Chiến lược dinh dưỡng cải thiện hệ tiêu hóa thủy sản
Tôm thẻ chân trắng ăn thức ăn có bổ sung Bacillus sp có tỷ lệ tiêu hóa chất béo đạt mức cao nhất, tỷ lệ tiêu hóa lipid cũng cải thiện đáng kể khi bổ sung Bacillus licheniformis vào khẩu phần ăn của cá rohu giống (Lin và ctv, 2004). Ngoài ra, Roy và các cộng sự (2014) đã chứng minh, kết hợp 300 g/kg thức ăn bột hạt dầu với B.licheniformis sẽ giúp tăng tỷ lệ tiêu hóa protein trên cá rohu giống.
Chế độ cho ăn hợp lý giúp đạt năng suất cao trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: ST
Duy trì hệ tiêu hóa hoạt động tốt là nền tảng cần thiết để đạt được năng suất cao nhất cho thủy sản nuôi; theo đó hỗn hợp phụ gia thức ăn được coi là giải pháp tối ưu.
Thức ăn phù hợp
Dạng thức ăn: Kích cỡ thức ăn càng nhỏ, men tiêu hóa càng dễ thấm vào từng phân tử thức ăn, khi đó độ tiêu hóa thức ăn tăng. Bởi vậy, nên nấu chín thức ăn hay tiến hành hồ hóa tinh bột trong quá trình ép đùn viên thức ăn sẽ có tác dụng tăng độ tiêu hóa protein và carbohydrate. Một nghiên cứu đã được thực hiện và cho kết quả về năng lượng tiêu hóa bột bắp chưa nấu chín của cá rô phi là 2,46 kcal/g, nếu được gia nhiệt năng lượng tiêu hóa tăng lên 3,02 kcal/g.
Tính hấp dẫn: Chất tạo mùi hay còn gọi là chất dẫn dụ đóng vai trò quyết định đến hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm. Trong môi trường nước, chất dẫn dụ phải hòa tan vào nước để tôm, cá có thể cảm nhận được thức ăn. Thức ăn cần có mùi vị hấp dẫn, kích thích thủy sản bắt mồi.
Độ bền: Đối với tôm, độ bền có thể được xem là chỉ tiêu quan trọng nhất bởi thức ăn viên phải duy trì tính toàn vẹn về vật chất đủ lâu cho các con tôm phát hiện và ăn thức ăn; điều này có thể là một khoảng thời gian rất ngắn 1 - 2 giờ tùy thuộc vào thành phần nguyên liệu làm thức ăn, quy trình sản xuất và chất kết dính tự nhiên được sử dụng. Đối với cá thức ăn dùng cho chúng thì yêu cầu chỉ tan trong nước trong vài phút.
Chế độ cho ăn hợp lý
Lịch trình cho ăn hỗn hợp là một kỹ thuật được phát triển bởi De Silva (De Silva, SS 1985) bao gồm việc cho cá ăn chế độ ăn giàu protein với chế độ ăn ít protein trong một thời gian định trước. Chế độ ăn có hàm lượng protein cao (HP) là chế độ ăn có hàm lượng protein tối ưu trong khi khẩu phần protein thấp (LP) là chế độ ăn có hàm lượng protein thấp hơn 10% so với mức cần thiết cho sự phát triển tối ưu.
Thông thường, người nuôi sẽ cho ăn liên tục chế độ ăn có hàm lượng protein cao, tuy nhiên điều này gây ra sự lãng phí trong quá trình nuôi, bởi thủy sản không thể sử dụng thức ăn hiệu quả ở mức độ như nhau ở các thời điểm trong ngày. Trước đây, một số nhà nghiên cứu về dinh dưỡng nuôi trồng thủy sản đã kiểm tra hiệu quả của lịch trình cho ăn thức ăn hỗn hợp để giảm chi phí thức ăn cho các loài cá nuôi như cá rô phi, cá chép, cá tra và cá hồi vân. Thật bất ngờ, tất cả kết quả của những nghiên cứu này đã chứng minh tác động tích cực của lịch trình cho ăn hỗn hợp đối với sự phát triển của các loài cá có vảy. Một số nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả của chiến lược cho ăn này trong việc kiểm soát nitơ và phốt pho ở ao nuôi, do đó làm tăng chất lượng nước tốt hơn. Trên tôm thẻ chân trắng, chế độ cho ăn hỗn hợp với 2 ngày ăn khẩu phần LP và 1 ngày ăn khẩu phần HP (2LP/1HP) được đánh giá là cho kết quả tăng trưởng lớn nhất.
Số lần cho ăn ảnh hưởng rất lớn đến FCR, tốc độ tăng trưởng của thủy sản nuôi. Xác định số lần cho ăn cần căn cứ vào hình thức nuôi, khả năng quản lý, nguồn nhân lực và đặc tính ăn của đối tượng nuôi. Khi khối lượng thức ăn càng lớn, men tiêu hóa khó ngấm vào bên trong và mức độ ngấm không đều dẫn đến quá trình tiêu hóa chậm lại và thức ăn cũng không được sử dụng một cách triệt để. Độ tiêu hóa thức ăn tăng khi số lần cho ăn tăng; vì vậy, cần chia làm nhiều lần cho ăn trong một ngày, men tiêu hóa sẽ hoạt động tốt, dẫn đến khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
Một trong những lưu ý quan trọng khi cho cá ăn là không cho ăn quá nhu cầu, bởi sẽ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, làm giảm lượng ôxy hòa tan trong nước, tăng nhu cầu ôxy sinh hóa và vi khuẩn có hại. Chỉ nên cho cá ăn lượng thức ăn mà cá có thể ăn hết trong 25 phút.
Cải thiện sức khỏe đường ruột
Hiện, các công thức thức ăn thủy sản chủ yếu tập trung chi tiết vào kỹ thuật về dinh dưỡng và lựa chọn các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn; trong khi, cách sử dụng tối ưu các chất dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe của đường ruột cho thủy sản là hai lĩnh vực ít khi được quan tâm. Điều này trái ngược hoàn toàn với sự tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, nơi tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng và sức khỏe đường ruột được coi là hai lĩnh vực trọng tâm để phát triển công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Môi trường nước rất giàu những vi sinh vật, mà trong đó chúng sinh tồn và phát triển trong cùng một hệ sinh thái. Vi khuẩn trong môi trường liên tục được tôm cá đưa vào cơ thể cùng với thức ăn hay uống/lọc vào, gây nên một tương tác tự nhiên giữa hệ vi sinh vật của môi trường sống bên ngoài và bên trong đường ruột. Nếu vi khuẩn tăng một cách bất thường, khi đó sức khỏe của thủy sản sẽ gặp nguy hiểm bởi bản thân chúng sẽ không đủ sức để chống lại với mầm bệnh.
Cùng với xu hướng hạn chế dẫn đến loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh cũng như chất kích thích tăng trưởng vì những ảnh hưởng độc hại của nó lên sức khỏe con người và môi trường, thì hỗn hợp phụ gia thức ăn là một thay thế an toàn, thân thiện với sinh thái và bền vững giúp đạt năng suất cao trong nuôi trồng thủy sản.
Có rất nhiều loại phụ gia thức ăn, gồm chất kết dính, premix vitamin-khoáng, sắc tố, axit amin tổng hợp, chế phẩm sinh học… nhưng có 3 nhóm thu hút sự quan tâm nhất gồm phụ gia thảo dược, probiotics và enzyme. Những hợp chất nguồn gốc thiên nhiên có hoạt tính sinh học được bổ sung vào thức ăn nhằm cải thiện đáng kể tăng trưởng và sức khỏe thủy sản. Các thành phần hoạt chất như phenolics và flavonoids có nhiều tác động lên vật nuôi như chống lại vi khuẩn đường ruột, kích thích dịch vị, hỗ trợ chức năng gan, kháng viêm và chống lại ôxy hóa.
Related news
Tại khu nuôi thủy sản của xã Giao Long còn nhiều hộ dân thực hiện nuôi xen ghép cá chép giống mới với các loài cá truyền thống địa phương
Áp dụng công nghệ nhuộm lưới không bám bẩn sẽ giúp người nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho cá, cũng như môi trường xung quanh bè, người nuôi đỡ tốn
Tổng khối lượng nhập khẩu thủy sản của các quốc gia Ả Rập đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD. Các quốc gia trong vùng này đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn