Trở lại bám biển
Ông Phan Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết: “Phong Hải là địa phương có cơ cấu lao động 30% tham gia sản xuất biển. Toàn xã có 54 thuyền máy đánh bắt gần bờ với hàng trăm hộ dân tham gia. Thời gian gần đây, cùng với sự đầu tư mới tàu thuyền, ngư lưới cụ, một số nghề được mùa khai thác như nghề câu cá, lưới trích, lưới hai; sự xuất hiện trở lại của một số loài thủy sản khiến nhiều ngư dân quay về với nghề truyền thông đánh bắt trên biển của mình.”.
Gặp ngư dân Trần Đình Chớ (63 tuổi, thôn Hải Phú), khi ông vừa từ biển trở về, tất bật cùng những người thân trong gia đình vận chuyển thủy sản đánh bắt được “bán tươi” cho thương lái. Ông Chớ cho biết: “Đi biển gần bờ dù không làm giàu nhưng có thu nhập ổn định. Ra biển chuyến này tui trúng được hơn 1 tấn cá trích. Một số bán ở chợ khoảng 10 - 15 nghìn đồng/kg, số còn lại bỏ thẳng cho thương lái 7 - 8 nghìn đồng/kg.
Một chuyến “trúng” tui chia lợi nhuận cho thêm 2 bạn thuyền, còn lãi được vài triệu đồng, còn bình quân thì kiếm được 5 - 7 trăm nghìn đồng/ngày.” Ông Chớ vốn con nhà ngư nghiệp, trước giải phóng đến năm 1990, gia đình ông cũng là những tay đi biển có tiếng một thời ở vùng con nước bãi ngang.
Những năm đó ông kiên trì bám biển vừa mưu sinh vừa giữ nghề truyền thống cha ông. Thời gian sau vì điều kiện gia đình, ông không tham gia khai thác trên biển nữa mà chuyển sang làm nghề chế biến thủy sản. Năm 2013, ông mạnh dạn đầu tư 35 triệu đồng mua sắm thuyền máy 20CV, ngư lưới cụ mới để trở lại nghề biển.
Qua hai năm quay lại với nghề truyền thống, ông Chớ dần có thu nhập ổn định, có thể cải tiến tàu thuyền, sắm thêm ngư lưới cụ để tham gia các nghề đánh bắt mới gần bờ hiệu quả hơn.
Ông Chớ cho biết thêm, đánh bát cá gần bờ tuy đi ngắn ngày, cách bờ khoảng 20 hải lý nhưng gần như gia đình tham gia đánh bắt quanh năm. Đánh cá vụ nam từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 (âm lịch) chủ yếu cá nục; cá vụ bắc từ tháng 9 (âm lịch) đến tháng 2 (âm lịch) chủ yếu là cá trích.
Những loài thủy sản đánh bắt gần bờ tuy giá trị kinh tế không cao bằng đánh bắt xa bờ nhưng ngư trường đánh bắt thuận lợi, thị trường tiêu thụ ổn định, bà con rất yên tâm.
Ông Hoàng Thanh Phong (45 tuổi, thôn Hải Thành), một ngư dân tham gia đánh bắt vùng bãi ngang lâu năm cho biết: “Điều khiến bà con ngư dân phấn khởi là thời gian gần đây xuất hiện trở lại một số loài thủy sản như cá cơm và ruốc đã góp phần nâng cao sản lượng khai thác. Năm 2014, ngư dân Phong Hải trúng đậm mùa cá trích, cá nục.
Bình quân một chuyến ra khơi đánh bắt gần bờ, trừ chi phí ngư dân thu nhập được vài trăm nghìn đến một triệu đồng.” Trước đây, hộ ông Phong cũng ngưng khai thác nghề biển để tập trung nuôi trồng thủy sản trên cát. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ tích cực của địa phương, nhận thấy có thu nhập ổn định từ nghề đánh bắt gần bờ, ông Phong đầu tư bổ sung ngư lưới cụ để trở lại nghề biển truyền thống của gia đình.
Đồng hành cùng ngư dân
Ông Phan Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải thừa nhận thực trạng: “Trong thời gian dài, ngư dân Phong Hải không còn mặn mà với nghề biển, số thuyền, ngư lưới cụ giảm từng năm. Trước thực trạng đó, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đầu tư tàu thuyền, ngư lưới cụ trở lại với nghề truyền thống của mình.
Năm 2014, có 6 tàu thuyền được đóng mới là một tín hiệu vui.” Ngoài việc tiếp tục vận động Nhân dân tập trung đầu tư phương tiện, cải tiến nghề nghiệp, củng cố bổ sung ngư lưới cụ, chuyển đổi nghề khai thác phù hợp với ngư trường, xã Phong Hải cũng tập trung khuyến khích, hỗ trợ bộ phận ngư dân có tâm huyết với biển, toàn lực tích cực bám biển sản xuất, đầu tư tu sửa đóng mới thuyền máy và ngư lưới cụ, duy trì các nghề truyền thống.
Nhiều ngư lưới cụ đã đầu tư mới, cải tiến các loại lưới rê cao màn, lừ bẫy mực, lưới ghẹ khai thác có hiệu quả nên sản lượng 2014 đạt 900 tấn.
Năm 2014, Công ty Bảo hiểm dầu khí PVI Huế tài trợ 110 suất bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho ngư dân khai thác biển ven bờ. Để cho ngư dân yên tâm bám biển, địa phương Phong Hải đã tạo điều kiện xúc tiến việc ngư dân đăng ký vay vốn để cải hoán thuyền, sắm mới ngư lưới cụ.
Đến nay, đã có 5 hộ vay vốn với số tiền 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2015, địa phương sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng cho 10 ngư dân sắm lưới lừ bẫy mực. Nhằm phát triển nghề biển bền vũng, Phong Hải đã quy hoạch chi tiết xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp xã Phong Hải.
Năm 2015, xã tiến hành thực hiện quy hoạch các điểm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã tại 5 thôn với diện tích hơn 5ha. Đưa các hộ dân sản xuất và chế biến nước mắm vào khu quy hoạch để sản xuất. Đồng thời, Phong Hải đang tranh thủ các chương trình dự án tập huấn cách bảo quản, chế biến thủy sản. Hiện, trên địa bàn xã có 43 hộ chế biến và sản xuất nước mắm.
Trong đó, có Cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm Đảnh Vân đã đưa nước mắm Phong Hải “xuất ngoại”.
“Thời gian tới, Phong Hải sẽ vận động tăng lao động biển, phát triển mỗi thôn 2 - 3 thuyền máy. Tập trung đầu tư các mô hình sản xuất như câu mực ống, từ câu thủ công đến câu công nghiệp để nhân rộng mô hình, nghiên cứu chuyển đổi các ngành nghề phù hợp với vùng lộng bãi ngang.” ông Phan Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải.
Related news
Nhằm phát triển ngành trồng rau, hoa theo hướng an toàn, hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng trong tiến trình chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất theo hướng công nghệ cao, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao". Từ dự án này đã hình thành ba mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính.
Mới đây, tại Nghệ An, một trong những trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được Tổ chức Chứng nhận Global G.A.P. ConTrolUnion trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global G.A.P.). Trang trại của Vinamilk là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global G.A.P. chứng nhận và là 1 trong 3 trang trại đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P. của Châu Á.
Ông Tôn Thất Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết từ nay đến năm 2016, trung tâm sẽ triển khai dự án Xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất của các hộ trồng lan trên địa bàn tỉnh. Dự án có tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Đối tượng thực hiện dự án là các hộ trồng lan trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các hộ tham gia câu lạc bộ trang trại hoa lan.
Bảy tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 58,3% lượng táo từ Trung Quốc, 41,7% lượng táo từ Mỹ, Úc, New Zealand là thông tin Cục bảo vệ thực vật vừa đưa ra.
Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi bò lai Sind đã được người nông dân trong toàn tỉnh Quảng Bình “ưa chộng” vì không những thời gian sinh trưởng nhanh, ít bệnh tật, mà giá thành bán ra thị trường cũng cao hơn nhiều so với bò thường. Chăn nuôi bò lai được xem là hướng đi thích hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định cuộc sống cho người nông dân.