Chuyển đổi cây trồng chống hạn
* Đậu xanh thu nhập gấp 2 lúa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng các sở, ngành của tỉnh đã có chuyến kiểm tra công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CCCT) chống hạn, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm chủ động điều hành, chỉ đạo SXNN.
Đã chuyển đổi 600/2.000 ha
Ông Võ Văn Hưng, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, từ cuối năm 2014 đã xuất hiện hạn hán kéo dài, SXNN và đời sống của một bộ phận dân cư ở địa phương này gặp muôn vàn khó khăn. Không có mưa quá lâu, cây cỏ chết, ruộng động khô toang hoác, không gieo cấy lúa được, người dân nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.
Dự báo được khó khăn trong SXNN, nên Sở đã sớm tham mưu cho UBND tỉnh quyết tâm chuyển đổi CCCT chống hạn và tìm ra mô hình thích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngay trong vụ ĐX 2014-2015, Quảng Trị đã thực hiện chuyển đổi CCCT và thu được kết quả khả quan.
Sang vụ HT 2015, nắng hạn càng trầm trọng, sau khi chủ động cân đối nguồn nước, tỉnh quyết định chuyển đổi 2.000/5.000 ha đất lúa không SX được do thiếu nước sang trồng cây đậu xanh và hoa màu sử dụng ít nước.
Phương châm được đặt ra phải làm chắc, có hiệu quả kinh tế, người dân có thu nhập nhiều hơn trồng lúa so với cùng một diện tích.
Tuy nhiên, thời tiết quá khắc nghiệt nên đất thiếu độ ẩm để trồng hoa màu, vì vậy vụ HT 2015, các địa phương đã chuyển đổi được 600/2.000 ha như kế hoạch ban đầu. Qua kiểm tra tại các huyện có diện tích chuyển đổi lớn như Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ... cho thấy đậu xanh, cây chủ lực của chuyển đổi, phát triển tốt, chịu được thời tiết khắc nghiệt.
Tại huyện Triệu Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Quang Giải cho biết, vụ HT 2015 đã chuyển đổi 175 ha lúa, rau màu vùng thiếu nước sang trồng đậu xanh. Bà con nông dân rất phấn khởi trước sự sinh trưởng và phát triển tốt của giống cây mới, một số nơi trồng sớm đã triển khai thu hoạch với năng suất dự kiến 50 - 70 kg/sào, thu nhập đem lại cho bà con 40 triệu đồng/ha, gấp 2 lần so với trồng lúa.
Hiện tại, huyện Gio Linh đã chuyển đổi được 46 ha đậu xanh trên vùng đất trồng lúa nhưng khô nước.
Tại huyện Hướng Hóa, ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 155 ha. Riêng cây cà phê, một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương thì đợt hạn hán kéo dài đã làm ảnh hưởng đến gần 4.000 ha, ước 35 - 45% diện tích cà phê trên toàn huyện có nguy cơ mất trắng. Các cây trồng khác như lúa, ngô, chuối, sắn... cũng bị thiệt hại trên dưới 70% diện tích...
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan tiếp tục tận dụng các nguồn nước có sẵn để khai thác hết diện tích canh tác. Vận động người dân kiểm tra hệ thống kênh mương nội đồng, khơi thông nguồn nước phục vụ SX, thực hiện việc chuyển đổi CCCT.
Huyện đã hỗ trợ 1 tỷ đồng cho các xã thực hiện khoan giếng, tạo nguồn nước cho người dân và xem đây là phương án lâu dài trong việc đảm bảo nước sinh hoạt.
Phát huy hiệu quả
Phân tích những kết quả và bài học rút ra trong quá trình thực hiện chuyển đổi CCCT chống hạn và sống chung với biến đổi khí hậu, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định cái được lớn nhất khiến người dân yên tâm là những diện tích được chuyển đổi sang trồng đậu xanh và hoa màu sử dụng ít nước đã cho năng suất, sản lượng cao. Việc chuyển đổi sang trồng đậu xanh chống hạn đã phát huy được hiệu quả gấp hai lần trồng lúa.
Kết quả này là cơ sở thực tiễn cho phương án chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng màu và tìm kiếm cây trồng thích hợp sống chung với biến đổi khí hậu, được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong SXNN. Thông qua chuyển đổi, kỹ thuật canh tác của người dân được nâng cao, từng bước nhận diện được cây trồng phù hợp để đưa vào bộ cây trồng phù hợp với ứng phó diễn biến thất thường của thời tiết.
Ông Đồng thừa nhận mặc dù công tác điều hành, chỉ đạo quyết liệt từ Sở NN-PTNT đến UBND tỉnh, nhưng do lần đầu tiên tiến hành chuyển đổi nên một bộ phận nông dân đã lúng túng trong việc thay đổi tập quán SX, gieo trồng cùng với điều kiện không có mưa nên diện tích chuyển đổi không đúng kế hoạch ban đầu dự kiến.
Ông Đồng giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở KH-CN triển khai nghiên cứu đề tài giàn tưới nước cho cây giống, phục vụ nhu cầu sử dụng nước lâu dài cho người dân. Ứng dụng công nghệ sinh học giúp cho cây trồng giữ được nước ở các vùng đất hạn.
Nhìn lại quá trình chuyển đổi, ông Hà Sỹ Đồng khẳng định, tỉnh Quảng Trị đã có những giải pháp kịp thời, tích cực trong chuyển đổi CCCT chống hạn để vừa nhằm mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cho nông dân, vừa tìm ra giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để sống chung với hạn, không thể không chuyển đổi CCCT. Những diện tích chuyển đổi thì cần ưu tiên chọn cơ cấu giống lúa, màu phù hợp, bố trí thời điểm gieo trồng đúng lịch thời vụ. Ưu tiên các loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao.
Để làm tốt công tác chuyển đổi trong thời gian tới, ông Hà Sỹ Đồng yêu cầu từng huyện, xã phải rà soát lại diện tích bị hạn, điều kiện thực tế về chất đất, nguồn nước để có định hướng, bố trí loại cây trồng phù hợp như đậu xanh, ngô.
Các địa phương phải quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, vì đây là vấn đề mới nên cần tập trung cao độ để làm chắc, ăn chắc, người dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp của tỉnh. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư, giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con yên tâm chuyển đổi.
Một điều lưu ý là các địa phương cần chủ động phối hợp với các đơn vị, DN để cung cấp thông tin, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, tránh tình trạng nông sản được mùa nhưng bị ép giá.
Related news
Sau khi thất bại với con cá rô đầu vuông, anh Phan Văn Khiêm, ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chọn nuôi cá trê vàng và bước đầu đã mang lại hiệu quả
Mặc dù còn trẻ nhưng Trần Văn Diên ở xã Cam Thành Nam (Cam Ranh - Khánh Hòa) đã trở thành điển hình trong việc lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương
Cá Dứa (Pangasius kunyit) là một loài cá da trơn sống ở vùng nước lợ. Với ưu thế là loài cá quý, từ lâu được người dân ĐBSCL cho là thịt thơm ngon hơn cá tra, cá basa nhiều lần. Nhu cầu tiêu thụ rất lớn, là món đặc sản ở các quán, nhà hàng. Vì vậy cá Dứa đã và đang là đối tượng nuôi có triển vọng trong tương lai ở vùng Nhà Bè và Cần Giờ
Hàng chục hộ nông dân ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế) đang rơi vào cảnh khốn đốn vì mua phải phân bón kém chất lượng, đã “giết” hàng chục ha lúa và hoa màu. Trong khi người dân kêu cứu nhiều nơi thì Công ty sản xuất phân bón lại im hơi lặng tiếng!
Bước sang đầu tháng 10, tôm sú thương phẩm ở Cà Mau thiết lập mặt bằng giá mới khi tăng bình quân 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Đây cũng là mức giá cao nhất tính từ đầu năm đến nay