Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chọn Cây Trồng Ăn Chắc Và Né Lụt

Chọn Cây Trồng Ăn Chắc Và Né Lụt
Publish date: Thursday. August 29th, 2013

Chọn loại cây trồng gì trên những chân đất, vùng đất cụ thể, phù hợp, thời vụ gieo trồng ra sao, để có thể “né” những tác động xấu của thiên tai. Điều đó được coi là những yếu tố tiên quyết để có một vụ đông thắng lợi.

Ở Nghệ An, vụ đông là vụ sản xuất được xác định, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, đó là sự khó lường của diễn biến thời tiết, mưa lớn kéo dài thường xẩy ra, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Bởi vậy, chọn loại cây trồng phù hợp với từng chân đất và điều kiện khí hậu, được coi là một trong những yếu tố tiên quyết trong sự thành, bại của sản xuất vụ đông.

Hiện nay, bộ giống các loại cây trồng rất phong phú. Các địa phương cần tiến hành rà soát, bố trí các giống phù hợp về thời gian sinh trưởng, nhằm hạn chế ảnh hưởng của thiên tai, đồng thời phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.

Diễn Thành (Diễn Châu) là xã có điều kiện rất thuận lợi để sản xuất vụ đông, với diện tích đất màu là chủ yếu. Những năm qua, các loại cây trồng vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân. Tuy nhiên, có rất nhiều năm, Diễn Thành không tránh khỏi thiệt hại, do tác động xấu của thời tiết đối với sản xuất vụ đông. Trong đó, chịu tác động nhiều nhất là cây ngô, do mưa lụt gây ngập úng thời kỳ cây con, bão lụt giai đoạn trổ cờ, phơi mao.

Trong khi đó, hiệu quả từ cây rau màu rất cao, nên những năm gần đây, Diễn Thành đang giảm dần diện tích ngô đông, tăng diện tích rau màu các loại. Người dân ở đây cho biết, trong vụ đông, có thể làm 2 lứa, thậm chí 3 lứa rau. Ngay từ đầu tháng 7 (DL), lứa rau cải ngọt đầu tiên được trồng, sau đó là một lứa bắp cải sớm bán phục vụ thị trường Tết, tiếp tục lứa bắp cải muộn thu hoạch vào tháng 2 (DL) năm sau.

Theo bà Lê Thị Hương (Phó Chủ tịch UBND xã), ngoài công thức đó ra, những năm gần đây, Diễn Thành đưa vào rất nhiều loại giống rau mới phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân như bắp cải xanh, súp lơ, cà rốt và đặc biệt là cây đậu tương.

Cây đậu tương được đưa vào sản xuất từ vụ đông 2012, nhưng do thực hiện quy trình kỹ thuật thâm canh kém, nên năng suất không cao, dù sản phẩm tiêu thụ rất dễ. Năm nay, xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, chuyển gần 8 ha đất 2 lúa ở xóm Mai Thành, trước đây trồng khoai lang sang trồng cây đậu tương.

Ngoài ra, toàn xã có khoảng 10ha trồng lạc đông để làm giống cho vụ xuân trên những chân ruộng cao dễ thoát nước. Loại cây trồng này vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa an toàn hơn ngô đông do dược gieo sớm (từ 10/8- 20/8), đến đầu tháng 9 hay bị mưa lụt, thì lạc đã đủ lớn.

Hiện tại, ngô vẫn là lựa chọn đầu tiên và là một trong những giống cây chính làm nên “thương hiệu” vụ đông. Với trên 15 triệu con gia cầm, hơn 700 nghìn con trâu, bò và gần 1 triệu con lợn, nhu cầu về nguồn thức ăn chăn nuôi rất lớn. Chưa nói xuất bán cho các địa phương khác và các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc trên địa bàn.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của cây ngô, khắc phục tình trạng diện tích ngô ngày càng sụt giảm trong những năm gần đây, phải làm thế nào để nông dân có lãi từ loại cây trồng này. Muốn vậy, việc chọn loại giống ngô đã được Bộ NN & PTNT công nhận, được khảo nghiệm, hoặc xây dựng mô hình trình diễn có kết quả tốt ở địa phương là vô cùng quan trọng.

Tiếp nữa, cần quy hoạch, bố trí sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời vụ và khả năng thâm canh của mỗi nơi. Ông Từ Trọng Kim (Trưởng phòng Trồng trọt- Sở NN&PTNT) cho biết: Vụ đông năm nay, Nghệ An phấn đấu gieo trồng 30.000 ha ngô, tăng 4.543 ha so vụ đông năm ngoái, chủ yếu trên đất màu bãi, đất đồi vệ.

Trong đó, khoảng 8.000 ha trên đất 2 lúa không bị ngập lụt khi mưa lũ ở các huyện đồng bằng, miền núi thấp; 22 nghìn ha trên diện tích đồi vệ ở các huyện miền núi, các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng và đất màu vùng ven biển, vùng bãi ven sông. Các địa phương miền núi cần cân nhắc cơ cấu cây trồng vụ sau, mở rộng hợp lý diện tích ngô đông muộn trên đất đồi vệ, đất bãi.

Riêng một số huyện như Tương Dương, Quế Phong, cần tận dụng ưu thế lượng mưa trong mùa mưa lũ, thường thấp hơn khá nhiều so với các địa phương khác, để phát triển diện tích ngô đông. Những địa phương có điều kiện giao thông thuận lợi, gần Công ty sữa TH, cần sớm có kế hoạch liện hệ với Công ty để xây dựng phương án liên doanh, liên kết, ký hợp đồng sản xuất ngô phục vụ cho chăn nuôi, chế biến.

Đã đến lúc, chúng ta cần có một cái nhìn khác về ngô, khi người nông dân không thể giàu lên chỉ bằng cây lúa, thì trồng ngô phục vụ phát triển chăn nuôi, cần được coi là một hướng đi cần thiết.

Ngoài những giống đã có trên địa bàn từ trước đến nay, vụ đông năm ngoái, Nghệ An đã bổ sung thêm một số giống mới, cho hiệu quả rất tốt như DK6818, NK7328. Như vậy, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, các địa phương và người dân có thể gieo trồng từng loại giống khác nhau. Tuy nhiên, trên đất 2 lúa vùng đồng bằng, phải ưu tiên các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và gieo xong trước 20/9, cần làm ngô bầu, mạ ngô để đảm bảo thời vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Dương (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành): Với mục tiêu sản xuất ăn chắc trong vụ đông, Yên Thành chủ trương quy hoạch lại hệ thống đồng ruộng. Trồng ngô ở những vùng chủ động tiêu thoát nước, ít chịu ảnh hưởng của mưa lụt. Để trồng được 1.500 - 2.000 ha ngô trong vụ đông năm nay “Chúng tôi ưu tiên những giống ngô trung và ngắn ngày như NK66, NK6654, LVN16, MX2, MX4..., trong đó hai giống MX2 và MX4 có thời gian sinh trưởng chỉ 80 - 85 ngày”.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, để ngô “ăn chắc”, phải trồng ở vùng đất cao, ít ngập lụt và trồng càng sớm càng tốt, vì ngô là loại cây ưa nóng, ánh sáng, nếu trồng muộn sẽ giảm năng suất. Bằng việc sử dụng các giống ngô ngắn ngày, bà con không nên gieo trỉa trực tiếp ở đồng ruộng, mà làm ngô bầu sớm, đem trồng khi đã được 3 - 4 lá để tránh những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết.

Cùng với cây ngô, rau màu các loại cũng là một trong những loại cây chủ lực trong sản xuất vụ đông. Nhiều năm qua, các loại rau màu đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho người nông dân. Nhiều vùng rau hàng hóa được hình thành như: Các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), Nam Anh, Nam Xuân (Nam Đàn), Diễn Thành (Diễn Châu).

Để tăng hiệu quả của rau màu, đảm bảo sản xuất ăn chắc trong vụ đông, phải dựa trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác của từng vùng để gieo trồng các loại rau, đậu phù hợp.

Từ thực tế những năm qua, chúng ta có thể mở rộng diện tích một số loại cây trồng như bí xanh, đậu tương, khoai tây. Có thể nói, ít loại cây trồng vượt được khoai tây về năng suất, trong thời gian chỉ 85 ngày, 1 ha có thể cho 100 - 110 tạ sản phẩm. Hay những năm gần đây, nhiều vùng như Thanh Lĩnh (Thanh Chương), Nam Xuân, Nam Anh (Nam Đàn) phát triển cây bí xanh cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) đưa vào trồng cây bí leo, chỉ cần đắp ụ đất, bỏ phân và trồng, không tốn công chăm sóc, chỉ phải bảo vệ bộ rễ không bị ngập nước làm thối cây, mỗi cây chỉ cần cho 2 quả, 1 ha đã có thể thu về trên dưới 15 tấn bí. Ở các tỉnh miền Bắc, nông dân gặt xong lúa hè thu không cần cày bừa, để nguyên gốc rạ, vãi hạt đậu tương lên, cho trâu bò cày ngang dọc lấp hạt lại.

Ở Nghệ An, do mùa mưa kết thúc muộn hơn khoảng 1 tháng, nếu trồng đậu tương vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 rất hay gặp mưa, độ ẩm cao, cây dễ bị bệnh vi khuẩn, héo xanh. Bởi vậy, cần chọn những vùng đất cao ở trung du miền núi, đất cát ven biển, lên luống cao, thoát nước nhanh để trồng đậu tương.

Thực tế, vùng rau của Nghệ An, chủ yếu tập trung ở các vùng bãi ven sông, ven biển của các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn. Tại các địa phương này, những năm gần đây, bắt đầu chú trọng phát triển các giống rau cao cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích rau an toàn, ưu tiên hỗ trợ xây dựng thương hiệu các vùng rau làm hàng hóa, vẫn còn nhiều hạn chế.

Bà Hoàng Thị Hương (Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu) cho rằng: Diễn Châu có khoảng 600 ha rau màu hàng hóa, do thuận lợi về điều kiện đất đai, tưới tiêu tốt, nên rau Diễn Châu rất được ưa chuộng ở thị trường TP. Vinh, các huyện miền núi và các tỉnh phía trong như Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Tuy nhiên, với gần 4.000 ha đất màu, cộng thêm diện tích đất lúa cưỡng khoảng 5.000ha, Diễn Châu vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển diện tích rau màu vụ đông. Thế nhưng, dù những năm qua huyện tích cực kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ nhưng hầu như chưa có kết quả.

Để nâng cao hiệu quả cây rau nói chung, rau vụ đông nói riêng, các địa phương cần phát huy vai trò trung gian, định hướng tăng cường hỗ trợ nông dân thực hiện liên doanh, liên kết mở rộng diện tích sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa cây rau.

Để có một thị trường ổn định cho cây trồng vụ đông, nhất là hai loại cây chủ lực ngô và rau màu các loại, cần đảm bảo các yếu tố: Quy hoạch được những vùng sản xuất tập trung, tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đảm bảo vệ sinh ATTP, đáp ứng yêu cầu thị trường, có sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Trong tư tưởng chỉ đạo sản xuất, các địa phương nhất thiết không được làm vụ đông theo kiểu “phong trào”, toàn diện. Quan trọng là chọn được loại cây trồng phù hợp nhất, có giá trị nhất, cả về hiệu quả và thị trường tiêu thụ, trồng cây nào chắc cây đó. Nên ưu tiên chọn phát triển những loại cây cho sản phẩm có thể bảo quản được lâu dài. Có biện pháp bảo quản nông sản sau thu hoạch phù hợp.


Related news

Gìn Giữ Thương Hiệu Hồ Tiêu Lộc Ninh Gìn Giữ Thương Hiệu Hồ Tiêu Lộc Ninh

Chúng tôi chạy xe máy dọc theo hướng Lộc Ninh lên cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) thăm trang trại trồng tiêu rộng 3 ha của của gia đình ông Nguyễn Quốc Mạnh (ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh). Đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà Thái bề thế, mái ngói đỏ tươi, xung quanh là vườn tiêu tươi tốt đang thời kỳ cho thu hoạch.

Wednesday. November 19th, 2014
Nhà Máy Mía Đường Cà Mau Hoạt Động Trở Lại Nhà Máy Mía Đường Cà Mau Hoạt Động Trở Lại

Ông Trịnh Thanh Chiều, một hộ dân trồng mía tại ấp 8, xã Trí Lực (huyện Thới Bình) cho biết: Giá mía đã tăng lên 100đ/kg so với mấy ngày trước, hiện cân tại vườn với giá 620đ/kg, người dân bớt lo lắng.

Wednesday. November 19th, 2014
Cá Tra Có Sớm Thoát “Cục Nước Đá”? Cá Tra Có Sớm Thoát “Cục Nước Đá”?

Thông tư của Bộ NN-PTNT hướng dẫn, từ ngày 1/1/2015, thực hiện quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cá tra theo Nghị định 36. Hơn 6 tháng cuối năm 2014 là “lộ trình” cho các DN bán hết hàng tồn kho, sau đó sản phẩm cá tra chế biến muốn xuất khẩu phải thoát khỏi “cục nước đá”. Nếu kiểm tra phát hiện “cục nước đá” sẽ bị buộc chế biến lại hoặc tiêu hủy, cơ sở chế biến có thể bị đình chỉ sản xuất. Tất cả nhằm lấy lại uy tín chất lượng cho cá tra, từng bước xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Wednesday. November 19th, 2014
Đài Loan Bịa Đặt Thông Tin Chè Việt Nam Trồng Trên Đất Nhiễm Dioxin Đài Loan Bịa Đặt Thông Tin Chè Việt Nam Trồng Trên Đất Nhiễm Dioxin

Chiều 18/11, Phó GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng Lương Văn Ngự khẳng định: “Trong rất nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường trong những năm qua của Sở đều không thể hiện nội dung vùng đất trồng chè của tỉnh Lâm Đồng có tàn dư của chất độc dioxin.

Wednesday. November 19th, 2014
Bạc Liêu Xử Phạt 63 Triệu Đồng Đối Với 16 Trường Hợp Nhập Tôm Giống Vào Tỉnh Trái Phép Bạc Liêu Xử Phạt 63 Triệu Đồng Đối Với 16 Trường Hợp Nhập Tôm Giống Vào Tỉnh Trái Phép

Mới đây, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra 20 xe nhập tôm giống vào tỉnh và 10 cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh.

Wednesday. November 19th, 2014