Cử nhân về quê nuôi heo rừng thu nhập 50 triệu đồng/tháng
Ngày học, tối phụ bàn… giành tiền mua heo giống
Anh Đoàn Phan Dinh (24 tuổi) ở ấp An Hòa, xã An Khánh, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) sinh ra trong một gia đình khó khăn.
Do vậy, ngay từ học phổ thông anh Dinh đã quyết tâm lập nghiệp để giảm bớt gánh nặng cho gia đình cũng như thay đổi cuộc đời nghèo khó.
Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên đất Sen hồng đã thi đậu vào ngành Chăn nuôi, trường Đại học Cần Thơ.
Để có tiền trang trải cho việc học cũng như thực hiện hóa ước mơ vươn lên bằng nghề chăn nuôi của mình, chàng trai “con nhà nòi” đã vừa học, vừa làm bất kể ngày đêm từ việc nhẹ nhàng như: phục vụ quán ăn, bán hoa quả, chạy bàn cho đến nghề nặng là phụ hồ.
Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Dinh cho biết: “Ngay khi học hết năm nhất, tôi đã có ý định nuôi con heo rừng, dĩ nhiên tôi đã tìm hiểu kỹ về loài vật nuôi này.
Tuy nhiên, ban đầu rất ít người ủng hộ cho kế hoạch của tôi nên bản thân phải tự vận động bằng cách làm thêm nhiều việc để có vốn, mua heo giống về nuôi thử nghiệm.
Tôi còn nhớ, từ những việc làm thêm, cuối năm nhất, tôi dành dụm được 2 chỉ vàng và bán hết hai chỉ vàng này lên Đồng Nai mua heo giống”.
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Chăn nuôi, anh Đoàn Phan Dinh quyết định về quê nuôi heo rừng.
Có được loài vật nuôi ưng ý trong tay nên anh Dinh đã ra sức chăm sóc như “đứa con cưng”.
Thế nhưng do kinh nghiệm chăn nuôi chưa nhiều cũng như con giống kém chất lượng nên việc chăn nuôi lần đầu bị thất bại.
Với suy nghĩ, thất bại ở đâu sẽ bắt đầu tại nơi đó, vì thế anh Dinh không bỏ cuộc mà vẫn ra sức đi làm thêm để dành tiền, gầy dựng lại đàn heo.
Anh Dinh cho biết: “Sang năm học thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4, hễ giờ nào rãnh là tôi tranh thủ đi làm thêm và toàn bộ số tiền này tôi đầu tư vào đàn heo giống.
Tính đến năm thứ 4 (năm cuối của chương trình học đại học), tôi đã có trong tay 10 con heo nái giống.
Lúc này bán heo giống con cũng có đồng vô đồng ra nên tôi tận dụng đồng vốn này góp vốn với một người bạn mở quán cà phê.
Nào ngờ, sau khi quán đi vào hoạt động hơn một tháng thì mặt bằng bị lấy lại và đàn heo cũng mắc bệnh rồi hao hụt dần.
Thời điểm đó, nguồn vốn lập nghiệp trở nên bế tắc”.
Do có kiến thức nên việc chăn nuôi của anh Dinh rất khoa học, tại "trang trại" của anh có hẳn một bảng theo dõi về khối lượng chu chuyển đàn heo.
Không chấp nhận thất bại, anh Dinh vay mượn của người thân, bạn bè số tiền hơn 30 triệu đồng để tiếp tục gầy dựng lại đàn heo rừng sau hai lần thất bại.
Và để không rơi vào vết xe đổ, anh Dinh nghĩ ra cách vừa chăn nuôi, vừa kinh doanh, nghĩa là vùng nuôi phải có nơi tiêu thụ thì mới mang về hiệu quả cao nhất.
Anh Dinh chia sẻ: “Trong quá trình nuôi heo, chỉ nhận biết được sự phát triển bên ngoài mà không nắm rõ được chất lượng thịt thế nào thì cũng dở.
Nhưng nếu mổ heo ra, kiểm tra thịt mà không có nơi tiêu thụ lượng thịt này thì vài lần đàn heo sẽ hết.
Do vậy, để giải bài toán này, tôi đã mở thêm một quán ăn, thế là vừa kiểm tra được chất lượng thịt đàn heo, vừa có tiền lời từ kinh doanh quán ăn”.
Từ đó, việc làm ăn ngày càng phát triển, lượng heo sản xuất không đủ để cung ứng cho việc kinh doanh.
Anh Dinh bắt đầu đi đến một số cơ sở nuôi heo rừng để tìm nguồn hàng về vừa thí nghiệm vừa phục vụ quán ăn, đặc biệt là thực nghiệm để xem phản hồi của khách hàng nhằm đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.
Thu nhập 50 triệu đồng/tháng
Hiện nay, đàn heo của anh Dinh đã tăng lên khoảng 400 con, trong đó có 50 con heo nái.
Tính ra, mỗi tháng anh Dinh xuất bán khoảng 250 heo giống, thịt, nái bầu.
Ngoài ra, còn hợp tác chăn nuôi với các hộ khác để cung ứng khoảng từ 150 – 200 con/tháng.
Tổng cộng, mỗi tháng anh Dinh “bỏ túi” khoảng 50 triệu đồng.
Theo anh Dinh, hiện tại giá heo thịt từ 25kg trở lên có giá 95.000đồng – 100.000đồng/kg; heo giống dưới 10kg là 160.000 đồng/kg, 10 – 15kg/con là 150.000 đồng/kg, trên 15 kg là 140.000 đồng/kg; heo nái bầu từ 50 – 80kg có giá bán 180.000 đồng/kg.
Hiện tổng giá trị đàn heo của trang trại anh Dinh lên đến hơn một tỷ đồng.
Hiện nay, mỗi tháng từ việc bán heo thịt, giống...
anh Dinh bỏ túi khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, bí quyết làm giàu này anh sẵn sàng chia sẻ, nhất là các bạn trẻ muốn lập nghiệp.
Để đảm bảo đầu ra cho heo rừng luôn ổn định, anh Dinh còn đề ra các phương án hợp tác làm ăn với những hộ chăn nuôi khác.
Với nhiều hình thức như: Nuôi gia công hưởng phần trăm, bán heo giống và bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, heo phải đạt chất lượng theo các tiêu chí như: Lúc nhỏ sọc dưa, lớn lên có màu nâu bò; dáng phải thon, lưng phải thẳng; nạc tới da, lông 3 chân, thịt đỏ.
Đặc biệt là phải được nuôi bằng thức ăn tự nhiên.
Nói về một số kỹ thuật trong chăn nuôi heo rừng, anh Dinh chia sẻ: “Yếu tố tiên quyết của việc nuôi heo rừng là cách xây dựng chuồng trại.
Ở đây, chuồng phải được phân ra từng lô với những chức năng chuyên dụng riêng.
Heo từ 3 – 4 tháng tuổi được nuôi phân lô với chiều ngang 1,8 – 2m, dài 5 – 6m, thả nuôi 10 con.
Đến khi sắp xuất bán thì heo được đưa vào ô trống ngoài trời với chiều ngang 10m, dài 17m và thả thành đàn từ 40 – 50 con nhằm để chúng cạnh tranh thức ăn, giúp thịt săn chắc.
Ngoài ra, đối với chuồng nuôi heo nái bầu phải có chắn gió và che mưa”.
Theo anh Dinh chia sẻ, một trong những bí quyết thành công ban đầu của anh chính là sự kiên định trong công việc và đôi lúc phải biết chấp nhận thất bại.
Để việc nuôi heo hiệu quả, anh Dinh sử dụng đệm lót sinh học với lớp dưới cùng là đất mặt, lớp giữa là 20cm cát, phía trên là 20cm trấu, nhằm hạn chế mùi hôi, hạn chế dịch bệnh.
Ngoài ra, để cho đệm lót không bị xơ cứng thì anh Dinh còn thả gà vào chuồng nuôi nhằm bới trấu lên cho men phát triển.
Đứng cạnh đàn heo rừng được thiết kế khoa học, anh Dinh chia sẻ thêm: “Heo rừng là loài vật hoang dã, dễ nuôi nên hộ chăn nuôi có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ tự nhiên như: chuối cây, lục bình, bã đậu hủ, bã hèm, rau muống, khoai lang…để giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi.
Theo đó, chi phí để mua thức ăn công nghiệp và cám nhuyễn là khoảng 15%, còn lại 85% là phụ phẩm tự kiếm tại địa phương”.
Theo anh Dinh, sắp tới, để tạo chất lượng đồng loạt cho heo rừng ở khu vực miền Tây thì trang trại của anh sẽ mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm cũng như cung cấp nguồn giống và bao tiêu sản phẩm với mong muốn đưa ra sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mang đến lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Related news
Gia đình ông Nguyễn Văn Thơm, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào của thôn, xã; đóng góp tích cực trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa tại địa phương.
Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất trong công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Ðến tháng 8.2015, Nhơn An đã thực hiện hoàn thành tiêu chí môi trường, và cũng là hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm ngoái, xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường ASEAN khá tốt, trong đó 3 thị trường XK lớn nhất trong khối là Thái Lan, Singapore và Philippines đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2015, XK cá tra sang khu vực này đã đảo chiều ngược lại và dự báo giá trị XK sang khu vực này cả năm 2015 giảm 3-5% so với năm 2014.
Những tháng đầu năm 2015, cá tra, tôm là hai mặt hàng XK chủ lực của ngành thủy sản đều sút giảm về kim ngạch. Theo dự báo, dần về cuối năm, XK thủy sản có khả năng khởi sắc.
“Trồng cây gì, nuôi con gì” là câu hỏi quan trọng nhất, thường xuyên nhất, đau đầu nhất với người làm công tác quy hoạch, chính sách.