Cơn Lốc Bỏ Cao Su, Trồng Sắn
Mủ cao su 2 năm trở lại đây liên tục giảm. Người trồng cao su lại đua nhau chặt bỏ vườn cây được mệnh danh là “vàng trắng” để chuyển sang những cây trồng khác, như mì, mía.
Do giá mủ cao su trên thị trường giảm mạnh, trồng cao su không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ nên nhiều hộ ở Tây Ninh đã chặt bỏ cây cao su chuyển sang trồng mì (sắn) nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Tây Ninh, toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha cao su bị chặt bỏ. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Châu gần 700 ha; Tân Biên trên 400 ha. Diện tích cao su bị chặt bỏ có độ tuổi từ 5 tuổi trở xuống khoảng 200 ha, số còn lại là cao su đã cho khai thác từ 10 năm trở lên, do năng suất thấp hoặc già cỗi sắp đến thời gian thanh lý.
Gia đình anh Nguyễn Hữu Tính, ngụ ấp Hội Thắng, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu có gần 3 ha cao su. Hơn nửa diện tích là cao su 9 năm tuổi, số còn lại là cao su 4 năm tuổi. Trước tình hình giá cao su xuống thấp, anh Tính chặt bỏ cao su 4 năm tuổi để chuyển sang trồng mì.
Anh Tính cho biết, lý do chặt bỏ cao su non sau khi đã đầu tư 40 triệu đồng tiền giống, phân bón, công chăm sóc: “Đất của mình cũng ít, xung quanh người ta trồng cao su, rợp qua đất mình, buộc mình phải trồng theo. Lúc đó thấy giá cao su cũng có ăn, nên trồng.
Nhưng nay giá thế này thì lỗ, phá cao su trồng mì để có tiền ra tiền vô. Mì năng suất cao, lãi nhiều. Năm rồi 1ha bán 135 triệu đồng, trong khi chỉ đầu tư 40 triệu đồng, họ lời khoảng 90 triệu đồng”.
Cách đây 4 năm, khi giá cao su tăng cao, người dân Tây Ninh đổ xô trồng cao su, trồng trên cả diện tích mà ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên trồng. Đó là đất ruộng. Diện tích cao su tăng đột biến.
Thời điểm bấy giờ, nhà nào ít thì có vài công đất trồng cao su, nhà nhiều tiền thì mua vài mẫu đất trồng cao su. Cây cao su trở thành câu chuyện bàn luận thường xuyên của mỗi người khi có dịp gặp nhau.
Nhưng rồi, bao dự định đã tan theo mây khói, mủ cao su 2 năm trở lại đây liên tục giảm. Người trồng cao su lại đua nhau chặt bỏ vườn cây được mệnh danh là “vàng trắng” để chuyển sang những cây trồng khác, như mì, mía.
Hiện tại giá mủ cao su chỉ hơn 24 triệu đồng/tấn, người trồng cao su vội vã chặt bỏ vườn cây, chuyển sang trồng mì. Nhưng khi được hỏi, liệu có sợ cây mì cũng rơi vào trường hợp như cây cao su hiện nay, người dân lại cho rằng, khi đó sẽ bỏ mì và chuyển sang trồng cây khác.
Nghĩa là, cây nào có giá cao vào từng thời điểm là đua nhau trồng, chấp nhận rủi ro, được ăn cả ngã về không. Một cách làm thiếu bền vững của nhà nông trong cơ chế thị trường hiện nay!
Xã Tân Hiệp là địa phương có phần lớn số dân thu nhập chính từ việc trồng cao su. Toàn xã có 2.000 ha cao su, một nửa diện tích thuộc về NT Cao su Tân Hiệp, số còn lại là của người dân trong xã. Nhưng khi giá mủ cao su xuống thấp, trong một thời gian ngắn, có gần 10 ha cao su bị chặt bỏ. Phần lớn là cao su non.
Tuy nhiên, đây mới là số diện tích đã khảo sát của địa phương, còn thực tế, diện tích cao su chặt bỏ tại Tân Hiệp cao hơn nhiền lần số liệu thống kê. Khi dân đua nhau chặt cao su, chính quyền địa phương không có thẩm quyền can thiệp, chủ yếu vận động, tuyên truyền nhân dân cố gắng giữ vườn cao su.
Nếu không thành công trong việc hạn chế tình trạng chặt bỏ cao su, thì xã Tân Hiệp sẽ định hướng cây trồng khác phù hợp hơn.
Ông Đào Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu cho biết: “Chúng tôi cũng động viên nhân dân chuyển sang trồng cây ngắn ngày, như mì. Trên địa bàn xã có 2 nhà máy chế biến tinh bột mì, là Công ty TNHH Việt Úc, Công ty TNHH Việt Mã, nên khi dân phá bỏ cao su, thì động viên họ trồng mì cung ứng cho nhà máy, đảm bảo đời sống của nhân dân trên địa bàn xã”.
Dù biết rằng, phá bỏ cao su, sẽ dẫn đến thiệt hại về kinh tế gia đình khi đã bỏ quá nhiều công sức, tiền của, thời gian chăm sóc, song gần đến ngày khai thác, giá cả giảm mạnh. Mọi người xung quanh đua nhau chặt bỏ cao su, nên không ít hộ dao động, chặt bỏ luôn.
Theo người trồng cao su, cây cao su từ 10 năm tuổi trở lên, vốn đầu tư hàng năm tuy ít hơn và năng suất đạt mức 1,5 tấn/ha, nhưng sau khi khai thác trừ chi phí, với giá hiện tại thì nông dân từ lỗ tới hòa vốn.
Related news
Gia đình anh Lê Băn Bực ở ấp Long Phú, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chuyên làm nghề trồng nấm rơm. Mỗi năm sản xuất ít nhất 5 vụ nấm, nhưng từ tháng 10/2014 đến nay, anh đã tạm dừng công việc trồng nấm rơm để chuyển sang trồng dưa hấu với lý do nấm rơm thường bị mất mùa dẫn đến thua lỗ.
Năm 2015, toàn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) xuống giống được 59ha gừng, tập trung nhiều ở các xã Phương Bình, Hòa An, Kinh Cùng và Hiệp Hưng… đến nay đã thu hoạch khoảng 4,5ha. Sau khoảng thời gian dài giá gừng đứng ở mức cao trung bình từ 40.000 - 45.000 đồng/kg thì đến nay giá gừng chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg.
Nhiều năm nay, rau củ an toàn là một vấn đề được rất nhiều người tiêu dùng cũng như các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hiện diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn rất hạn chế; người trồng rau chưa thực sự mặn mà đầu tư cho sản phẩm này.
Cách đây khoảng 5 năm, khi giá cao su tăng cao, nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đổ xô chặt điều trồng cao su. Nay, nhiều nông dân lại chặt cao su trồng tiêu, điều… trong khi các loại cây công nghiệp lâu năm đầu tư chi phí nhiều, chắc gì đến khi thu hoạch sẽ không có một loại cây khác lên ngôi. Hiểu được quy luật đó, từ nhiều năm qua, nhiều nông dân vẫn thủy chung với cây điều, làm giàu từ trồng xen trong vườn điều.
Anh Trần Văn Hiệu, ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là chủ của một trang trại chăn nuôi gà với doanh thu gần 3 tỷ đồng/tháng do mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.