Chuyện làm đường thần tốc ở thôn Ngầu 1

Ngầu 1 là thôn vùng 3 còn nhiều khó khăn của xã Võ Lao.
Do địa hình bao quanh, chia cắt bởi dòng suối Nhù, giao thông chưa thuận lợi, nên kinh tế bị kìm hãm phát triển.
Trước đây, đường vào thôn là đường đất, những ngày mưa xuống người dân phải bì bõm lội bùn mới ra được trung tâm xã.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2012, người dân thôn Ngầu 1 được Nhà nước hỗ trợ đổ bê tông tuyến đường vào thôn.
Là tâm tư, nguyện vọng từ lâu nên người dân nơi đây ra sức, đồng lòng để cùng nhau xây dựng tuyến đường trục chính, chẳng mấy chốc tuyến đường đã được hình thành, những ngày nắng, mưa người dân đều đi lại thuận tiện, việc giao thương cũng dễ dàng hơn.
Thế nhưng, do dân cư phân bố rải rác, tuyến đường trục chính từ thôn ra xã chỉ đi qua hơn 20 hộ dân trong thôn.
Những hộ dân khác nằm cách xa tuyến đường chính vẫn tiếp tục “điệp khúc” bì bõm với đất, ngày mưa phải dắt xe lội bùn về nhà.
Kiến nghị với chính quyền xã, năm 2015, tuyến đường nội thôn được nhất trí đầu tư đổ bê tông.
Tuy nhiên, việc vận động người dân khi đó không hề dễ bởi nhiều người vẫn còn suy nghĩ “đường đó không qua nhà tôi, chẳng mấy khi tôi đi qua đường đấy”.
Tuyến đường được đổ bê tông, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Anh Lự Văn Nâng vừa được người dân bầu làm Trưởng thôn vẫn đang loay hoay không biết phải làm thế nào bởi anh còn trẻ tuổi, việc vận động người dân có nhiều khó khăn.
Nhiều cuộc họp thôn được tổ chức, nhiều ý kiến được đưa ra.
Qua cuộc họp, Trưởng thôn giải thích cụ thể rằng xây dựng nông thôn mới không phải việc riêng của ai, không phải việc riêng của Nhà nước mà cần chính người dân thực hiện.
Rằng “có đường giao thông thuận tiện thì tư thương vào thu mua nông sản và người dân không bị ép giá.
Đường chính đã giúp nhau làm thì đường trong thôn cũng phải giúp nhau.
Với cách làm để người hiểu giải thích cho người chưa hiểu, sau vài lần họp thôn, việc giúp nhau làm đường cuối cùng cũng được thống nhất.
Khó khăn trong công tác vận động là thế, nhưng khi đã thống nhất, người dân thôn Ngầu 1 lại triển khai công việc nhanh đến bất ngờ.
Sau khi thống nhất, vì chỉ có 3 máy trộn, nên 81 hộ dân trong thôn chia thành 4 tổ, mỗi tổ có từ 18 - 20 người thay phiên nhau giải phóng mặt bằng, san đất, đổ bê tông tuyến đường nội thôn.
Chị Sầm Thị Trọng hồ hởi: “4 giờ 30 phút - 5 giờ, khu nhà tôi đã í ới gọi nhau đi làm, ai đến trước thì nổ máy lên, những người khác nghe tiếng máy đã nổ cũng khẩn trương người cuốc, người xẻng nối đuôi nhau đi làm”.
Tổ của chị Trọng chủ yếu là những hộ dân nằm ngay gần đường chính nhưng ai cũng nhiệt tình, những ngày mưa lâm thâm vẫn hối hả cùng nhau làm đến tối muộn.
Chị cười tươi: “Chẳng phải đường nhà ai đâu, đường chung của thôn, giúp nhau làm sau này có đi thăm hỏi nhau, có đi đám cưới cũng dễ hơn, chẳng lo ngã xe bẩn quần áo như trước đây nữa”.
Cũng với tinh thần ấy, từ sáng tinh mơ đến tối muộn, tuyến đường nội thôn Ngầu 1 luôn rộn ràng tiếng nói cười, tiếng máy trộn bê tông nổ giòn rã.
Tuyến đường cũng dần được hình thành, đất được san phẳng, những gốc cọ lớn quanh đường được chặt gọn.
Chỉ trong vòng 12 ngày, tuyến đường lầy lội dài 920 m hôm nào đã được đổ bê tông nhẵn mịn, rộng 2 m phục vụ cho khoảng 40 hộ dân trong thôn được đưa vào sử dụng.
Ngày tuyến đường hoàn thành, người dân thôn Ngầu 1 vui như mở hội.
Các hộ dân trong thôn mổ lợn, mổ dê ăn mừng vì có tuyến đường mới.
Nói về công trình “thần tốc” này, ông Hoàng Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Lao tự hào lắm: “Đây là tuyến đường được xây dựng nhanh nhất tại xã Võ Lao.
Người dân thôn Ngầu 1 cùng nhau làm đường mà không quản thời gian, thời tiết.
Tuyến đường là biểu hiện rõ nhất của việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới”.
Cũng bởi vậy mà nhiều người tại thôn Ngầu 1 gọi tên vui là “tuyến đường 12 ngày”.
Related news

Dù đang dịp nghỉ lễ nhưng tại thị xã Vĩnh Châu và TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, không khí “giải cứu” 50.000 tấn hành tím tồn đọng đang rất khẩn trương nhằm giúp nông dân thoát cảnh trắng tay, nợ nần. Tính đến ngày 30-4, sản lượng hành tím được “giải cứu” khoảng 1.000 tấn.

Bộ Nông nghiệp Úc mới đây đã có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi từ Việt Nam.

Cá rô phi được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là một trong 4 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cả nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh nghiệm nuôi cùng cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến tương đối tốt nên Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá rô phi.

Theo Quyết định số 1926/QĐ-UBND, ngày 18/12/2014 của UBND tỉnh về quy hoạch vùng sản xuất khoai lang đảm bảo an toàn thực phẩm tại các huyện trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, thì 3 huyện là Đắk Song, Tuy Đức và Đắk Glong là các địa phương được chọn trong vùng quy hoạch vùng sản xuất.

Vụ đông xuân 2014 - 2015, toàn tỉnh gieo trồng được 9.050 ha cây trồng các loại. Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, khi nắng hạn kéo dài, khiến vụ đông xuân đứng trước nguy cơ sụt giảm năng suất. Ðể ứng phó tình hình, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp đồng bộ các giải pháp để đảm bảo kết quả sản xuất vụ đông xuân.