Cuộc đấu của hộ chăn nuôi đã đến gần
Thua ngay tại sân nhà
Không phải chờ đến thời điểm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, bây giờ đi vào hàng thực phẩm tại các siêu thị đã thấy rất rõ cuộc cạnh tranh giá cả mà phần thua đang nghiêng về các hộ chăn nuôi tại tỉnh. Ví dụ như mặt hàng thịt gà, gà nuôi tại tỉnh có giá từ 80.000 - 110.000 đồng/kg hơi, tùy theo loại gà, trong đó gà ta có giá cao nhất vì suy nghĩ lâu nay của mọi người là nuôi thả tự nhiên, thịt dai, thơm ngon, chứ không có bằng chứng nào chứng minh, trừ phi đã mua về, sử dụng xong và cảm nhận. Trong khi đó, gà nhập khẩu bán tại các siêu thị như Co.op mart Phan Thiết đã làm sạch, giá rẻ gần một nửa so với gà nuôi tại chỗ, lại có cam kết rõ ràng về an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng. Đứng trước nhu cầu bảo đảm sức khỏe, phù hợp túi tiền, về lâu dài chắc chắn người tiêu dùng sẽ mua gà nhập khẩu. Mặt hàng thịt vịt hay thịt heo, thịt bò… cũng vậy, sẽ tràn ngập thị trường với giá rẻ, nhất là khi TPP được ký kết.
Tại hội thảo phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập cộng đồng ASEAN và TPP tổ chức tại TP. HCM cuối tháng 6 qua, các đại biểu đưa ra những gợi ý chính sách cho ngành chăn nuôi trong thời buổi hội nhập. Và chung quy của vấn đề vẫn là làm sao hạ giá thành chăn nuôi, chi phí giết mổ, vận chuyển... để các mặt hàng thịt trong nước đến tay người tiêu dùng có giá cạnh tranh so với các mặt hàng thịt nhập khẩu. Đó là tình hình chung, chăn nuôi ở tỉnh cũng không ngoại lệ, vẫn bị áp lực giá quá cao của thức ăn chăn nuôi hầu như đều nhập khẩu, rồi các loại phí chồng phí... đã khiến người chăn nuôi ở trong cảnh không có thế mạnh nào, dù “cuộc đấu” thị trường đang mở ra.
Cần nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi
Theo số liệu thống kê đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đến 1/4/2015, tổng đàn bò thịt có 164.315 con, đàn heo 254.038 con và đàn gia cầm gần 2,6 triệu con. Nếu so cùng thời điểm năm 2014, con số tổng đàn trên đạt xấp xỉ, riêng đàn gia cầm có số lượng còn ít hơn. Nhìn lại chặng thời gian từ mốc năm 2009 đến mốc 2014 sẽ thấy ngành chăn nuôi ở tỉnh diễn biến theo hướng giật lùi. Đàn bò từ 224.113 con xuống 164.315 con; đàn heo cũng thế, từ 274.253 con xuống 265.641 con... Cùng với đó, xuất hiện 45 trại heo có quy mô từ 100 đến hơn 1.000 con, 12 trại gà có quy mô từ 2.000 - 10.000 con. Riêng số hộ chăn nuôi ít dần, vì nhiều nguyên nhân, trong đó cái chính vẫn là tình trạng dịch bệnh theo kiểu đến mùa lại tới.
Vì thế, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đặt kế hoạch đến năm 2020, ngành chăn nuôi ở tỉnh cơ bản chuyển sang sản xuất phương thức trang trại, gia trại công nghiệp, nhằm đạt đến nhiều mục tiêu. Cụ thể, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến tập trung; liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, đạt 21% cơ cấu giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (năm 2014 đạt 16,35 %)...
Làm sao giảm giá thành chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh sản phẩm? Điều thấy trước mắt là phải chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, để tiết giảm chi phí, vì ai cũng hình dung vào cuối năm nay hoặc đầu 2016, khi 12 nước tham gia đàm phán TPP ký kết hiệp định, các mặt hàng thịt nhập khẩu sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam với giá rẻ thì sản phẩm của những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với giá thành cao sẽ bị thua trên sân nhà.
Related news
Đó là kết quả được đánh giá tại Hội thảo mô hình nuôi ghép cá rô phi lai xa dòng Isarel với các loài cá truyền thống khác (cá rô phi là chính) theo hướng an toàn diễn ra ngày 23 tháng 10 năm 2014, tại xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương.
"Một năm SX nông nghiệp không đạt lợi nhuận 100 triệu đ/ha trở lên là không đủ chi phí cho gia đình 7 người", vợ chồng ông Dương Văn Thắng ở xã Long An (Long Hồ, Vĩnh Long) chia sẻ.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 phấn đấu đạt 7 tỉ USD; trong đó riêng mặt hàng tôm là 3,5 tỉ USD, chiếm 50% về giá trị. Có thể nói, con tôm đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, thế nhưng điều nghịch lý là hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL luôn phập phồng nỗi lo thua lỗ bởi dịch bệnh tràn lan và giá cả lên xuống thất thường...
Từ năm 2010 đến nay, Sóc Trăng không còn công nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, toàn bộ sản lượng cá thương phẩm đều bán cho các tỉnh lân cận. Theo thống kê của ngành thì người nuôi cá tra ở Sóc Trăng bị thua lỗ liên tục từ năm 2008 đến nay do chi phí đầu vào cao hơn từ 1.200 đến 2.500 đồng trên 1kg cá thương phẩm.
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Văn Dương khi anh đang cho cá ăn, dù đang bận tay với công việc nhưng gương mặt không giấu được niềm vui, anh nhẩm tính: “Với 4.000 m2 diện tích ao nuôi cá chép V1 làm chính, qua 4 tháng nuôi, tôi thấy cá lớn nhanh, trọng lượng trung bình đạt khoảng 400gam/con, với giá thị trường hiện nay là 35.000 đồng/kg, gia đình có thể thu lợi nhuận khoảng 27 triệu đồng”.