Clenbuteron
I. MỞ ĐẦU
Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu dinh dưỡng của con người không chỉ dừng lại ở chỗ đủ lượng, đủ chất mà còn phải quan tâm một cách nghiêm túc đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi hiện nay được coi là khá tùy tiện và chưa được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là đối với các loại thuốc bổ sung trong thức ăn.
Clenbuterol là một hormon tổng hợp thuộc họ beta-agonist. Trước tiên nó được dùng như thuốc làm giãn phế quản trong điều trị bệnh suyễn (Trần Thị Thu Hằng, 2000).
Khi dùng trên động vật với liều cao hơn liều điều trị có tác dụng đặc biệt là làm tăng khối cơ và giảm lượng mỡ dư thừa trong cơ thể.(Jerry, 1996).
Tuy nhiên, sự của tồn dư của chế phẩm này trong sản phẩm động vật lại gây những ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe người tiêu dùng.
Đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến sự tồn dư của clenbuterol trong thực phẩm xảy ra trên thế giới (FDA, 1998)
. Do đó nhiều nước trên thế giới đã cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng clenbuterol trong chăn nuôi, trong đó có Liên minh Châu Aâu, Mỹ và Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay hợp chất này vẫn được buôn qua mạng mà các dân buôn coi clenbuterol như là một “hormon mafia”.
Việc sử dụng các chất thuộc họ beta-agonist trong chăn nuôi đã được khởi xướng ở Mỹ vào những năm 90, sau đó lan rộng khắp thế giới.
Theo thăm dò thị trường thì chúng tôi được biết hiện nay hợp chất clenbuterol đang được các nhà chăn nuôi trong nước vẫn được sử dụng để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi nhằm lợi dụng những đặc điểm ưu việt của clenbuterol
Trước thực trạng sử dụng bừa bãi các chất bổ sung trong chăn nuôi thì việc tìm hiểu bản chất và ảnh hường của chất tồn dư là cần thiết.
Đồng thời cần quảng bá rộng kiến thức này đến các nhà chăn nuôi, giúp họ có ý thức hơn nữa trong việc sử dụng các chất bổ sung gây độc cho con người.
Mặt khác, trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và khi nước ta đang trên đường gia nhập vào WTO thì việc tồn dư thuốc bổ sung trong thức ăn sẽ là rào cản khắc nghiệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thịt và sản phẩm động vật.
2. ĐẶC TÍNH CỦA CLENBUTEROL
2.1. Tính chất
Clenbuterol là một chất kích thích thần kinh giao cảm thuộc nhóm ß – agonist.
Các chất kích thích thuộc nhóm ß – agonist được bào chế “bắt chước” theo adrenalin và noradrenalin trong cơ thể động vật.
2.2. Dược lực
2.2.1. Cơ chế tác động
Là một loại thuốc cường giao cảm có tác động kích thích receptor ß2 – adrenergic sẽ làm tăng hoạt tính adenylyl cyclase, dẫn đến tăng lượng AMP vòng, AMP vòng làm giảm cơ trơn phế quản, ổn định màng tế bào mast nên giảm tiết chất trung gian và kích thích cơ vân (gây run), tăng sự vận chuyển dịch nhày nhờ các lông trên đường hô hấp.
2.2.2. Chỉ định
Thường dùng trong các cơn hen suyễn cấp. Đối với hầu hết các trường hợp, chất chủ vận ß là thuốc làm giãn phế quản hiệu quả nhất hiện nay.
2.2.3. Tác dụng phụ – thận trọng
- Run (thường gặp), nóng nảy, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, loại kích thích ß1 gây độc cho tim, loại chọn lọc trên ß2 tránh được tác dụng này. Có sự dung nạp thuốc khi dùng dạng xông hít hay dạng uống do giảm số lượng hay giảm đáp ứng của receptor ß – agonist.
- Thận trọng ở các trường hợp có tiền sử loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp hoặc tiểu đường (Trần Thị Thu Hằng, 2000).
2.3. Tác động kích thích tăng trọng trên thú của Clenbuterol
Clenbuterol là một đại diện đặc trưng của nhóm ß -2 - agonist thường được dùng để kích thích những receptor ß ở mỡ và cơ trong cơ thể.
Clenbuterol có ảnh hưởng đặc trưng nhất trong nhóm ß – agonist vì nó có thể kích thích trên cả hai type 2 và 3 của receptor. Clenbuterol thật sự là một trong những thuốc tăng hiệu năng xây dựng cơ thể được hiểu sai lệch nhất.
Thật ra, ảnh hưởng của clenbuterol là giúp đốt cháy mỡ trong cơ thể thông qua việc tăng quá trình đồng hóa. Tác động này được thực hiện bằng cách làm tăng nhẹ nhiệt độ của cơ thể.
Nếu nhiệt độ cơ thể tăng lên 1oC thì cơ thể sẽ đốt cháy thêm 5% lượng calory dùng duy trì sự sống. Khi đó, cơ thể sẽ chống lại bằng cách cắt giảm bớt lượng tyroxin hoạt động trong cơ thể (Tomlinson, 2005)
Clenbuterol được sử dụng trong chăn nuôi với mục đích tăng tỉ lệ nạc trên gia súc, gia cầm thương phẩm (Jerry, 1996).
Ngoài ra, clenbuterol còn được cung cấp cho thú triển lãm để tăng vẻ đẹp của cơ bắp (Mitchell and Gloria, 1998) .
Trên tạp chí Chăn Nuôi số 5 năm 2005 có bài viết nội dung như sau: Cuối tháng 11 năm 2004, chị Lê Thị Đẹp, kỹ sư chăn nuôi- thú y ở quận Cái răng (Cần Thơ) mua thức ăn hỗn hợp gà sản xuất ngày 19/11/2004 và 29/11/2004 của công ty New Hope TP. Hồ Chí Minh và cho đàn gà đẻ 17 tháng tuổi ăn.
Bốn ngày sau, tỉ lệ gà đẻ tăng đột ngột – đạt 98% (tỉ lệ đẻ trước đó là 68-70%). Gà đẻ nhiều và chết dần. Đàn gà mái đẻ cho ăn loại thức ăn này cũng đẻ nhiều, có con ngày đẻ hai trứng.
Khoảng 20 ngày sau đàn gà chết hết. Chị Đẹp mang cho 10 con ngan và 3 con vịt ăn.
Chuyện lạ tiếp tục xãay ra, vịt đẻ trứng to dị thường, có 2 lòng đỏ, thậm chí có con vừa mới ấp lại bỏ tổ và tiếp tục đẻ.
Sau đó, chị Đẹp mang mẫu thức ăn sản xuất ngày 19/11/2004 đưa đến Trung tâm dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP. HCM để kiểm nghiệm. Kết quả cho biết trong thức ăn gà có chứa Clenbuterol với hàm lượng 137.05mcg/kg.
Kết quả tương tự cho 2 mẫu thức ăn được cán bộ quản lý của Cty đem phân tích từ 2 lô hàng trên, hàm lượng Clenbuterol là 149.46mcg/kg và 142 mcg/kg.
Như vậy theo mô tả của bài báo trên thì clenbuterol còn có tác động làm tăng tỉ lệ đẻ trên gà đồng thời gà cũng bị ngộ độc gây chết nếu sử dụng thức ăn có chứa clenbuterol với hàm lượng khoảng137.05mcg/kg.
2.4. Ảnh hưởng của sự tồn dư clenbuterol trong thịt lên người tiêu thụ
Ngoài những tác động mong muốn trên thú, clenbuterol lại có những tác động không mong muốn tác động một cách mạnh mẽ lên con người.
Sự tồn đọng của nó trong sản phẩm động vật lại gây hội chứng ngộ độc cấp cho người sử dụng.
Hội chứng ngộ độc này gồm các triệu chứng như: run cơ, tim đập nhanh, tăng huyết áp, căng thẳng, đau đầu, đau cơ, choáng váng, buồn nôn, ói, sốt và ớn lạnh (Mitchell and Gloria, 1998).
Trong thập kỷ qua, trên thế giới đã có nhiều báo cáo về tình hình ngộ độc clenbuterol xảy ra trên người:
-Đầu năm 1990 tại châu Aâu đã có một vụ ngộ độc thực phẩn liên qua đến việc tiêu thụ gan bò.
Và đến tháng 9 thì có một báo cáo đăng trên báo Lancet báo cáo về tình hình này.
Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến dư luận. Vì đây là bằng chứng đầu tiên cho việc quản lý thuốc dùng trong chăn nuôi đã gây nên triệu chứng ngộ độc cấp tính lên người tiêu thụ.
-Ngày 24/9/1990 tại Pháp có 22 bệnh nhân thuộc 8 gia đình đã bị ngộ độc.
-Năm 1991 có hai trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Tây Ban Nha.
-Năm 2004 một vụ ngộ độc ở Cần Thơ (VN) cũng đã phát hiện thấy clenbuterol trong thức ăn (Dương Thanh Liêm)
Chính vì những tác động không mong muốn này mà hiện nay clenbuterol đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi và rất nhiều nước trên thế giơi như Canada, Thụy sĩ, Netherlands (Ginkel and Bergwerff, 2004), Mỹ (Mitchell and Gloria, 1998)…
. Ở Việt nam BộNông nghiệp và phát triển nông thôn đã ký quyết định số 54/2002/QĐ-BNN, ngày 20 tháng 06 năm 2002, về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, và sử dụng một số hóa chất, kích thích tố trong đó có clenbuterol.
III. KẾT LUẬN:
1. Trong điều trị clenbuterol là thuốc điều trị bệnh hen suyễn giúp giãn phế quản
2. Trong chăn nuôi clenbuterol có tác động làm tăng khối cơ và giảm lượng mỡ dư thừa trong cơ thể
3. Đối với gà đẻ, clenbuterol có thể tăng tỉ lệ đẻ đồng thời gà cũng bị ngộ độc gây chết
4. Clenbuterol tồn dư trong thực phẩm có thể gây ngộ độc cấp cho người tiêu thụ thực phẩm này.
5. Hiện nay clenbuterol đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, các nhà chăn nuôi cần biết rõ điều này và các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý thích đáng đối với những sai phạm trong sử dụng chất bổ sung trong chăn nuôi.