Thu nhập ổn định nhờ nuôi xen ghép cá
Tại khu nuôi thủy sản của xã Giao Long còn nhiều hộ dân thực hiện nuôi xen ghép cá chép giống mới với các loài cá truyền thống địa phương. Vụ nuôi năm 2018 là một vụ bội thu của người nuôi cá nơi đây.
Vài năm trở lại đây, nhờ thực hiện nuôi thủy sản xen ghép, người dân xã Giao Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã có thu nhập ổn định, kinh tế phát triển.
Nuôi xen ghép giống mới với các loài cá truyền thống đem lại hiệu quả cao
Trên diện tích khoảng 80 ha của khu chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, từ năm 2013 đã có khoảng 50 ha nuôi cá nước ngọt xen ghép với các đối tượng nước lợ. Tuy nhiên, những năm trước người dân nuôi các đối tượng cá truyền thống như trắm cỏ, chép, mè, trôi… hiệu quả kinh tế mang lại không cao do các giống cũ, chất lượng kém, nuôi chậm lớn.
Cá chép giống khi thả khoảng 20 - 30 con/kg, nuôi một năm chỉ có khoảng 60% cá đạt cỡ thương phẩm trên 1,2 kg/con, giá bán khoảng 40.000 đồng/kg. Cá trắm cỏ khi thả cỡ giống 3 - 4 con/kg, nuôi một năm khoảng 70% đạt cỡ thương phẩm với trọng lượng trên 2 kg/con, giá bán khoảng 45.000 đồng/kg. Những con cá chưa đạt cỡ thương phẩm thường bị thương lái từ chối mua hoặc mua với giá rất thấp. Năng suất cá trung bình chỉ 2 tấn/ha, hiệu quả kinh tế thu được thấp.
Từ năm 2017, người dân xã Giao Long đã nhập giống cá chép lai Việt - Trung hay còn gọi là cá chép Vân Nam về nuôi xen ghép với cá trắm cỏ, cá đối mục - những giống cá truyền thống của địa phương. Kết quả, cá chép và cá đối mục lớn nhanh, đạt cỡ thương phẩm lớn nên rất dễ bán, giá cao, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trước kia.
Anh Trần Văn Thành, đội 9, xã Giao Long, cho biết từ vụ nuôi thành công năm 2017, anh nhập luôn cá chép hương và đối mục ương từ tháng 9 để làm cá giống vào đầu năm 2018. Anh thả giống chép mới xen với cá trắm đen, trắm cỏ, đối mục. Sau hơn một năm nuôi, cá chép đạt kích cỡ trung bình 4 kg/con, cá biệt có con lên tới 6 kg; cá đối mục trung bình 0,8 - 1 kg/con. Đối với cá chép, anh Thành bán được giá 59.000 đồng/kg, cá đối mục 50.000 đồng/kg. Ước tính năng suất thu được 6 tấn/ha, trừ chi phí, thu lời trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Người nuôi thủy sản tại xã Giao Long có nhiều kinh nghiệm thực tế sản xuất. Qua thông tin trên báo đài, người nuôi đã mạnh dạn và nhanh chóng vận dụng kỹ thuật nuôi xen ghép các đối tượng truyền thống có giá trị cao với các đối tượng giống mới nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn hẳn so trước đây.
Ông Trần Văn Trung, Trạm Khuyến nông Giao Thủy cho biết, hình thức nuôi xen ghép các đối tượng cá truyền thống là không mới, nhưng người dân đã có sự chọn lọc và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về khâu chọn giống, chọn đối tượng xen ghép và kinh nghiệm nuôi nên hiệu quả kinh tế cao. Vì dễ áp dụng do đầu tư chi phí không quá cao, rủi ro dịch bệnh thấp nên mang tính bền vững.
Related news
Trung tâm Giống thủy sản (nay sáp nhập với Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá trắm đen”.
Xác định con tôm nước lợ là vật nuôi chủ lực, ngành nông nghiệp TP.HCM đang đẩy nhanh việc “chuẩn hóa” kiến thức cũng như chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao
Sự xuất hiện trở lại của El Nino tại phía Đông Thái Bình Dương được dự đoán sẽ gây ra nhiều rắc rối cho thị trường tôm toàn cầu, và tác động tới giá tôm