Chủ Rừng Xứ Cát
Sinh năm 1988 ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy (Lệ Thuỷ - Quảng Bình), học hết lớp 9, Lê Đăng Tây đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Sau nhiều năm làm thuê trong Nam, Tây về quê, một mình lên đồi khai hoang trồng keo, tràm và trở thành chủ rừng xứ cát khi tuổi đời còn rất trẻ.
Từ miền Nam về quê, Tây mang trong mình bao trăn trở: “Miền cát trắng chẳng trồng được cây gì, ngoài phi lao chắn cát và tràm”. Bao đêm trằn trọc, nghĩ tới cảnh nghèo với mẹ già thường xuyên đau ốm và ba đứa em đang tuổi ăn học, chàng trai xứ cát quyết định một mình lên đồi khai hoang hơn 5ha ruộng để trồng lúa lấy lương thực, lo cho gia đình. Khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng cho dân, Tây đã mạnh dạn đứng ra nhận rừng. “Nhận 15ha rừng thông của dự án trồng rừng Việt - Đức để chăm sóc, bảo vệ, mình lo lắm, vì ở đây chưa trồng thông bao giờ. Trong khi đó, mình cũng vừa khai hoang và trồng được gần 10ha keo, tràm nữa. Nhưng thấy đây là cơ hội để thoát nghèo nên dù gặp rất nhiều khó khăn, mình vẫn quyết tâm làm”, Tây tâm sự.
Bà Đinh Thị Ngọc, mẹ Tây cho biết: “Thấy con ngày đêm chăm lo rừng quên ăn, quên ngủ, tôi lo lắm nhưng cũng chỉ biết động viên con”. Gần 10ha keo, tràm của Tây sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, đến nay đã cho thu hoạch; rừng thông cũng sắp cho thu hoạch mủ. Tây ước tính, mỗi năm trừ chi phí cây giống, phân bón, công chăm sóc, có thể lãi hơn 100 triệu đồng. Số lãi này Tây dự tính sẽ làm vườn ươm cây con, trồng thử nghiệm một số cây gỗ quý như lim, táu, dó bầu.
Bác Đinh Duy Nhất, 51 tuổi, người giúp việc cho Tây chia sẻ: “Thấy cháu Tây còn trẻ mà say mê làm rừng, trong xóm ai cũng khen ngợi, còn đến học hỏi kinh nghiệm”.
Nhận thấy việc mở rộng trang trại sẽ là bước đi mới nhưng hứa hẹn nhiều thành công, Tây đã mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư mua cây -con giống. Hiện Tây đã có hơn 40 con lợn, 10 con bò, 200 con gà, 150 gốc hồ tiêu. Sắp tới, anh sẽ đầu tư nuôi thêm gà công nghiệp, lợn siêu nạc để nhanh xuất chuồng, rút ngắn thời gian chăn nuôi.
Luôn đi đầu trong công tác trồng và bảo vệ rừng, Tây đã được bầu làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Sen Thủy. Trong bất cứ hoạt động nào, anh cũng là người năng động, tích cực và đầy trách nhiệm, luôn đi đầu trong các hoạt động trồng rừng gây quỹ, thanh niên tình nguyện, hoạt động thể dục thể thao... Anh Lê Đăng Thỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Sen Đông cho biết: “Tây là cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi lại nhiệt tình, năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao. Mọi hoạt động Chi bộ thôn giao, anh luôn hoàn thành một cách xuất sắc”.
Chia tay Tây, chúng tôi vẫn chưa hết ấn tượng và khâm phục nghị lực vượt khó của chàng thanh niên 23 tuổi này. Tin rằng, với những gì đã làm được, Tây sẽ còn thành công hơn nữa..
Related news
Ngày 30/6/2015, Trung tâm chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 1 đã có kết quả phân tích chất lượng an toàn thực phẩm đối với các mẫu dưa được lấy tại một số hộ dân thôn Nà Hai, xã Quảng Khê (Ba Bể - Bắc Kạn) do Sở NN và PTNT thôn gửi đi đề nghị xét nghiệm.
Một số nhà vườn ở huyện Định Quán (Đồng Nai) đã đưa vào trồng thử giống mãng cầu ta không hạt và hiện đã cho trái. Mãng cầu ta không hạt hiện được thị trường khá ưa chuộng vì mùi vị ngọt thanh, thịt trắng dai, không có hạt.
Dù công chăm sóc khó nhọc hơn những loại cây khác nhưng trồng nhiều loại cây ăn trái trên cùng đơn vị diện tích đã mang lại hiệu quả cao cho không ít gia đình. Ở xã Bình Sơn (Bù Gia Mập - Bình Phước) vườn cây ăn trái của gia đình anh Nguyễn Hồng Phương ở thôn Phú Châu cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác, Trạm Khuyến nông huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) phối hợp với xã Xuân Trường đưa vào trồng thử nghiệm 2 ha cây chùm ngây xen cam tại cánh đồng Nải Tài.
Mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây mới vào sản xuất, anh Phạm Văn Tiến, xã Khánh Trung (Yên Khánh - Ninh Bình) đã ứng dụng thành công kỹ thuật trồng giống dưa Kim Hoàng hậu (còn gọi là dưa vàng) có xuất xứ từ Thái Lan, cho năng suất, chất lượng không thua kém dưa nhập khẩu, nhưng giá thành lại rẻ hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với loại cây trồng khác.