Cao Su Vẫn Là Cây Trồng Chủ Lực
Mặc dù giá mủ cao su liên tục giảm mạnh từ đầu năm đến nay nhưng nhìn chung, bà con nông dân trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh vẫn giữ vườn cây. Diện tích cao su chặt phá đến nay khoảng 430 ha, tuy nhiên phần lớn là thanh lý vườn cây già cỗi và tái canh; ngoài ra còn có 119 ha cao su chuyển sang trồng cây ăn trái.
Giúp nông dân ổn định vườn cây
Diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng trong thời điểm giá mủ liên tục xuống thấp như hiện nay. Do đây là loại cây trồng có thể khai thác mủ, lấy gỗ và thay thế cây rừng nên có lợi ích kinh tế lâu dài so với một số cây trồng khác. Hơn nữa, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở Bình Dương rất phù hợp cho sự phát triển của cây cao su. Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân trồng cao su.
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2013 diện tích cây cao su của tỉnh là hơn 133.155 ha, cho khai thác 108.484 ha; sản lượng đạt 194.849 tấn mủ quy khô. Thống kê đến tháng 9-2014, diện tích trồng cao su ở tỉnh đã tăng lên 133.662 ha, vượt 3.312 ha so với quy hoạch phát triển diện tích cao su của tỉnh đến năm 2015, vượt 2.916 ha so với quy hoạch đến năm 2020. Riêng cao su tiểu điền có 76.088 ha, năng suất đạt 18 tạ/ha.
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sở đã đề xuất cho vay ưu đãi trong nông nghiệp để giúp bà con có nguồn vốn chăm sóc, ổn định vườn cây. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, để các doanh nghiệp lớn đầu tư hỗ trợ phát triển vườn cao su.
Ông Nguyễn Tấn Bình cũng cho rằng, so với các loại cây trồng khác, cây cao su vẫn mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Ngoại trừ những vườn cây già cỗi, chất lượng quá kém, đối với vườn cây từ 400 - 450 cây/ha, đạt sản lượng từ 70 - 80kg và độ mủ trên 300 so với giá thành hiện nay, người dân trồng cao su vẫn có lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha.
Trong tình hình giá thu mua mủ giảm mạnh như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con nông dân có thể giảm đầu tư phân bón hoặc bón phân một lần vào mùa mưa. Đối với vườn cao su kiến thiết cơ bản, cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh có hại đối với cây trồng.
Đối với cây ở thời kỳ kinh doanh nên chuyển chế độ cạo từ D2 sang D3, tức là từ 2 ngày cạo 1 lần chuyển sang 3 ngày cạo một lần thì mỗi tháng 5 ngày công lao động đã được tiết giảm, tương đương 750.000 đồng, qua đó vừa giảm sản lượng mủ khai thác vừa giữ cây phát triển chờ giá mủ tăng.
Đối với vườn cây tuổi lớn, già cỗi, giống không phù hợp, cho năng suất thấp cần thanh lý để trồng tái canh. Riêng những vườn cây nằm ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất ruộng, đất dốc không phù hợp, vườn cây sinh trưởng kém có thể chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trồng xen canh, kết hợp chăn nuôi
Trước tình trạng cao su xuống giá, thời gian gần đây nhiều nông dân đã kết hợp trồng cao su và chăn nuôi, trồng xen canh, tiếp tục đặt niềm tin vào sự hồi phục của cây cao su.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp ở xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng, đã mạnh dạn đầu tư vốn mở trang trại nuôi heo thịt ở cạnh vườn cao su cho biết, trước đây nguồn thu nhập của gia đình ông chủ yếu từ 5 ha cao su. Trước tình hình giá cao su giảm mạnh ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, ông đã vay vốn mở trại chăn nuôi heo thịt và đầu tư xây dựng trang trại trong vườn cao su.
Ông thực hiện khá tốt các quy định về diện tích nuôi, quy định về môi trường nhờ xử lý hầm biogas. “Cây cao su có tuổi thọ từ 25 - 30 năm và có giá trị khai thác lâu dài. Vì thế, không nên chặt bỏ cây khi giá đang sụt giảm bởi đầu tư trồng lại mất rất nhiều thời gian. Chỉ nên thanh lý những cây già cỗi, hiệu quả kinh tế không bảo đảm”, ông Hiệp chia sẻ.
Ông Giáp Quang Trung, nông dân ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo cho biết, gia đình ông vẫn chăm sóc 20 ha cao su hiện có. Đến nay cao su mất giá, tiêu trở lại thời “hoàng kim” khiến nhiều nông dân chặt cao su để trồng tiêu, nhưng gia đình ông vẫn kiên trì giữ vườn cao su.
Ông Trung cho rằng, giá nông sản biến động rất khó lường, nếu nông dân cứ chạy theo giá sẽ dễ sạt nghiệp. Tuy giá xuống nhưng nếu quyết tâm đầu tư chăm sóc, chủ động nhân lực thì trồng cao su vẫn bảo đảm được cuộc sống.
Nguồn bài viết: http://baobinhduong.vn/cao-su-van-la-cay-trong-chu-luc-a105364.html
Related news
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, năm 2014, toàn tỉnh giảm 3,7% hộ nghèo so với năm 2013. Mục tiêu giảm nghèo bền vững được thực hiện tích cực, đồng bộ, trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai tại địa phương, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, dự án Giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB)...
Trên thế giới, thực phẩm hữu cơ rất đa dạng, từ thực phẩm tươi, như: sữa, thịt, trứng, cá, rau quả... đến thực phẩm chế biến. Tại Việt Nam, sản phẩm hữu cơ phổ biến với người dùng chủ yếu là gạo, rau quả và một số loại thực phẩm chế biến nhập khẩu.
Theo kế hoạch, vụ ĐX năm 2014 - 2015 toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ xuống giống khoảng 205.000ha, tăng hơn 32.000ha so với cùng kì. Đến thời điểm hiện tại, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được hơn 74.000ha, tập trung ở các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tân Hồng.
Chỉ còn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, nhưng hiện nay các hộ trồng hoa ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đã tất bật xuống giống vụ hoa Tết. Nhiều nông dân cho biết, vụ hoa này có không ít nỗi lo do giá phân, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, tiềm ẩn sâu bệnh, mưa bão kéo dài và giá cả vẫn còn là ẩn số.
Khoảng 20 giờ, ngày 13/11/2014, anh Võ Văn Giang - ngụ ấp 1, xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) đang thăm đáy đặt trên sông Sở Thường đã phát hiện và bắt được con cá tra dầu nặng 135kg.