Cơ hội phát triển nghề nuôi cá dìa
Cá dìa là một đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao ở Thừa Thiên Huế và Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nguồn giống cá dìa hoàn toàn được đánh bắt từ tự nhiên và ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, 10 năm trở lại mặc dù đã có nhiều nghiên cứu ở Việt Nam về sinh sản nhân tạo và ương giống loài cá này nhưng vẫn chưa có công trình nào thành công vì ấu trùng cá dìa rất khó ương nuôi so với các loài cá khác như cá mú, cá hồng, cá vược... Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn này, ThS. Lê Văn Bảo Duy đã tiến hành nghiên cứu về cá dìa.
Thất bại không nản
Bắt đầu từ tháng 9/2013, ThS. Lê Văn Bảo Duy và nhóm nghiên cứu bắt tay vào nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá dìa với quy mô lớn. Để triển khai đề tài này, anh áp dụng quy trình nghiêm ngặt từ việc lấy và xử lý nguồn nước, chọn giống, nuôi vỗ cá bố mẹ, sản xuất thức ăn và phòng trừ dịch bệnh cho cá ở các giai đoạn phát triển khác nhau. “Cá dìa là một đối tượng rất khó, hơn nữa điều kiện thời tiết ở Huế rất khắc nghiệt, dịch bệnh tràn lan và việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã gây khó khăn trong giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu, ThS.Duy cho biết.
Tuy nhiên, thuận lợi trong quá trình nghiên cứu là đề tài được thực hiện tại Trung tâm nghiên cứu Thủy sản Phú Thuận (Phú Vang). Đây là cơ sở nghiên cứu của Trường đại học Nông Lâm Huế với trang thiết bị khá hiện đại và đầy đủ. Sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Trường đại học Nông Lâm Huế và Khoa Thủy sản; sự giúp đỡ của các giáo sư, tiến sĩ từ Bỉ, Nhật Bản và những công nghệ mới của họ là thuận lợi lớn để Duy triển khai đề tài này”.
Mỗi năm, ThS. Duy dành hơn một nửa thời gian để nghiên cứu cơ bản ở Bỉ, sau đó áp dụng những kết quả nghiên cứu vào điều kiện ở Việt Nam. Ngoài ra, những kiến thức từ khoá tu nghiệp ngắn hạn tại Nhật Bản và Philippines giúp anh có thêm nhiều kiến thức hữu ích cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu về cá dìa. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi có được, để đi đến thành công hôm nay là cả một quãng đường dài với nhiều khó khăn và nỗ lực kiên trì theo đuổi nghiên cứu của Bảo Duy.
“Trong suốt năm 2014, mình đã hoàn toàn thất bại trong việc ương nuôi, cho đẻ nhiều lần và cá chết 100% chỉ sau vài ngày. Giai đoạn này, mặc dù Duy không nản nhưng các bạn sinh viên làm cùng với mình thì nản. Một số bạn dừng làm việc hoặc chuyển đi nơi khác. Duy phải động viên các bạn còn lại rất nhiều để tiếp tục nghiên cứu”, ThS. Duy kể. Quay lại Bỉ vào cuối năm 2014, ThS.Duy quyết định nghiên cứu theo hướng thay đổi hoàn toàn quy trình nuôi để áp dụng cho năm 2015 và thành công đã đến.
Mong muốn bà con chủ động nguồn giống cá dìa
Sau gần hai năm triển khai, ThS. Duy và nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa quanh năm với tỉ lệ sống cao và ổn định. Nhóm đã tìm ra được điều kiện môi trường tối ưu, khẩu phần ăn hợp lý và biện pháp xử lý hiệu quả đối với dịch bệnh xảy ra trong suốt quá trình ương nuôi. “Quy trình nuôi mà Duy áp dụng hoàn toàn bằng công nghệ vi sinh và không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong xử lý nước và ương nuôi nên có tính bền vững cao. Thức ăn của ấu trùng được sản xuất dựa trên những công nghệ mới nhất đang được áp dụng tại Bỉ và Nhật Bản. Hiện, đề tài đã thành công trong việc cho nuôi vỗ cá bố mẹ trong bể, sử dụng thức ăn công nghiệp; cho đẻ quanh năm; ương nuôi đến giai đoạn cá có khả năng làm giống để nuôi thương phẩm”, ThS. Duy cho hay.
Về kết quả đề tài nghiên cứu mà mình đeo đuổi thực hiện suốt hai năm qua, ThS. Duy cho rằng: “Đây là đề tài đầu tiên Duy chủ trì và dành hầu hết thời gian cho nó. Mình rất tâm đắc với kết quả nghiên cứu đạt được vì nó xuất phát từ thực tiễn và có tiềm năng được ứng dụng rộng rãi, giúp bà con nông dân có nguồn giống chủ động để nuôi quanh năm, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào cá giống tự nhiên (vốn chỉ xuất hiện 1 lần vào tháng 8 trong năm) và đang ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, Duy vẫn đang đeo đuổi mục tiêu tiếp theo, đó là nâng cao tỉ lệ sống và giảm chi phí sản xuất. Hiện, Duy đang thực hiện ở quy mô thí nghiệm với số lượng cá sản xuất ra chưa nhiều, giá thành còn khá cao. Từ nghiên cứu cho đến thực tiễn vẫn còn phải trải qua quá trình hoàn thiện quy trình nuôi thương mại. Trong thời gian tới, mình sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương pháp nuôi quy mô lớn và để giảm giá thành con giống, từ đó người dân có thể mua được con giống giá cạnh tranh so với con giống tự nhiên”.
ThS. Lê Văn Bảo Duy đang theo học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ. Đề tài nghiên cứu Sinh sản nhân tạo cá dìa tại Thừa Thiên Huế là một phần trong luận văn tiến sĩ của Duy với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phước, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông Lâm Huế. Đề tài được tài trợ chính bởi dự án VLIR-IUC giữa Đại học Huế và Đại học Ghent (Bỉ), và dự án ACCCU (Hà Lan).
“Trường đã xác định phương hướng hoạt động khoa học công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn sản xuất và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; nghiên cứu khoa học phải đi đôi với hoạt động chuyển giao sản phẩm nghiên cứu, quy trình công nghệ để kết quả nghiên cứu đi vào thực tiễn cuộc sống. Sinh sản nhân tạo cá dìa là hướng nghiên cứu theo định hướng đó. Thành công của đề tài có ý nghĩa quan trọng, mở ra triển vọng trong việc cung cấp con giống quanh năm cho bà con nông dân tỉnh nhà...” (PGS.TS.Lê Văn An, Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm Huế)
Related news
Những năm gần đây, người nuôi thủy sản ở Tiền Giang đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (SX) nhằm đạt năng suất chất lượng, hiệu quả và phát triển theo hướng ổn định bền vững. Đồng hành với sự phát triển đó phải kể đến vai trò rất lớn của hoạt động khuyến ngư, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế của tỉnh.
Mặc dù nguồn lợi thủy sản Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung khá dồi dào, tuy nhiên, ngư dân ở đây vẫn chưa thể tận dụng để làm giàu. Vậy nguyên nhân vì đâu?
Theo số liệu thống kê của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), diện tích nuôi tôm trên toàn huyện chủ yếu tập trung ở 3 xã Hải Lạng, Đông Ngũ và Đông Hải. Trong đó so với năm 2014, trong khi diện tích nuôi ở xã Hải Lạng giữ nguyên như cũ là trên 680ha thì ở 2 xã còn lại đều tăng mạnh: Đông Ngũ tăng gấp 3 lần với 28ha; Đông Hải tăng gấp 10 lần với 100ha.
Quý I, tổng sản lượng thủy sản đạt 130 ngàn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ; diện tích nuôi tôm công nghiệp đến nay là 8.707ha, tăng 556ha so với đầu năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 174 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ.
Chuyện chỉ có ở Củ Chi: "ép" nông dân tiêm phòng cho bò thì mới thu mua sữa; ai nuôi bò nhiều được hỗ trợ tiền làm chuồng, hầm bi-ô-ga; hỗ trợ 50% kinh phí khi người nuôi bò mua máy vắt sữa, máy cắt cỏ...