Cử Nhân 9X Nuôi Thỏ

Tốt nghiệp cử nhân kinh tế nhưng Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê (đều sinh năm 1990) không nộp đơn xin việc làm với chuyên ngành đã học mà lập trại nuôi thỏ tại xã Bình Nam (Thăng Bình - Quảng Nam).
Thất bại nhưng không nản
Phải hẹn tới hẹn lui mấy lần tôi mới gặp được Vương Đình Hiếu bởi anh quá bận rộn. Khi thì anh ra Duy Xuyên cung ứng thỏ giống, lúc ở Đại Lộc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, khi thì đóng hàng chuyển ra Thừa Thiên Huế... Hiếu quê ở Đà Nẵng, theo học ngành quản trị kinh doanh; còn Mai Thị Lê quê Thăng Bình, học ngành tài chính ngân hàng. Cả hai đều tốt nghiệp đại học năm 2012. Lê tâm sự, ngay từ những năm học phổ thông, chị đã có mơ ước sau này trở thành kỹ sư chăn nuôi nhưng thi không đỗ vào đại học nông lâm mà lại đỗ đại học kinh tế.
Thời sinh viên, những lúc rảnh rỗi, chị thường rủ Hiếu lang thang khắp TP.Đà Nẵng để tìm hiểu về những mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Và mô hình đầu tiên cả hai nghĩ đến là nuôi heo rừng sau khi tham quan mô hình này ở Hòa Vang. Lê nói: “Vì kinh tế khó khăn, tôi và Hiếu suy nghĩ là phải tìm mô hình gì đầu tư ít vốn, quay vòng nhanh mà ít tốn công chăm sóc nên lựa chọn nuôi thỏ”.
Tuy nhiên, ý định “làm nông dân” nuôi thỏ của Hiếu và Lê không được ủng hộ, thậm chí còn bị mọi người cho là “điên”, là “gàn”. Nhưng rồi năn nỉ mãi, cuối cùng 2 bạn cũng được người thân, bạn bè cho vay mượn 200 triệu đồng làm vốn đầu tư ban đầu.
Vậy là trại thỏ Chiến Huy rộng 2.000m2 của Hiếu và Lê ở tổ 2 (thôn Đông Tác, xã Bình Nam) ra đời. Nhưng do chưa tìm được nguồn giống thuần chủng nên 50 con thỏ mua ban đầu dần bị thoái hóa, nhiễm bệnh và chết. Đến lúc này gia đình, bạn bè nhất quyết không cho họ vay mượn thêm vì muốn 2 bạn từ bỏ ý định làm nông dân để xin việc làm phù hợp với ngành đã học.
Không nản chí, cả hai vay thêm 20 triệu đồng rồi tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm, chọn giống và tìm hiểu thông tin về kỹ thuật nuôi thỏ. Cuối cùng, Hiếu và Lê đã chọn được nơi cung ứng giống đạt chất lượng là Viện Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) để mua 50 con thỏ giống. Nhưng do chưa hiểu rõ kỹ thuật nuôi, kỹ thuật làm chuồng trại cho phù hợp với giống thỏ ngoại New zealand (rất cần thoáng mát vào mùa hè) nên thỏ bố mẹ bị bệnh và chết sạch, chỉ còn lại thỏ con. Cho đến khi mua thỏ giống lần thứ ba, mọi chuyện mới bắt đầu suôn sẻ.
Thành công bước đầu
“Sau mỗi lần thất bại, tôi và Hiếu rút thêm kinh nghiệm cho mình. Mặc dù bị gia đình, bè bạn ngăn cản nhưng hình như “nghiệp” chăn nuôi gắn với tôi như là số phận vậy nên tôi nhất quyết không từ bỏ” - Lê tâm sự. Hiếu bảo: “Đến lúc này niềm vui lớn cũng là thành công bước đầu của chúng tôi là cung ứng được giống ra thị trường và thực hiện đúng cam kết bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi”.
Nói về trại thỏ Chiến Huy, ông Trần Công Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nam cho biết: “Đến lúc này có thể nói mô hình nuôi thỏ của 2 cử nhân Hiếu - Lê đã đạt được kết quả rất khả quan, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đó là tín hiệu đáng mừng”.
Để tìm người mua giống từ trại thỏ Chiến Huy và có được đầu ra ổn định như bây giờ, 2 bạn đã trải qua lắm gian nan. Họ lập trang web (địa chỉ traithochienhuy.com) để giới thiệu với khách hàng về trang trại, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi thỏ, cách chế biến các món ăn từ thịt thỏ...
Vì nhiều người chưa quen với những món ăn chế biến từ thỏ nên Hiếu phải đi khắp các nhà hàng, quán ăn từ Quảng Bình đến Bình Định mời khách dùng thử, có khi phải biếu không để khách hàng làm quen và chỉ dẫn cách làm thịt thỏ. Nhiều lúc khách hàng ở tỉnh bạn chỉ đặt mua một vài con, Hiếu cũng chấp nhận lỗ vốn, lỗ công mà giao hàng đến tận nơi. Hiện tại trại thỏ Chiến Huy chủ yếu cung ứng thỏ giống và là trại cung ứng thỏ giống New zealand thuần chủng duy nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Các trại thỏ vệ tinh là những hợp tác xã, cá nhân mua thỏ giống từ trại Chiến Huy ở các địa phương trong và ngoài tỉnh được Hiếu - Lê chỉ dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngoài bỏ mối cho các nhà hàng, quán nhậu, bước đầu Hiếu đã tìm được mối tiêu thụ thỏ thịt ở các siêu thị Metro, Big C...
Anh Võ Thanh Sơn (Duy Xuyên) - người mua thỏ giống từ trại Chiến Huy và đang nuôi hàng nghìn thỏ thịt trên diện tích hơn 10ha tỏ vẻ phấn khởi vì được thỏ nuôi bao nhiêu được trại thỏ Chiến Huy bao tiêu sản phẩm bấy nhiêu. Anh Sơn cho biết, với người nông dân, mối quan tâm hàng đầu là đầu ra cho sản phẩm. Được chủ trại Chiến Huy lo cả khâu đầu vào và lẫn đầu ra nên anh rất yên tâm và có động lực để tiếp tục mở rộng đầu tư.
“Một thỏ mẹ mỗi năm đẻ 5 - 7 lứa, mỗi lứa 5 - 7 con. Thỏ 3 tháng tuổi nặng khoảng 2,3 - 3kg và có thể giết thịt. Thức ăn của thỏ đơn giản là rau, cỏ và bột. Với giá thỏ hiện nay là 70 - 75 nghìn đồng/kg, mỗi năm một thỏ mẹ có thể mang về lợi nhuận cho người nuôi hơn 1 triệu đồng. Như vậy, nếu chọn mua giống đạt tiêu chuẩn, chăn nuôi đúng kỹ thuật thì lợi nhuận mang về từ nuôi thỏ không nhỏ” - Hiếu quả quyết.
Related news

Năm 1990, khi còn là một cán bộ y tế xã với đồng lương eo hẹp, ông thường nghe cha mình nhắc về loài cây quý cho thớ gỗ mịn, bền chắc, được dùng làm cái rìu, cây cung… nhưng gần như “tuyệt chủng” trên những cánh rừng Ba Tơ. Với mong muốn khôi phục lại loài cây này trên mảnh đất quê hương, ngoài giờ làm, ông tranh thủ đi rừng hái cây mây nước bán, dành dụm tiền mua cây giống về trồng. “Hồi đó ông anh ở thôn Làng Trui vào tít rừng sâu bên Kon Tum nhổ về bán cho mình với giá 2000 đồng/cây. Mình bỏ gom góp tiền mua một trăm cây về trồng”, ông Nấu nhớ lại.

Tham gia mô hình, nông dân được công ty hỗ trợ hoàn toàn giống lúa nguyên chủng, được hỗ trợ kỹ thuật và công vận chuyển khi thu hoạch về nhà máy. Với năng suất trung bình khoảng 350 - 400 kg/công, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân lời 4,5 - 5 triệu đồng. Hiện nay, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đang tiếp túc mở rộng diện tích của mô hình lúa lai ở xã Long Trị A với diện tích khoảng 50ha trong vụ Đông xuân tiếp theo.

Ngày 12/1, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên công bố thông tin: Qua 10 năm triển khai một đề tài khoa học về cây mắc ca, Viện đã thu thập, tuyển chọn được 20 giống mắc ca, chủ yếu là các giống mắc ca thương mại trên thế giới như H2, 508, OC, 814, 246... và đã trồng thử nghiệm ở nhiều vùng tại Việt Nam.

Theo Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi héc-ta lúa trong cánh đồng mẫu lớn có năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với diện tích ngoài mô hình này; ngoài ra cánh đồng mẫu lớn còn giúp tạo ra các vùng lúa đặc thù phục vụ xuất khẩu gạo cao cấp.

Hiện tại, giá các loại phân bón trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu vụ đông xuân 2014 - 2015. Giá các loại phân bón DAP Trung Quốc tăng từ 10 - 20%, riêng các loại phân bón khác đang giữ mức ổn định. Sự bình ổn của giá phân bón trên thị trường khiến nông dân phấn khởi vì giảm bớt nỗi lo về chi phí đầu tư.