nhà vườn ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Bởi loại bệnh này chưa xác định rõ nguyên nhân và chưa có thuốc khống chế hữu hiệu.
Nhiều nhà vườn kêu trời vì giá xoài hiện đang giảm mạnh. Tại chợ Vĩnh Long, xoài đổ đống giá chỉ vài ngàn đồng/kg, tại các chợ huyện Long Hồ, Mang Thít nhiều loại xoài giá chỉ từ 5.000- 10.000 đ/kg. Theo các thương lái, xoài đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng chỉ tiêu thụ nội địa nên thị trường “ăn không hết”.
Một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay Việt Nam đã dư sức sản xuất những giống lúa thơm chất lượng cao để làm ra gạo trị giá 600 - 800 USD/tấn.