Đạ Huoai (Lâm Đồng) Trồng Chè Dưới Tán Điều
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã trồng hơn 493ha chè, tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc. Trong đó, Phước Lộc là xã có diện tích chè trồng dưới tán điều cao nhất (148ha), kế đến là thị trấn Đạ M’ri (113ha) và xã Hà Lâm (90ha). Các xã Đoàn Kết, Đạ P’Loa và Đạ M’ri, mỗi xã có gần 80ha.
“Trong số hơn 493ha chè hiện có, diện tích đang cho thu hoạch gần 200ha, sản lượng 1.487 tấn, năng suất bình quân đạt trên 63 tạ/1ha” - ông Trần Kim Trường, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, cho biết. Theo ông Trường, điều đáng nói là, chỉ tính riêng trong năm 2014, diện tích chè được trồng mới ở Đạ Huoai tăng mạnh (trên 320ha). Sản lượng chè búp tươi cũng tăng đáng kể.
Nguyên nhân là do đầu năm 2014, chè búp tươi có giá bán 8.000 - 12.000 đồng/1kg, nên bà con nông dân đã chủ động trồng xen chè dưới tán điều và cây ăn quả, nhằm nâng cao thu nhập. Ngoài ra, so với những loại cây trồng khác, cây chè dễ trồng, sinh trưởng nhanh, cách chăm sóc cũng khá đơn giản và có thể giữ ẩm, chống xói mòn đất. Do vậy, bà con nông dân phát triển diện tích trồng chè dưới tán điều vừa để giữ ẩm, chống xói mòn vừa tăng thêm thu nhập.
Gia đình bà Vũ Thị Thuận (tổ 3, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) có 6ha chè trồng xen dưới tán điều. 6ha chè này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình bà. “Mỗi năm, gia đình tôi thu trên 500 triệu đồng từ cây chè” - bà Vũ Thị Thuận nói.
Cùng có diện tích chè trồng xen dưới tán điều lớn nhất, nhì tại thị trấn Đạ M’ri, ông Trần Hải Sơn (tổ 3, thị trấn Đạ M’ri), chia sẻ: “Mô hình trồng xen chè dưới tán điều đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trồng chè dưới tán điều vừa tiết kiệm nước, phân bón, vừa đỡ công chăm bón. Vì cùng một lúc chăm sóc cả hai loại cây”. “Trước đây, trồng chè là để lấy ngắn nuôi dài. Nhưng hiện tại, với giá chè bán khá cao, cây chè lại trở thành nguồn thu chính của gia đình” - bà Vũ Thị Thuận nói thêm.
Tương tự, gia đình ông K’Brớt và gia đình bà Ka Hiên (đều ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai) cũng có thu nhập khá cao từ diện tích chè trồng xen dưới tán điều.
Tuy nhiên, theo ông Trần Kim Trường, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, cái khó nhất hiện nay là huyện vẫn chưa tìm được đơn vị ký kết thu mua chè cho bà con nông dân thông qua hợp đồng. “Lâu nay, bà con nông dân vẫn trồng và bán chè theo kiểu “thuận mua, vừa bán”, chứ chưa có những hợp đồng mua bán nguyên liệu dài hạn với các công ty hay đơn vị chế biến chè.
Chính sự thiếu “ràng buộc” đó, là những trở ngại cho việc phát triển diện tích trồng chè ở Đạ Huoai. Thêm nữa, chất lượng chè ra sao thì cho đến nay, ngành chức năng của huyện Đạ Huoai cũng chưa có những đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, qua khảo sát bước đầu cho thấy, cây chè trồng ở đây sinh trưởng và phát triển tốt” - ông Trần Kim Trường trao đổi.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong những năm trở lại đây, diện tích trồng chè ở Đạ Huoai có sự gia tăng đáng kể, nhưng phần lớn là do bà con nông dân tự phát trồng. UBND huyện chưa có chủ trương và chưa khuyến khích người nông dân mở rộng diện tích trồng chè. Tuy vậy, huyện cũng đang quan tâm chỉ đạo các ban, ngành chức năng của huyện tìm kiếm các đối tác trong việc thu mua chè, để giúp nông dân giải quyết “đầu ra” cho cây chè.
Related news
Cá sặc rằn, còn gọi là cá rô tía da rắn hay cá rô tía Xiêm hay cá lò tho là một loài cá thuộc họ Cá tai tượng. Loài cá này là một món ăn quan trọng trong nền ẩm thực của nhiều nước, đồng thời nó cũng là một loài cá cảnh thông dụng.
Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng 10.000 tấn cá nước lạnh (7.287 tấn cá tầm và 2.713 tấn cá hồi), đó là mục tiêu cơ bản của dự thảo Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020. Mục tiêu này đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo góp ý Quy hoạch phát triển cá nước lạnh được tổ chức ngày 16/9/2014 tại Lâm Đồng
Để làm được một vụ lúa trên đất nuôi tôm trong điều kiện hoàn toàn lệ thuộc nước trời như ở Cà Mau là một sự nhẫn nại, nhạy bén và đầy tính sáng tạo của nông dân rất đáng trân trọng. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên mức độ thành công khác nhau, dẫn đến suy nghĩ, nhận thức và quyết tâm từng người cũng khác nhau, khiến diện tích và bản đồ canh tác lúa trên đất tôm luôn biến động và thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch, phá vỡ quy hoạch, nhất là những năm thời tiết không thuận.
Tận dụng con nước khi lũ về và diện tích đất canh tác bên bờ sông Hậu, nhiều nông dân xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân - An Giang) đã mạnh dạn đào ao nuôi tôm càng xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua ở Thanh Hoá, chăn nuôi các loại gia súc, như: Trâu, bò thịt, bò sữa, dê... để sinh sản, lấy thịt, lấy sữa đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc đang là một trong những nguyên nhân khiến khả năng sinh sản và cho thịt của con nuôi bị hạn chế.