Coi Trọng Đầu Tư Chiều Sâu, Nâng Cao Chất Lượng Và Giá Trị Tôm Giống Bình Thuận
Tôm giống Bình Thuận là sản phẩm lợi thế, trong thời gian qua tình hình sản xuất, tiêu thụ tôm giống tiếp tục có những chuyển biến tiến bộ. Sản lượng tôm giống tăng khá nhanh, năm 2013 đạt 17,5 tỷ post, năm 2014 tăng lên 28 tỷ post, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 28%/năm.
Chất lượng, thương hiệu tôm giống ngày càng nâng cao và tiếp tục được giữ vững. Năng lực sản xuất và tiêu thụ tôm giống tăng, nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp, mở rộng qui mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ…; nhờ đó, doanh thu, đóng góp ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Ý thức chấp hành các quy định về quản lý giống thủy sản, qui trình kỹ thuật sản xuất của các cơ sở sản xuất tôm giống có chuyển biến tiến bộ, chấp hành tốt việc khai báo kiểm dịch, đảm bảo chất lượng tôm xuất bán, quan tâm hơn đến lợi ích chung của cộng đồng.
Tuy nhiên, Hiệp hội Tôm giống tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần quan tâm tháo gỡ, đó là: Ngành nghề sản xuất tôm giống đang đứng trước triển vọng phát triển tốt, nhưng các vấn đề có liên quan đến điều kiện tự nhiên, môi trường, sự cạnh tranh và thị trường tiêu thụ vẫn tiềm ẩn rủi ro, bấp bênh trong sản xuất tôm giống, cần sớm được nhận ra để có biện pháp khắc phục kịp thời. Sản xuất, kinh doanh tôm giống còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ.
Các mô hình tổ chức liên kết còn hạn chế, thiếu chặt chẽ; trong Hiệp hội Tôm giống còn chưa tạo được thống nhất cao để vừa bảo vệ quyền lợi, vừa tạo sự phát triển vươn lên của các thành viên. Ý thức chấp hành các quy định về sản xuất và tiêu thụ giống thủy sản ở một số cơ sở còn chưa cao, vẫn còn tình trạng xuất bán tôm giống không khai báo kiểm dịch đầy đủ, giảm số lượng so với thực tế, chất lượng không đảm bảo…
Trước tình tình trên, để tiếp tục phát huy ngày càng tốt hơn tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ tôm giống, tạo điều kiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống mở rộng qui mô sản xuất theo hướng tập trung, hình thành vùng nuôi công nghiệp; chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị; giữ vững uy tín, thương hiệu tôm giống Bình Thuận. Trong thời gian tới, tỉnh đã chỉ đạo:
Phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định về quản lý sản xuất và tiêu thụ tôm giống, nhất là việc nâng cao chất lượng tôm giống bố, mẹ; đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường và phòng chống dịch bệnh, giữ vững và nâng cao chất lượng tôm giống xuất bán; phải quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng, tránh chạy theo lợi nhuận thuần túy.
Từng thành viên trong Hiệp hội Tôm giống phải gương mẫu chấp hành, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm.
Tổ chức nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng nuôi tôm thịt, sản xuất tôm giống và tôm bố mẹ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Rà soát lại quy hoạch vùng nuôi, đánh giá tác động môi trường do ảnh hưởng của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân để có kế hoạch chủ động trong việc phòng tránh hoặc di dời khi cần thiết.
Phải bằng nhiều hình thức, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công Khu quy hoạch sản xuất tôm giống tập trung tại xã Chí Công – huyện Tuy Phong, ưu tiên bố trí cho các cơ sở sản xuất tôm giống ở xã Vĩnh Tân có nhu cầu di dời và thu hút những dự án đầu tư sản xuất tôm giống công nghệ cao; hạn chế thấp nhất số lượng cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh tôm giống do không thuộc vùng quy hoạch.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học - công nghệ; trước hết là khâu tôm giống bố, mẹ; qui trình sản xuất; kỹ thuật quản lý chăm sóc và các biện pháp bảo vệ môi trường; phòng, chống dịch bệnh;… chú ý triển khai, ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học về sản xuất tôm giống có tính khả thi cao và các mô hình sản xuất tiên tiến.
Xây dựng, củng cố các hình thức tổ chức trong sản xuất, kinh doanh tôm giống theo hướng tiên tiến, phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Tôm giống tỉnh trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, định hướng thị trường trong sản xuất, tiêu thụ tông giống của tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Tăng cường đúng mức công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ tôm giống, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa phòng chống dịch bệnh; không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng; đồng thời phối hợp với các tỉnh để triển khai thực hiện các quy định về quản lý giống thủy sản cho phù hợp và đồng bộ giữa các tỉnh trong khu vực.
Quan tâm triển khai, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống của tỉnh được hưởng đầy đủ các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhanh và thuận tiện nhất.
Tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ kỹ thuật; đồng thời nghiên cứu đầu tư nâng cấp trang thiết bị tạo điều kiện cho Trạm xét nghiệm – Kiểm dịch thủy sản Vĩnh Tân đạt chuẩn, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; giải quyết cơ bản những vấn đề đặt ra.
Related news
Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học Balasa N01 ở tỉnh đã được nông dân quan tâm và ứng dụng nhiều bởi lợi ích đem lại của nó. Việc sử dụng đệm lót sinh học cho chăn nuôi heo đã góp phần làm giảm thải tối đa nguy cơ ô nhiễm và hiệu quả tốt đối với môi trường nhờ hệ vi sinh vật có lợi giúp phân hủy gần như triệt để chất thải. Từ đó làm giảm mùi hôi, bảo đảm môi trường sống có lợi cho vật nuôi và an toàn cho sức khỏe con người.
Tôm nuôi VietGAP nhanh lớn (do mật độ vừa phải), màu sắc đẹp, tỷ lệ sống cao, không bị bệnh, năng suất đạt 15 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, tôm nuôi VietGAP, có giá bán cao hơn tôm nuôi thường 12.000 - 15.000 đồng/kg vì hạn chế hoặc không dùng kháng sinh, do vậy đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu dễ dàng.
Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng, giá cá bổi hiện đang xuống thấp so với năm trước. Vì vậy, nhân rộng mô hình nuôi phải có giải pháp về đầu ra ổn định, cũng như có chính sách hỗ trợ vốn. Hướng đi này không chỉ tạo ra nguồn thu nhập kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động nông thôn mà còn khôi phục nguồn lợi cá đồng.
Do thị trường hay biến động và chi phí ngày một tăng cao, vì thế anh Đường tìm tòi, áp dụng cách nuôi trăn trên ĐLSH và cho kết quả khả quan. Anh Đường cho biết: “Tôi nuôi trăn gần 20 năm, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong việc chăn nuôi, nhưng thấy loài này vẫn thường bị mắc một số bệnh như đẹn miệng, sưng phổi, hô hấp… dẫn đến lợi nhuận không cao và tốn nhiều thời gian chăm sóc nên không nuôi được với số lượng lớn”.
Việt nhập ồ ạt khoai tây Trung Quốc về địa phương, rồi “phù phép” thành khoai tây Đà Lạt và bán với giá thấp, không chỉ gây xáo trộn thị trường, mà đây là hành vi lừa đảo người tiêu dùng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu khoai tây Đà Lạt. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý triệt để.