Chủ Động Giành Thắng Lợi Vụ Hè Thu
Vụ Hè Thu (HT) năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.
Dự báo nhiều khó khăn
Vụ HT năm nay, tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 41.300 ha lúa, dự kiến sản lượng 251.930 tấn, trong đó vụ Hè sản xuất 15.000 ha, vụ Thu sản xuất 26.300 ha. Đối với cây trồng cạn, toàn tỉnh sản xuất 3.176 ha bắp; trên 2.000 ha đậu phụng; 2.564 ha mè… Trên lĩnh vực chăn nuôi, phấn đấu phát triển đàn bò 250 ngàn con, tỉ lệ bò lai đạt 73% tổng đàn; đàn heo 750 ngàn con và 7 triệu con gia cầm.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, để đạt mục tiêu trên là không đơn giản, bởi thời tiết vụ HT được dự báo sẽ xảy ra nắng nóng kéo dài, gây hạn trên diện rộng. Thời tiết khô nóng bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 4- thời điểm nông dân vừa gieo sạ lúa xong - và kết thúc khoảng cuối tháng 7.
Đáng lo ngại là hiện nay đã có nhiều hồ chứa nước do các địa phương quản lý đã khô cạn, không còn khả năng cung cấp nước cho cây trồng vụ HT. Hiện các công trình thủy lợi có khả năng cung cấp nước tưới cho khoảng 42.800 ha cây trồng (40.500 ha lúa và 2.300 ha hoa màu), còn 11.310 ha (770 ha lúa và 10.545 ha hoa màu) cần có biện pháp tưới chống hạn ngay từ đầu vụ.
Thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng trong vụ HT đang ở mức cao. Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), nhận định: Chuột sẽ phát triển mạnh về số lượng và gây hại lúa HT ngay từ đầu vụ; sâu đục thân hai chấm và rầy nâu, rầy lưng trắng, mỗi loại sẽ có 3 đợt ra rộ gây hại lúa HT. Các loại sâu bệnh khác, như sâu năn, bọ trĩ, bệnh lem lép hạt, khô vằn cũng sẽ phát sinh mạnh gây hại lúa giai đoạn đòng trổ. Trên cây trồng cạn, bệnh lở cổ rễ, bệnh gỉ sắt, sâu đục quả… cũng sẽ xuất hiện gây hại đậu, bắp.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng sẽ gặp khó khăn, khi vi-rút các loại dịch bệnh: lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm (DCGC); vi-rút gây bệnh đốm trắng ở tôm nuôi… tiềm ẩn trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát, gây hại vật nuôi. Mặt khác, trong vụ sản xuất này, nhiều khả năng giá vật tư phân bón, thuốc BVTV sẽ tăng cao, dẫn đến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư phát triển sản xuất của nông dân.
Chủ động triển khai các biện pháp sản xuất
Trước tình hình nói trên, để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn (CĐML) để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, quản lý tốt dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, tập trung chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, cơ cấu giống và chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, vụ HT năm nay, nhiều giống cây trồng có tiềm năng năng suất cao sẽ được đưa vào sản xuất đại trà; cơ cấu giống cũng đã được điều chỉnh phù hợp hơn. Cụ thể là vụ Hè chân 3 vụ lúa/năm sử dụng các giống lúa chủ lực trung và ngắn ngày, như ĐV 108, ĐV8, TBR 36, OM6976, OM7347, VTNA2.
Các giống lúa thuần OM6162, OM 4900, PC6, Hoa ưu 109 và giống lúa lai PAC 807, TH3-3, TH3-5, Đắc ưu 11 cũng sẽ được bổ sung vào cơ cấu vụ sản xuất này. Các địa phương chỉ đạo nông dân thu hoạch xong lúa Đông Xuân đến đâu, tiến hành làm đất gieo sạ ngay lúa Hè đến đó.
Vụ Thu tập trung sản xuất trên chân 2 vụ lúa, sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai trung và dài ngày có tiềm năng năng suất cao, như: ĐV108, ĐB6, VĐ8, TBR1, Nhị ưu 838, TH3-3, SYN6, PAC837… nhằm đảm bảo sản lượng lương thực. Tùy thời gian sinh trưởng của từng loại giống mà bố trí gieo sạ từ ngày 5 đến ngày 20.5.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và tập trung gieo sạ từng vùng, từng cánh đồng. Về mật độ gieo sạ, với giống lúa thuần cấp 1 gieo sạ lan, nên sử dụng từ 100-120kg/ha là hợp lý; sạ bằng công cụ sạ hàng sử dụng lượng giống từ 70-80kg/ha; với lúa lai gieo sạ từ 40-50kg/ha.
Trong vụ HT, tỉnh ta tiếp tục xây dựng 130 CĐML lúa, đậu phụng, mía, mì. Trên cơ sở tiêu chí chung của tỉnh, các địa phương cần căn cứ điều kiện cụ thể để xây dựng quy mô, tiêu chí CĐML phù hợp của từng địa phương trên cơ sở xác định loại cây trồng thế mạnh của từng vùng để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.
Vụ sản xuất này, dự báo nắng nóng sẽ kéo dài, nhiều diện tích cây trồng sẽ thiếu nước tưới. Bởi vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp chống hạn ngay từ đầu vụ. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân bón phân cân đối và phun thuốc BVTV theo quy tắc bốn đúng để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại.
Đối với ngành nghề chăn nuôi, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là DCGC.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Sở đã thông báo cho chính quyền và nông dân các địa phương biết lịch thời vụ, nguồn giống, cơ cấu giống lúa của tỉnh… để các địa phương chủ động bố trí cây trồng, mùa vụ phù hợp. Sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng, Chi cục BVTV chủ động nguồn giống, thuốc BVTV để cung ứng đầy đủ và kịp thời cho nông dân.
Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi nạo vét kênh mương; phối hợp với các địa phương kiểm tra đánh giá tình hình nguồn nước, xây dựng lịch phân phối nước cụ thể cho từng công trình do Công ty quản lý, thông báo cho các địa phương biết để phối hợp chỉ đạo sản xuất.
Sở cũng đã thành lập đoàn công tác cùng phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất và phòng trừ chuột, sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi...
Related news
Năng suất cao, chất lượng vượt trội so với giống bình thường nhưng do đua nhau trồng nên mít Thái Lan đang rớt giá thê thảm, thậm chí thương lái chẳng chịu thu mua
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang xây dựng được vùng dứa (khóm) chuyên canh trên 15.000 ha phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tại huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương thu hoạch được trên 160.000 tấn dứa thương phẩm, đạt khoảng 60% chỉ tiêu cả năm.
Năm nào cũng vậy, khi tới mùa thu hoạch vải là những địa phương trồng nhiều vải như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh... lại trở nên khan hiếm nhân lực lao động phục vụ công việc hái vải. Vì thế tiền công thu hái vải được đẩy lên khá cao...
Đó là ý kiến của người dân 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang).
Thời gian gần đây, thương lái đổ xô về các nhà vườn ở Đồng Nai thu gom sầu riêng theo hình thức bao tiêu hết vườn, cắt cả những trái sầu riêng chưa đủ độ già. Sầu riêng bán tại vườn nhanh chóng “sốt” giá, hiện đang ở mức từ 30 - 32 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 10 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều nông dân khấp khởi vui mừng vì bán được hàng với giá cao.