Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Công Nghệ Cao Trên Vùng Đất Núi

Công Nghệ Cao Trên Vùng Đất Núi
Publish date: Wednesday. February 25th, 2015

Đối với huyện Tri Tôn (An Giang), phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải gắn với hiệu quả thiết thực. Với lợi thế còn quỹ đất rộng, địa phương có điều kiện phát huy các mô hình sản xuất lớn, liên kết làm ăn theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Cánh đồng bạt ngàn

Từ chủ trương đào kênh thoát lũ ra biển Tây của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện Tri Tôn đã được xẻ ngang, xẻ dọc, giúp tháo chua rửa phèn, liên tục mở rộng diện tích sản xuất. Tuy nhiên, khi cây lúa gần như được khai thác tối đa, Tri Tôn đang chuyển mạnh sang những loại cây trồng, vật nuôi khác cho hiệu quả cao hơn.

Nếu trước đây, những cánh đồng rộng lớn ở các xã vùng sâu, biên giới như: Lương An Trà, Vĩnh Phước, Lạc Quới, Vĩnh Gia… chỉ thấy toàn lúa là lúa thì hiện nay, vài nơi đã mọc lên trang trại nuôi bò quy mô lớn. Một trong những người tiên phong xây dựng mô hình này là “vua lúa” sáu Đức (nông dân Nguyễn Lợi Đức, xã Lương An Trà). Trên cánh đồng đê bao 71 héc-ta ở ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Gia), sáu Đức đã chuyển từ canh tác lúa giống sang trồng cỏ nuôi bò. “Cỏ chỉ cần xuống giống một lần, thu hoạch liên tục 5 năm.

Với năng suất khoảng 250 tấn/héc-ta/năm, giá bán cỏ tươi 700 – 750 đồng/kg, mỗi năm có thể thu về từ 170 – 180 triệu đồng/héc-ta, cao hơn lúa rất nhiều” – sáu Đức phân tích. Dĩ nhiên, mục đích ông trồng cỏ không phải để bán, mà chủ yếu phục vụ cho đàn bò chất lượng cao, trong đó, có một số giống bò ngoại to con, như: Drought Master, Brahman, Red Angus, Italia… cùng giống bò địa phương được tuyển lựa kỹ để lai tạo.

Giống như sáu Đức, bà Phan Thị Nhật Mai, Công ty Cổ phần Phát triển Nông Trại Xanh (Greenfarm), đã không ngại lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh xuống cánh đồng đê bao xã Vĩnh Phước đầu tư trang trại bò 60 héc-ta. Tuy nhiên, bên cạnh nhân giống bò thịt chất lượng cao, trọng tâm của Greenfarm là phát triển đàn bò sữa. “Chúng tôi tập huấn miễn phí 6 tháng cho người dân địa phương về kỹ thuật nuôi bò sữa, rồi cung cấp giống, thức ăn để họ nuôi gia công và thu mua sữa trở lại. Với hình thức nuôi gia công, người dân có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/con bò/tháng, ổn định cuộc sống” – bà Mai thông tin.

Cùng với kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các trang trại bò: Nông Trại Xanh (Vĩnh Phước), Sáu Đức (Vĩnh Gia), Hai Đức (Tân Tuyến), Khiết Thành (Lương An Trà), trại bò xã Tà Đảnh… quy mô từ 500 – 1.000 con/trang trại, Tri Tôn còn hỗ trợ gieo tinh bò Red Angus cho các hộ dân để lai tạo giống bò thịt chất lượng, phát triển theo quy mô hộ gia đình.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Đặc thù của Tri Tôn ngoài diện tích đồng bằng còn có ruộng trên, đất đồi núi. Khi cây lúa khó phát triển thêm về diện tích, địa phương định hướng nông dân thực hiện các mô hình liên kết trồng lúa chất lượng cao. Vụ hè thu 2014, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã phát triển được 1.365,5 héc-ta, còn Công ty Phú Lâm triển khai 200 héc-ta theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm, trụ sở tại huyện Phú Quốc, Kiên Giang) hợp đồng tiêu thụ lúa đặc sản Neàng Nhen của đồng bào Khmer và toàn bộ diện tích lúa mùa nổi trên địa bàn.

Trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả, Tri Tôn khuyến khích nông dân chuyển sang trồng màu, tập trung vào 4 nhóm màu chính: Mè đen - mè vàng, đậu phộng- đậu xanh, khoai lang lấy tinh bột và khoai cao. Theo ông Lý Văn Chính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, với giống mè đen mới là ADB1, LD1, nông dân trồng đạt năng suất từ 0,8-1,2 tấn/héc-ta, hiệu quả cao gấp 1,5-2,5 lần cây lúa.

Đối với 350 héc-ta đất ruộng trên không có nước tưới mùa khô, huyện chủ trương cho nông dân canh tác mè và đậu xanh – những loại cây màu chịu hạn tốt. Riêng 300 héc-ta đất ruộng trên có nước tưới nhưng hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, huyện quy hoạch cơ cấu sản xuất theo hướng 2 màu - 1 lúa.

Ngay cả diện tích đồng bằng, thay vì độc canh cây lúa 3 vụ, Tri Tôn đang chuyển dần theo cơ cấu xen 1 vụ màu ngắn ngày giữa 2 vụ lúa. “Trước mắt, huyện xây dựng một số mô hình điểm với diện tích từ 10-20 héc-ta/mô hình. Định hướng đến năm 2015, có 3 tiểu vùng chuyển đổi 30% và nhân rộng thêm 6 mô hình chuyển đổi 15-20% diện tích sang trồng màu.

Đến năm 2020, trên 60% diện tích lúa hè thu của huyện sẽ chuyển sang màu”- ông Chính thông tin. Đến nay, nông dân các xã: Vĩnh Phước, Lương An Trà đã xây dựng được 65 héc-ta vùng trồng rau màu hữu cơ trên nền đất lúa mùa nổi, với các loại khoai mì, kiệu, khoai môn, cà tím, bí hồ lô… cho hiệu quả rất cao.

Tại ấp Tà Dung (xã Lương Phi), Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đã xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu và liên kết với nông dân trồng cây dược liệu cung ứng cho nhà máy, chủ yếu là rau tần dày lá. Theo chính quyền địa phương, nông dân tham gia trồng rau tần 2 vụ/năm mang lại nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/héc-ta, chưa kể lợi nhuận khi xen canh vụ lúa.

So với chỉ đơn thuần trồng lúa như trước đây, lợi nhuận này là lý tưởng. Ngoài Dược Hậu Giang, huyện Tri Tôn đang liên kết với nhiều doanh nghiệp khác để phát triển cây dược liệu trên núi Dài, núi Cô Tô – những nơi mà thổ nhưỡng được đánh giá rất tốt cho cây dược liệu.

Năm 2014 có thể xem là bước ngoặt thành công trong thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện miền núi Tri Tôn. Kinh tế phát triển cùng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, Tri Tôn có điều kiện chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách tốt hơn, làm tròn nghĩa vụ đối với những người có công tạo nên vùng đất anh hùng.

Năm 2014, dự ước tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Tri Tôn 12,89%, thu nhập bình quân đầu người 31,34 triệu đồng, tăng trên 3,2 triệu đồng (11,15%) so năm 2013.

Các lĩnh vực dạy nghề, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giáo dục, văn hóa-thông tin, thể dục-thể thao đều đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, địa phương luôn giữ ổn định tình hình an ninh biên giới, duy trì tốt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với huyện Kirivong (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia).


Related news

Chuyện Không Chỉ Của Người Trồng Mía Chuyện Không Chỉ Của Người Trồng Mía

Trên các ruộng mía xã Tân Đức (Hàm Tân - Bình Thuận), hiện nay nông dân đã thu hoạch xong vụ mía năm 2013 - 2014. Đất còn ẩm, các gốc mía đã bắt đầu nảy mầm. Đây là thời kỳ đồng mía cần người dọn đồng, chăm sóc xới gốc, làm cỏ... Thế nhưng, nhiều ruộng mía chỉ trơ những gốc, lá khô và vắng bóng người làm.

Wednesday. June 18th, 2014
Giá Heo Tăng Lại Lo… Thừa Thịt! Giá Heo Tăng Lại Lo… Thừa Thịt!

Vào những ngày trung tuần tháng 5, nhiều trại chăn nuôi ở khu vực miền Nam lại “lo không có heo để bán” vì giá đang lên ở mức rất cao. Với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg heo hơi, nhiều chủ trang trại đang lên kế hoạch tăng thêm đàn và điều này lại khiến cho nhiều người lo ngay ngáy vì nuôi nhiều sẽ ế vì thừa?

Thursday. May 22nd, 2014
Hợp Sức Chống Hạn Hợp Sức Chống Hạn

Mới đầu mùa khô nhưng tình trạng hạn hán đã đến mức báo động. Hàng ngàn hécta lúa đứng trước nguy cơ chết cháy, hàng nghìn người đang gấp gáp căng sức chống chọi với hạn hán.

Wednesday. June 18th, 2014
Mô Hình Trồng Cây Tam Thất Ở Xã Ninh Ích (Khánh Hòa) Mô Hình Trồng Cây Tam Thất Ở Xã Ninh Ích (Khánh Hòa)

Xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa phương có nhiều vùng đất cát, trồng hoa màu kém hiệu quả. Tận dụng những vùng đất nhỏ, trồng hoa màu không hiệu quả nhiều hộ dân ở xã Ninh Ích đã trồng cây tam thất để tăng thu nhập.

Thursday. May 22nd, 2014
Phát Triển Diện Tích Cây Trồng Chịu Hạn Ở Thuận Nam Phát Triển Diện Tích Cây Trồng Chịu Hạn Ở Thuận Nam

Cách đây 2 năm, anh về xã Phước Hậu, Phước Thuận (Ninh Phước) học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi 2 sào đất sang trồng táo. Năm 2013 cắt 3 lứa táo bán được hơn 100 triệu đồng, tính ra mỗi ha cho thu nhập 500 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Wednesday. June 18th, 2014