Trồng chuối ít tốn công, dễ chăm sóc lại lãi cao
Bỏ việc để học ươm trồng cây giống
Năm 1989, tốt nghiệp ra trường nhưng không xin được việc, anh Thi xin đi làm công nhân cho một công ty xi măng. Lúc đó, anh nhận thấy nhiều hộ gia đình trên địa bàn tập trung trồng rừng, các công ty, trung tâm quận huyện có nhu cầu trồng cây cảnh tạo cảnh quan rất cao, trong khi đó nguồn cây con lại hạn hẹp, cung không đủ cầu. Năm 1998, anh Thi mạnh dạn thuê 700m2 đất để ươm cây. Từ những cây mua về, anh chiết cành ra ươm, rồi mua hạt về ươm trồng, có những loại cây anh phải tìm đặt mua trên mạng internet. Cứ thế vườn ươm Hải Vân của anh ra đời và đến nay, anh đã sở hữu 1,5ha vườm ươm cây giống, chủ yếu là bằng lăng, sao đăng, muồng kim phượng, sáo, xà cừ, cẩm tố may, mắt ngọc, hoa trang, keo lá chàm…
Anh Thi cho biết: “Lúc đầu vườn ươm ít được mọi người biết đến, tôi tự tìm đến cơ quan, các công trình đang xây dựng giới thiệu các loại cây của mình, bán và trồng cho họ. Rồi qua người này, người kia giới thiệu, đến nay vườn ươm cây của tôi đã được nhiều người ở Huế, Quảng Nam biết đến. Với hơn 1,5ha vườn ươm, trừ chi phí tôi thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm”.
Từ năm 2000 đến nay, anh liên tục nhân rộng mô hình, mở thêm 2 vườn ươm tại địa bàn. “Nghề này cần phải ươm gối đầu, nếu không khi bán hết giống sẽ không ươm kịp cây để bán cho khách, sẽ bị mất bạn hàng” - anh Thi chia sẻ.
Bén duyên với chuối
“Trang trại của anh Thi là mô hình được đánh giá cao, hiệu quả kinh tế trên địa bàn. Bên cạnh vườn ươm cây, trồng chuối, anh Thi còn bán cây giống. Ngoài ra, anh Thi còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương”.
Ông Lương Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hoà Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)
Không dừng lại với mô hình ươm cây, sau khi nghiên cứu thị trường, giống cây, năm 2014, anh Thi tiếp tục đề nghị chính quyền, hỗ trợ tạo điều kiện cho mượn đất và mạnh dạn thuê 2ha đất ở Đồng Khế (phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để trồng thêm cây ăn quả, cây cảnh quan môi trường. Đầu năm 2015, anh tiến hành trồng hơn 900 cây chuối tiêu hồng (giống chuối có xuất xứ từ Nam Mỹ). Diện tích còn lại anh trồng hàng nghìn cây cảnh quan môi trường như bàng Đài Loan, long não, sấu, muồng... và rau màu.
Đến nay, 900 cây chuối đã cho anh 2 mùa thu hoạch. Bình quân, mỗi buồng chuối anh bán với giá 200.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.“Hồi mới đưa giống chuối tiêu hồng về trồng, tôi cũng rất lo ngại, trồng nhiều như vậy rồi bán cho ai? Nhưng khi thu hoạch, giới thiệu chuối cho người dân ăn thử, rồi người này giới thiệu người kia, khách hàng cứ tự tìm đến vườn mua” - anh Thi cho biết.
“Giống chuối này không tốn nhiều công chăm sóc, dễ trồng và lãi cao. Với mô hình trồng chuối kết hợp ươm cây giống, cây cảnh quan môi trường, mỗi năm tôi thu nhập gần 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng” - anh Thi chia sẻ. Không chỉ thành công với 2 mô hình trên, anh Thi còn thuê thêm 7ha đất rừng để trồng keo lá tràm, mỗi đợt thu hoạch đút túi hơn 200 triệu đồng. Trang trại của anh hiện đang tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/tháng và 7 lao động thời vụ.
Related news
Đông Hải có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản. Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 38.500 ha, hằng năm cho sản lượng hơn 60.000 tấn, trong đó sản lượng tôm là hơn 33.000 tấn, cá và thủy sản khác sản lượng hơn 26.000 tấn.
Qua sách, báo và các phương tiện truyền thông, anh Bùi Trọng Vinh ở xóm Quang Nhân, xã Quang Thành, huyện Yên Thành đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi rắn hổ trâu, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, phát triển kinh tế gia đình, các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn khép kín đang được các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An áp dụng.