Công nghệ hỗ trợ đắc lực trong nuôi lồng bè
Áp dụng công nghệ nhuộm lưới không bám bẩn sẽ giúp người nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho cá, cũng như môi trường xung quanh bè, người nuôi đỡ tốn nhân công. Các công nghệ này thời gian tới được ứng dụng rộng rãi sẽ mang lại triển vọng mới cho người nuôi trồng thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản lồng bè đã giúp người nuôi cá biển trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu tiết kiệm được nhiều chi phí, kết quả rất đáng ghi nhận.
Áp dụng công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản
Nhiều lợi thế
Ông Lê Tòng Văn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, địa phương có tiềm năng lớn về nuôi biển với hơn 150 km bờ biển cùng nhiều cửa biển kín gió và các điều kiện thủy lý, thủy hóa phù hợp với rất nhiều loài hải sản biển, điều kiện tự nhiên phù hợp cho tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển. Toàn tỉnh có hơn 370 tổ chức cá nhân nuôi thủy sản lồng bè, với hơn 11.000 lồng nuôi, được chia làm 3 vùng nuôi chính trên sông Chà Và, sông Mỏ nhát và sông Dinh; với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: cá chẽm, cá chim, cá bớp, cá mú và một số loài nhuyễn thể có giá trị; hàng năm cung cấp ra thị trường hơn 1.300 tấn cá biển các loại, gần 10.000 tấn hàu cửa sông, hàu Thái Bình Dương và hơn 140 tấn tôm hùm tre.
Theo nghiên cứu của ông Bùi Quang Mạnh, Phó Phân viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay, đa số các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè đều sử dụng lồng bè tự thiết kế, kết cấu công trình bè nuôi chủ yếu làm bằng gỗ với ô lồng có kích thước 6x6x3 m liên kết nhiều ô lại thành bè nuôi, mỗi bè bình quân khoảng 10 - 20 ô lồng; vật liệu nâng nổi bè người dân thường sử dụng phi nhựa loại 200 lít, kết cấu bè nuôi không chắc chắn, ít có sức chống chịu trước gió bão và lưới liên tục bị bám bẩn nên người nuôi liên tục phải thay lưới mới. Với phương pháp nuôi như trên, chi phí nhân công cho thay lưới, giặt lưới sau mỗi tuần nuôi chiếm chi phí khá lớn, ảnh hưởng đến doanh thu, vừa ảnh hưởng đến thủy sản nuôi và là một trong các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cục bộ sau mỗi lần giặt lưới.
Áp dụng công nghệ mới
Tại hội thảo giới thiệu về công nghệ nhuộm lưới trong nuôi thủy sản lồng bè mới đây tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Ulrik Ulriksen, Giám đốc kinh doanh Công ty Steen - Hansen (Na Uy) đã giới thiệu các sản phẩm dung dịch nhuộm lưới chống bám bẩn, các sản phẩm lưới nhuộm được nhập trực tiếp từ Na Uy và hướng dẫn các thao tác nhuộm lưới... Theo đó, lợi ích khi sử dụng lưới chống bám bẩn của Hansen là lưới sạch hơn trong thời gian từ 6 đến 12 tháng, qua đó giúp tiết kiệm chi phí thay lưới và rửa lưới từ 7 đến 10 ngày/lần, góp phần gìn giữ môi trường nuôi sạch, thông thoáng nên bảo đảm nguồn ôxy ổn định, giảm số lượng cá chết do các bệnh gây ra từ vật bám, tiết kiệm chi phí do giảm bớt quá trình chăm sóc và nhân công thay lưới.
Được biết, hiện Công ty CP Công nghệ nuôi biển Vũng Tàu đã thử nghiệm thành công việc sử dụng lồng tròn nuôi thử nghiệm cá bớp tại sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu với vật liệu ống nhựa HDPE và đang tiếp tục triển khai nuôi thử nghiệm trên khung lồng nhựa vuông tại một số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá nhận xét của các chủ cơ sở nuôi, đây là vật liệu thân thiện với môi trường, độ bền cao, khả năng chống chịu với điều kiện sóng gió là khá tốt, có thể triển khai đại trà; đặc biệt, lồng nuôi có chu vi lớn, cá nuôi trong lồng được trao đổi ôxy tốt hơn, vận động thoải mái hơn, ăn tốt hơn theo đó, cá nuôi sẽ mau lớn và nhanh được xuất bán. Với loại lồng tròn theo công nghệ của Na Uy này sẽ chống chịu được bão gió rất tốt, nhất là ở những vùng nuôi xa bờ, độ sâu… Tuy nhiên, do giá thành đầu tư ban đầu khá cao nên chưa có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư lồng nhựa HDPE cũng như lưới nhuộm để phục vụ nuôi.
Tiềm năng phát triển nuôi biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vô cùng lớn, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình nuôi là một trong những khâu then chốt để nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững trên quy mô lớn, đặc biệt là trên các vùng biển xa. Để thúc đẩy người dân chủ động tham gia ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, với hơn 11.000 lồng nuôi trên địa bàn toàn tỉnh như hiện nay, ứng dụng công nghệ nhuộm lưới hứa hẹn sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cục bộ, giúp người dân từng bước hiện đại hóa, xây dựng thương hiệu cá biển nuôi lồng bè an toàn vệ sinh thực phẩm.
Related news
Xác định con tôm nước lợ là vật nuôi chủ lực, ngành nông nghiệp TP.HCM đang đẩy nhanh việc “chuẩn hóa” kiến thức cũng như chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao
Sự xuất hiện trở lại của El Nino tại phía Đông Thái Bình Dương được dự đoán sẽ gây ra nhiều rắc rối cho thị trường tôm toàn cầu, và tác động tới giá tôm
Tại khu nuôi thủy sản của xã Giao Long còn nhiều hộ dân thực hiện nuôi xen ghép cá chép giống mới với các loài cá truyền thống địa phương