Chuỗi Cung Ứng Giúp Nâng Cao Giá Trị Nông Sản
Do khâu sau thu hoạch yếu kém, hàng năm có khoảng 4,2 triệu tấn rau quả mất đi. Đó là thông tin được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Giáo sư Đại học RMIT (Úc) tính toán khi tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của rau quả lên đến 30% trong tổng số 14 triệu tấn rau quả sản xuất ra năm 2013.
Chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam ở đâu?
Đó là vấn đề được ông R.J Nissen, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Ag - Hort Quốc Tế đặt ra. Tỷ lệ nông sản hao hụt từ khi thu hoạch đến tay người tiêu dùng hiện nay rất cao, do từ lúc nông dân thu hoạch đến thương lái mua gom, vận chuyển, bán sỉ, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, mỗi khâu đều góp phần làm giảm chất lượng do bầm dập, trầy xước...
Ngay cả khi bày bán ở lòng lề đường cũng bị vi khuẩn xâm nhập, góp phần hao hụt sản phẩm nhiều hơn. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng cho rằng, để mặt hàng nông sản nào đó được an toàn và chất lượng phải chú ý ngay từ khâu giống, nước tưới, quá trình chăm sóc.
Hiện chúng ta quan tâm nhiều đến khâu thu hoạch, nhưng công đoạn quan trọng nhất lại chưa được chú ý là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu hình thành các chuỗi cung ứng nông sản để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu rau quả.
Cũng theo ông R.J Nissen, người tiêu dùng có xu hướng đến hệ thống siêu thị mua thực phẩm nhiều hơn, vì nơi đó tính an toàn đảm bảo hơn các chợ truyền thống, nhờ nơi đây có sản phẩm cung ứng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (sản xuất theo thực hành nông nghiệp tốt - GAP), truy xuất nguồn gốc.
Theo ghi nhận, tỷ lệ hàng hóa nông sản tiêu thụ ở kênh phân phối hiện đại này tăng bình quân 2%/năm, lên khoảng 26% trong năm 2013, trong khi chợ truyền thống giảm còn 74%. Mỗi tháng có khoảng 12 cửa hàng kinh doanh theo kiểu hiện đại này hình thành.
Yêu cầu của người tiêu dùng là thực phẩm phải an toàn, chất lượng và dinh dưỡng để xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Sự dịch chuyển sang kênh phân phối hiện đại là xu hướng tốt và là điều kiện để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng.
Theo ông Nissen, chỉ cần điều chỉnh một số thói quen chưa đúng như ném, ngồi lên nông sản hay để dưới đất là có thể cải thiện chất lượng. Tất nhiên, để hình thành chuỗi cung ứng nhằm giữ chất lượng, nâng cao giá trị ở mỗi công đoạn, từ khâu chọn giống đến sau thu hoạch đều phải có cách tiếp cận và tuân thủ theo những quy định cụ thể.
Theo Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Khu Nông nghiệp công nghệ cao, nhu cầu và yêu cầu của khách hàng giúp định hướng và hình thành các chuỗi cung ứng nông sản. Chuỗi cung ứng giúp tạo ra được nhiều giá trị gia tăng hơn cho nông sản, tạo cơ hội nâng cấp toàn bộ chuỗi.
Với cách làm này tất cả các khâu cùng có lợi, không tự cạnh tranh mà là cùng hiệp lực để có lợi nhuận tốt hơn. Đây là vấn đề còn khá mới nên cần tìm hiểu cách làm các nước.
Bài học từ Australia
Tuy lực lượng lao động nông nghiệp chỉ chiếm 4% lao động cả nước, khoảng 400.000 người, nhưng chỉ số tự cấp của Australia cao nhất thế giới. 1 nông dân Australia có thể nuôi 190 người, con số kỷ lục, cao hơn Mỹ. 65% mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản của Australia để xuất khẩu.
Do định hướng thị trường rất rõ nên tất cả mặt hàng nông sản đều tuân thủ chính sách hướng đến xuất khẩu. Trong đó, điều quan trọng là ngành nông nghiệp Australia đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng, trong đó chủ yếu ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, đây là một trong những bài học đáng để Việt Nam tìm hiểu.
Theo TS Nguyễn Quốc Vọng, sản phẩm nông nghiệp cho thị trường hiện nay cần sự tổng hợp của một chuỗi giá trị với mục tiêu sản phẩm cuối cùng phải có chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Mà chất lượng cao là kết quả của việc ứng dụng công nghệ vào từng khâu trong chuỗi cung ứng như giống, phương pháp canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến, bao bì, bảo quản, vận chuyển, thị trường và cuối cùng là người tiêu dùng.
Bao trùm lên tất cả là quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và quy trình chế biến tốt (GMP) để bảo đảm sản phẩm có chất lượng và an toàn vệ sinh.
Để thực hiện trôi chảy 2 yêu cầu này, Australia xây dựng một tổ chức để phát huy chính sách thúc đẩy khoa học và công nghệ vào từng khâu trong chuỗi giá trị nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản. Hoàn thiện chuỗi cung ứng, trong đó, quan trọng và chủ yếu là công nghệ sau thu hoạch, để đáp ứng yêu cầu chất lượng và ATVSTP cho thị trường.
Ai cũng biết, sản xuất nông sản liên quan đến các yếu tố đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước, lao động... để tối đa hóa hiệu quả kinh tế cho nông dân và các thành phần trong chuỗi giá trị như thương nhân, bán sỉ, bán lẻ... đều phải cùng duy trì chất lượng qua tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng.
Vì vậy ở Australia, nông sản mất mát sau thu hoạch thường khoảng 10%, cao lắm cũng chỉ 20%, còn ở Việt Nam con số này khoảng 25% - 30%. Như vậy, việc quản lý tốt khâu sau thu hoạch sẽ giảm thiểu hao hụt, duy trì chất lượng cao qua suốt chuỗi cung ứng, mang lại lợi ích đáng kể cho người sản xuất.
Related news
Tỉnh Tiền Giang, phong trào đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nông dân và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Nhờ đó, chủ động được mùa vụ thu hoạch, năng suất, sản lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trước tình trạng cau trồng bị hái trộm trái, nhiều người dân ở vùng "thủ phủ" cau - huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) phải dựng chòi để gác, một số khác còn dán "bùa" nhờ "thần rừng" canh giữ.
Nhìn nhận 30 năm đổi mới, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị đã nhắc lại những con số cực ấn tượng của lúa gạo. Chẳng hạn cái mốc bắt đầu xuất khẩu gạo với 1,370 triệu tấn năm 1989, và đỉnh cao 7,736 triệu tấn 2012...
Ngay cả nhiều hộ gia đình ở xã Ba Lế (miền núi huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) - quê hương của loại tiêu bản địa này cũng không có để dùng do số lượng tiêu Ba Lế hiện ước tính chỉ còn một vài trăm gốc.
Bằng ý chí, nỗ lực không mệt mỏi, đến nay anh Hồ Văn Thu (thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị) đã có một cơ ngơi khá giả, đủ chăm lo cho con cái học hành và giúp dân bản thoát nghèo.