Cô Chủ Trang Trại Heo Rừng Miền Sông Nước
Ở miền Tây, vùng có nước ngọt quanh năm, hiện có nhiều mô hình chăn nuôi khá đặc biệt như nuôi hươu - nai lấy lộc nhung ở Bình Minh, nuôi cừu lấy lông ở Tam Bình, nuôi đà điểu ở Long Hồ, Vĩnh Long... Riêng vùng tây nam sông Hậu thuộc tỉnh Hậu Giang có một hộ chăn nuôi heo rừng với quy mô trang trại, mà chủ nhân lại là một cô gái chưa tròn 27 tuổi!
Từ TP. Cần Thơ đi theo Quốc lộ 1A khoảng 10 km đến gần thị trấn Cái Tắc, rẽ về ấp Thạnh Long, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chúng tôi phải băng đường vườn gần một cây số. Được bao lưới B40, trang trại nằm trong một khu vực thanh vắng, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng “ủn ỉn” hay “hộc hộc” của mấy chú heo.
Vóc dáng khá cao ráo, nước da ngăm ngăm khỏe mạnh, cô gái miệt vườn Văn Thị Ngọc Luyến vốn quanh năm chỉ biết làm cỏ vườn và chăm sóc cây cam, cây nhãn. Cây trái thua lỗ thì chuyển qua trồng mía, nuôi heo. Cuộc sống trên mảnh vườn chỉ 2,5 công (2.500 m2) của gia đình Luyến khá cơ cực...
Cách đây vài năm, tình cờ xem truyền hình nói về các mô hình chăn nuôi của bà con nông dân ở một số nơi Luyến chú ý đến con heo rừng. Sau khi bàn tính với gia đình, Luyến tự thân lặn lội, tìm hiểu kỹ thuật và thị trường, tham quan các trang trại nuôi heo rừng ở Tây Nguyên, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Phước, Bình Dương - khi ấy Luyến mới vừa qua tuổi 20!
“Năm 2004, tích góp tiền của gia đình, vay thêm ngân hàng, tổng cộng khoảng 100 triệu đồng, để mua lưới B40, mua cây, gạch, cát, xi măng để làm chuồng và mua heo giống... Lên tận Đăc Lăk mua về 5 con (4 cái, 1 đực), mỗi con nặng 25 kg, giá 10 triệu đồng/con”, Luyến nói.
Nhưng thời tiết ở miền Tây đâu giống như ở miền ngoài, nên heo bị “chối nước” và chết 3 con cái, chỉ còn lại 1 con đực, 1 con cái. Không nản chí, Luyến quyết định gầy giống bằng việc tiếp tục mua về vài con nữa... Cũng may là heo đã thích nghi được và phát triển thành bầy đàn.
Chuồng xây khá đơn giản, chỉ cần vài hàng gạch làm tường. Heo lớn, heo nhỏ để riêng, mỗi chuồng thả từ 5 đến 10 con. Từ vài con giống, nay Luyến đã có hết thảy 50 con giống, chưa kể heo tơ và rất nhiều heo con, heo lứa đang trong độ tuổi lớn.
Thức ăn thì dễ tìm: từ khoai lang, củ chuối đến chuối cây, rau và lục bình... Hàng ngày chúng ăn khoảng 50 kg khoai lang (2.000 đ/kg), tức khoảng 100.000 đ.
Mới học đến lớp 6 thì Luyến đã phải nghỉ học. “Nhà không khá giả gì vào thời đó nên mình phải bỏ học giữa chừng”, Luyến tâm sự. Vậy mà cô trình bày về những đặc tính của heo rừng giống như một kỹ sư thứ thiệt! Luyến cho biết: đặc tính của heo rừng là hoang dã, hung dữ, dễ tấn công người, nhưng nuôi riết heo quen hơi nên chịu đến gần những ai cho nó ăn thường xuyên; mỗi năm heo đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 con; thời gian mang thai là 3 tháng 10 ngày; làm chuồng nên chọn những nơi đất cao, thoát nước tốt, tránh gió lùa vì heo dễ bị ho cảm...
“Này nhé, heo mình đang nuôi ban đầu là heo đực rừng cho phối giống với heo cỏ, cho ra heo thế hệ F1 (heo con đen tuyền, chân thỉnh thoảng trắng, mặt nhăn, tai hơi to). Kế đến là chọn nái nền của thế hệ F1 tiếp tục đem lai giống với đực rừng, cho ra thế hệ F2 (đen tuyền hoặc lông vàng - sọc dưa dọc theo sườn, chân thỉnh thoảng trắng, bụng trắng). Nái nền F2 cho lai với đực rừng, cho ra thế hệ F3, hoàn toàn giống heo rừng (mõm hơi ngắn, sọc dưa toàn thân...). Thường bán thịt những con heo thuộc thế hệ F2 và F3”, Luyến giải thích.
Là con gái đầu lòng của ông Văn Tấn Sơn năm nay ngoài 50 tuổi, Luyến có một em trai ở nhà phụ giúp gia đình. “Luyến bán heo ở đâu?”, tôi hỏi. “Heo rừng hiếm thịt nên bán chạy lắm. Sau khi mình nuôi khá thành công, có nhiều người quanh vùng hỏi mua thịt, mua giống, bán không kịp”, Luyến bộc bạch.
Luyến cũng là một người kinh doanh giỏi. Một con heo giống nặng 10 kg, bán 4 triệu đồng/con. Thịt heo rừng hơi, giá 150.000 -180.000 đ/kg; thịt làm sẵn, 200.000 đ/kg. Quán thịt heo rừng của Luyến ở chợ Cái Tắc gần đó thì luôn đông khách. Luyến cho biết thêm: “Mô hình nuôi heo rừng, bán thịt và các món thịt heo rừng chế biến của mình khá khép kín. Với số heo hiện tại, cứ cách 2 - 3 ngày là xẻ thịt 1 con, phục vụ các món ăn cho quán. Heo nuôi được khoảng 5 - 6 tháng, nặng
30 - 35 kg, là xẻ thịt được...”.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, chi cục trưởng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, đã cho biết: “Cơ quan chức năng địa phương có cấp giấy chứng nhận và cấp sổ cho Luyến nuôi heo rừng - động vật hoang dã - để theo dõi và kiểm tra định kỳ hẳn hoi. Những con heo con ra đời thì Luyến thường xuyên bổ sung thêm danh sách cho đàn heo của mình, để cơ quan chức năng tiện việc quản lý...”.
Với một con heo nuôi 8 tháng tuổi (30 kg), Luyến bán được 5 - 6 triệu đồng, lãi khoảng 3 triệu đồng. Tính chung, đàn heo đang nuôi trị giá khoảng 250 triệu đồng. Tiền lãi từ quán heo rừng, Luyến thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm trong hơn hai năm qua. Luyến cho biết: “Trong năm tới, tôi sẽ mở rộng quy mô thêm 2.000 m2 nữa để nuôi heo rừng thịt”.
Related news
Thôn Di Tây nằm ở địa bàn thấp trũng của xã, chỉ độc canh về cây lúa, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy được điều đó, ông Trực luôn trăn trở tìm một hướng đi mới để phát triển kinh tế. Năm 2006, được Trung tâm Khuyến nông, lâm - ngư tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ vốn, tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi ếch thịt (giống ếch lai Thái Lan), ông mạnh dạn nuôi thử nghiệm.
Đến Đông Xuân thời điểm này, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cánh đồng ngập tràn màu trắng của hoa nhài. Dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng do đang vào mùa cao điểm thu hoạch hoa nhài nên ngay từ đầu giờ chiều, cánh đồng mẫu lớn của xã Đông Xuân đã đông nghịt người.
Đầu năm 2013, khi anh Lê Văn Tân mới đến lập trang trại tổng hợp ở thôn Đông Hà, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), có nhiều người ái ngại cho anh bởi đây là vùng đất “trồng lúa, lúa chết, trồng khoai, khoai ủng”, ai lại dại mang hàng trăm triệu đồng mà đổ vào đây đầu tư bao giờ, rồi cũng đến ngày bỏ đất mà đi thôi…
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, bà con nông dân trong tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân, chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Dưới cái nắng tháng 5 như đổ lửa, họ như quên đi nỗi vất vả, mệt nhọc bởi niềm vui được mùa.
Đến thời điểm này toàn tỉnh Cà Mau đã xuống giống dứt điểm trà lúa hè thu với hơn 36.600 ha. Tuy nhiên, sự thay đổi bất thường của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Cùng với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác đã và đang khiến lúa bị ảnh hưởng khá nặng.