CXT30 Giống Lúa Mới Phục Vụ Xuất Khẩu

Công ty CP Công Nông nghiệp sạch Việt Nam (Hà Nội) vừa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo tham quan đầu bờ giống lúa CXT30 sản xuất trong vụ hè thu 2014.
Hội thảo có sự tham dự của gần 100 đại biểu là nông dân, chủ nhiệm hợp tác xã và lãnh đạo các địa phương trong huyện.
CXT30 là giống lúa thuần cực ngắn ngày với nhiều ưu điểm nổi trội trong canh tác cũng như chế biến gạo. Tại hội thảo, PGS TS Tạ Minh Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, tác giả giống lúa CXT30 đã giới thiệu về quy trình canh tác giống lúa này.
Theo PGS TS Tạ Minh Sơn, CXT30 thuộc loại hình cây thấp, đẻ nhánh khỏe, thích hợp với nhiều vùng sinh thái trên cả nước. Tùy vào mùa vụ và vùng sinh thái, giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ 80 - 85 ngày (vụ hè thu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) hoặc 93 - 95 ngày (vụ mùa tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng).
Do đó, nếu gieo cấy, tuổi mạ của CXT30 rất ngắn, chỉ 7 - 8 ngày để lúa có thời gian đẻ nhánh, đạt chồi hữu hiệu, tốt nhất là sạ hàng hoặc sạ lan với mật độ thưa, lượng giống từ 50 - 60 kg/ha. Lượng phân bón tương đương với các giống lúa khác nhưng bón theo nguyên tắc “nặng đầu, nhẹ cuối”, tập trung cho bón lót và bón thúc sớm, không bón lai rai, bón thừa đạm…
Trong quá trình đưa vào sản xuất khảo nghiệm tại nhiều tỉnh, thành, CXT30 đều cho kết quả tốt, lúa sinh trưởng mạnh, ít bị sâu bệnh tấn công, năng suất đạt khá cao. Về chất lượng, CXT30 thuộc nhóm hạt dài, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hạt lúa dài 10mm, gạo nguyên liệu (bóc vỏ) 7,15mm, gạo trắng 6,91mm, tỷ lệ gạo nguyên liệu/lúa đạt cao (81%). Hạt gạo trong, hàm lượng amylose và protein cao (lần lượt là 22,7% và 9,1%), cơm dẻo, có mùi thơm nhẹ.
“Đây là giống lúa có các chỉ tiêu chất lượng gạo khá cao, hơn cả những giống lúa thơm đang có trên thị trường hiện nay. Từ trước đến nay chưa có một giống lúa nào ngắn ngày, năng suất cao mà lại cho chất lượng gạo tốt. Thế nhưng CXT30 đã hội tụ được tất cả các đặc tính này”- PGS TS Tạ Minh Sơn cho biết.
Tuy nhiên, chính ưu điểm vỏ mỏng để cho tỷ lệ gạo cao của giống lúa CXT30 lại trở thành nhược điểm khi canh tác trong điều kiện bất lợi như vụ hè thu, lúa dễ bị nẩy mầm trên cây khi gặp thời tiết mưa bão nhiều. Vì vậy, bà con nông dân cầu lưu ý thu hoạch khi lúa vừa chín tới để hạn chế tình trạng này.
Related news

Thời gian qua, mô hình nuôi lươn trong bồn làm bằng nylon đã được nhiều nông dân ở TP Cần Thơ chọn để phát triển kinh tế hộ vì vốn đầu tư không quá lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

Thấy mì bán được giá, thời gian qua hàng ngàn hộ dân hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum ồ ạt chuyển qua trồng loại cây ngắn ngày. Diện tích và sản lượng tăng nhưng thị trường tiêu thụ hạn hẹp, khiến mì nguyên liệu rớt giá, không có nơi tiêu thụ.

Tinh bột khoai nưa có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều loại kẹo bánh, làm miến, đặc biệt có thể sử dụng trong công nghiệp để hồ vải. Nếu phát triển công nghiệp chế biến ethanol thì tinh bột cây nưa sẽ là nguồn nguyên liệu đáng kể để sản xuất nhiên liệu sinh học trong tương lai. Khoai nưa dễ trồng, kỹ thuật đơn giản, ít bị sâu bệnh hại, năng suất khá cao, đầu tư chi phí thấp mà hiệu quả cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có văn bản thống nhất kinh phí chi hỗ trợ cho người dân có diện tích nhãn bị thiệt hại do bệnh chổi rồng trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền khoảng 71,23 tỷ đồng cho các huyện, thành phố. Cụ thể: Mang Thít 12,87 tỷ đồng; Tam Bình 2,23 tỷ đồng; Vũng Liêm 3,38 tỷ đồng; Trà Ôn 5,1 tỷ đồng; Long Hồ 38,5 tỷ đồng; Bình Minh 1,34 tỷ đồng; Bình Tân 1,87 tỷ đồng và TP Vĩnh Long 5,95 tỷ đồng.