Chớm Vụ Muối Đã Lo

Mặc dù mới bước vào đầu vụ SX muối nhưng diêm dân TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã trăn trở nhiều nỗi lo…
Đến vùng sản xuất muối phường Ninh Diêm, TX Ninh Hòa dưới cái nắng cháy da cháy thịt, chúng tôi mới cảm nhận hết sự vất vả, cực nhọc của diêm dân nơi đây.
Ông Trương Công Hiến, chủ nhiệm HTX Muối 1-5 (Ninh Diêm) cho biết, hiện HTX có 3 cánh đồng với tổng diện tích 90 ha muối, SX theo phương pháp thủ công trên nền đất.
Thời tiết những tháng đầu năm 2014, nắng tốt, rất thuận lợi cho việc SX muối.
Tính đến cuối tháng 3, HTX đã SX được 1.200 tấn muối, tăng hơn 860 tấn so với năm ngoái.
Tuy sản lượng muối có tăng, nhưng lượng muối kết tinh thấp, chỉ đạt 40% so với năm ngoái. Nguyên nhân là thời tiết ngày đêm chênh lệch quá lớn khiến muối khó kết tinh.
Mặt khác, mới đầu vụ nhưng giá muối thu mua không ổn định, hiện chỉ ở mức từ 600-650 đ/kg, thấp hơn từ 100- 200 đ/kg so với tháng trước và so với năm ngoái giảm từ 200-300 đ/kg. Do vậy việc SX muối hiện nay của HTX đang thua lỗ.
Toàn TX Ninh Hòa có tổng diện tích muối 747 ha. Trong niên vụ muối 2013 sản lượng đạt 37.500 tấn, trong đó sản lượng muối của Công ty CP Muối Khánh Hòa 25.722 tấn, HTX Ninh Diêm và Ninh Thủy 4.738 tấn và sản lượng muối của hộ cá thể 7.040 tấn.
Ông Hiến còn cho biết thêm, để SX muối có lãi thì giá muối thu mua phải dao động ở mức 800-1.000 đ/kg. Bởi các chi phí SX đầu tư cho vụ muối này đều tăng cao. Trong đó công lao động tăng mạnh nhất, hiện có giá từ 110-120 ngàn đ/công, tăng 20-30 ngàn đ/công so với năm ngoái. Đã thế, giá muối thu mua giảm, tiêu thụ chậm và còn tồn đọng muối nhiều.
Diêm dân Lê Văn Vương, tổ dân phố 1, phường Ninh Diêm, xã viên HTX Muối 1-5 cho biết, ông gắn bó với nghề làm muối đã trên 20 năm. Đây là nghề truyền thống ông bà để lại nên ông vẫn còn bám trụ, chứ thanh niên trai trẻ bây giờ đã bỏ nghề đi làm công nhân, làm thợ hết rồi.
Làm nghề muối vất vả nhưng vài năm gần đây giá muối bán ra không ổn định nên cào lên chất đống đó, có bán được thì tính ra xã viên chỉ lấy công làm lời chứ chẳng có dư gì.
“Như từ đầu vụ SX đến nay, tổ làm muối của chúng tôi gồm 11 người nhận khoán với diện tích hơn 1 ha, SX được 6-10 mẻ (tuỳ ruộng) thu được 40 tấn muối. Do giá thấp nên hiện chúng tôi chỉ bán được gần phân nửa số muối làm ra, sau khi hạch toán ăn chia giữa HTX và xã viên theo tỷ lệ 3:7 thì mỗi xã viên chỉ kiếm được trên 1 trăm ngàn đ/người không bằng 1 công nghề khác. Không biết thời gian tới giá muối có tăng lên và dễ bán không, chứ cứ 5 ngày mới thu hoạch một mẻ, vậy mà cứ chất đống ở đây thì chết”, ông Vương than vãn.
Không chỉ diêm dân Ninh Diêm lo lắng, mà ngay cả diêm dân các vùng SX muối khác như Ninh Hải, Ninh Thuỷ cũng gặp khó khăn không kém.
Ông Lê Văn Định, Phó chủ nhiệm HTX Muối Ninh Thuỷ cho biết, trước đây, diện tích muối của HTX gần 20 ha nhưng nay do thu hồi đất để phát triển công nghiệp, đô thị chỉ còn 12ha, được SX theo phương pháp trải bạt từ năm 2010.
Nhờ áp dụng quy trình trải bạt nên năng suất muối cao gấp nhiều lần so với trước kia làm muối nền đất. Với hệ thống bạt đáy và bạt trên, vào cuối vụ, toàn bộ nước mặn dự trữ còn được giấu trong bạt, nên sang niên vụ mới, người làm muối đã có sẵn nguồn nước mặn để tiếp tục SX. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công lao động, mà sản lượng muối năm sau cũng luôn cao hơn năm trước.
Như từ đầu vụ đến nay, nhờ SX muối trải bạt nên sản lượng đạt khoảng 200 tấn. Tuy nhiên điều trăn trở hiện nay là giá muối đang rớt và tiêu thụ chậm.
“Cách đây 1 tháng chúng tôi mới bán được 20 tấn muối với giá 1.100 đ/kg, chưa bao lâu thì giá muối đã hạ xuống chỉ còn 900-1.000 đ/kg. Nếu bán giá này thì việc SX muối trải bạt không có lãi mấy, vì chi phí tiền dầu bơm nước vào ruộng muối quá cao”, ông Định chia sẻ.
Được biết, để SX muối có hiệu quả, UBND TX Ninh Hòa đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường có SX muối theo đúng diện tích đã được quy hoạch và khuyến khích diêm dân chuyển dần SX muối thủ công sang SX muối công nghiệp (trải bạt) để tăng năng suất.
Tuy nhiên, theo ông Hiến, mặc dù HTX rất quan tâm mở rộng SX muối theo công nghệ trải bạt, nhưng rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trong khi đó, diêm dân không có sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Related news

Phải thuyết phục nhiều lần, chị Thắm (một tiểu thương chuyên kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM) mới cho tôi tháp tùng nhóm người làm công của chị xuống Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) để thu mua sầu riêng, chuối, mít chở lên TP HCM bán.

Huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có diện tích nuôi nghêu khoảng 2000 ha, tập trung ở các cồn Vạn Liễu, cồn Ông Mão, ấp Cây Bàng, Cầu Muống và Tân Phú thuộc xã Tân Thành, hàng năm ngư dân thu hoạch từ 20.000 - 30.000 tấn nghêu thương phẩm đem lại lợi nhuận rất lớn cho ngư dân vùng biển, riêng Ban Quản lý cồn bãi trực thuộc UBND huyện, quản lý, nuôi và khai thác 350 ha thuộc khu vực cồn Ông Mão, hàng năm từ nguồn thu hoạch nghêu, thu về cho ngân sách huyện chiếm gần 50%.

Phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa phối hợp tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi heo rừng lai tại xã Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai.

Năm 2013, toàn tỉnh Nam Định có 486ha nuôi tôm chân trắng, tăng 188ha so với năm 2012, hình thành nhiều vùng nuôi tập trung tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Các vùng nuôi cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh - Lâm Đồng) mới đây, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã cải tạo vườn cà phê (ghép chồi hoặc trồng tái canh) bằng các giống cà phê đầu dòng được 18.000 ha. Đây là một “tín hiệu” rất đáng mừng. Bảo Lâm là địa phương đi đầu, có phong trào cải tạo vườn cà phê khá nhất. Di Linh và các địa phương khác cần học kinh nghiệm của Bảo Lâm để từng bước nâng cao hiệu quả canh tác cà phê.