Chết Một Vùng Ngao, Thiệt Hại Trên 100 Tỷ Đồng
Những giọt nước mắt xót của, những khuôn mặt ngẩn ngơ, những tiếng thở dài ngao ngán… ấy là những gì chúng tôi thấy khi tiếp xúc với người nuôi ngao ở xã Đông Minh, Tiền Hải (Thái Bình).
Nơi bãi bồi này, bấy nay không những nổi tiếng bởi bãi biển Đồng Châu thơ mộng mà còn nức danh là vựa nuôi ngao hiệu quả kinh tế cao cho người dân quê lúa. Ấy nhưng, chuyện đó xa rồi...
Bây giờ, nói tới con ngao ai cũng rầu rầu, thậm chí ào ào nước mắt. Chẳng biết bởi lý do gì mà thời gian gần đây, loài nhuyễn thể từng được ví là “ngọc của đại dương” ấy bỗng dưng đổ bệnh chết vàng đồng, trắng bãi.
Chết trắng bãi
Khi trời còn chưa tỏ, khi những hàng phi lao vẫn gục đầu bởi sương đêm thì đường đến bãi biển Đồng Châu đã rầm rập bước chân người.
Trên triền đê, nơi có những chòi làm tạm bằng tranh tre để phục vụ khách du lịch ăn nhậu, những hàng xe máy đã chật cứng. Nhìn những dãy xe ken đặc như nêm ấy, người nơi khác tới sẽ ngỡ tưởng Đồng Châu trúng mùa du lịch, khách tham quan nghỉ mát tới tấp kéo về.
“Đấy, các anh trông, xe của người dân đi cứu ngao đấy! Phải tranh thủ lúc thủy triều rút để vét ngao chết chứ nước lên là chịu!”, chỉ vào những bãi xe xếp tràn ra đường, một người dân dẫn chúng tôi ra vựa ngao nói. Đúng như lời người dẫn đường, từ trên triền đê, phóng tầm mắt ra bãi bồi ven biển chỉ thấy nhấp nhô người.
Lần theo con lạch dẫn nước giữa các ô ngao, chúng tôi xuống đầm. Trước khi đi, người dẫn đường đã mấy lần nhắc chúng tôi phải đeo khẩu trang. Ngao chết nổi xác hàng loạt trên mặt đầm, gặp nắng sẽ có mùi vô cùng khó chịu.
Ai không quen có khi vừa chạm phải cái mùi nồng nặc ấy đã thốc tháo nôn. Quả đúng vậy, vừa xuống mép cát, gặp cơn gió từ biển hắt vào, tôi đã thấy đầu óc choáng váng, quay cuồng. “Những đống ngao chết chất cao như núi ngoài kia đã khiến vùng biển này mấy hôm nay bị ô nhiễm nặng”, người dẫn đường giảng giải.
Vựa ngao xã Đông Minh “ăn” ra biển đến gần cả cây số. Qua bất cứ vuông ngao nào chúng tôi cũng được người dân khẩn thiết gọi. Có lẽ, biết chúng tôi là nhà báo nên họ muốn níu chân để than phiền, kể khổ về nỗi mất mát mà mình đang oằn lưng gánh chịu.
Có người khi chúng tôi vừa hỏi được vài câu đã quay mặt đi thút thít: “Nhà tôi có vài nghìn mét vuông thôi, nhưng là cả một gia tài ấy. Nuôi gần hai năm rồi, cũng chỉ ít ngày nữa là bán, vậy mà trở tay không kịp. Ngao chết trắng thế này thì giấc mơ học đại học của con tôi có khi phải hoãn lại rồi”.
Ra gần đến mép nước thì mặt trời đã ló. Lúc này, đứng trên chòi cao trông xuống mới thấy hết cảnh ngộ bi thương. Nhìn hướng nào cũng chỉ thấy một màu trắng xóa xác ngao.
Người dân ở đây chua chát ví cảnh này là “ngao cười”. Mà khi ngao đã “cười” thì người chỉ còn nước khóc… Những bao tải đựng ngao chết chất thành những đống lớn, ngổn ngang hệt như công trường xây dựng khổng lồ.
Chúng tôi ghé đến vuông ngao của ông Nguyễn Phúc Hiện khi ông đã mướt mát mồ hôi cùng hơn chục người nữa “thu hoạch” ngao chết.
Trò chuyện, ông Hiện bảo, con ngao đỏng đảnh, cũng có lúc thế này thế kia nhưng hơn chục năm nổi nênh với ngao, chưa bao giờ ông thấy nghề này lại phũ phàng đến vậy. Hơn 3 ha ngao của gia đình ông đều chết đến gần 100%. “Cứ sáng ra, khi nước biển rút, nhìn xác ngao nổi trắng trên mặt cát mà buốt hết tâm can”, ông Hiện vừa vuốt mồ hôi vừa ngao ngán nói.
Theo ông Hiện, gia đình ông đã đầu tư gần 3 tỷ đồng vào vụ nuôi. “Nuôi ngao bây giờ như đánh bạc ấy, hôm nay có bát ăn bát để nhưng mai lại trắng tay ngay. Ngần ấy vốn liếng chứ có phải ít đâu, gia đình tôi phải vay ngân hàng, thậm chí vay nóng ở ngoài để đầu tư đấy. Ngao nhà tôi cũng chỉ còn vài tháng nữa là thu hoạch, vậy mà…”, ông Hiện ngập ngừng, giọng đầy chua chát.
Cũng theo ông Hiện, ngao ở Đồng Minh tuy lớn chậm nhưng bù lại thịt ngọt, thơm hơn ở nhiều vùng khác. Chính thế mà nhiều năm nay, con ngao ở đất này đã được xuất khẩu đi thị trường khó tính châu Âu.
Ngao nuôi ở đây cần khoảng 24-30 tháng mới cho thu hoạch, trong khi nơi khác là 15 tháng. “Phần lớn các hộ dân nuôi được 17-18 tháng rồi đấy chứ. Có nhiều gia đình đã lên kế hoạch đầu tư tiếp cho vụ sau, vậy mà...”, ông Hiện tâm sự.
Ngao chết, mất vốn, mất khoản thu hoạch tưởng là đã treo trước mắt, đã chắc trong tay nhưng đó vẫn chưa hết những bi thảm mà người nuôi ngao nơi đây phải gánh chịu.
Theo ông Thiêm, chủ đầm kiêm đầu mối thu mua ngao cho bà con nông dân xã Đông Minh thì cứ mỗi ha ngao chết, những hộ nuôi ngao phải bỏ ra chừng khoảng 200 công để thu dọn. Tiền thuê ngần ấy công lao động cũng mất chừng 40 triệu đồng.
Thu dọn ngao chết xong, chủ đầm ngao lại phải đầu tư ngần ấy tiền để cải tạo lại đầm thì mùa sau mới có thể nuôi tiếp.
Sao không xả cống cứu ngao?
Theo nhiều hộ nuôi ngao lâu năm ở xã Đông Minh, việc ngao chết hàng loạt trên là hệ quả môi trường ô nhiễm. Vựa ngao truyền thống này nằm kẹp giữa hai cửa sông là sông Lân và sông Trà Lý.
Mức độ ô nhiễm ở hai cửa sông này rất đáng báo động, đặc biệt cửa sông Lân, con sông nằm giáp những khu công nghiệp của tỉnh Thái Bình. “Chúng tôi đã nhiều lần kêu với các cơ quan chức năng nhưng không thay đổi được”, bà Đỗ Thị Đào, người được mệnh danh “nữ tướng ngao” ở Đông Minh cho biết.
Cũng theo bà Đào, ngoài việc nguồn nước ô nhiễm, việc xả nước ở cửa sông Lân thực hiện “không đúng quy trình” đã dẫn đến việc ngao chết hàng loạt như trên. Độ gần 1 tháng nay, môi trường ô nhiễm nên con ngao rất yếu. Bởi thế, khi thời tiết thay đổi đột ngột, độ mặn của nước biển thay đổi, ngao bị “sốc ngược” và đồng loạt chết.
Kinh nghiệm của người nuôi ngao, khi độ mặn của nước biển thay đổi thì ngay lập tức phải xả nước ngọt vào đầm để trung hòa nước.
Tuy nhiên, khi ấy, những người nuôi ngao nhiều lần xin người quản lý cống sông Lân xả nước nhưng sự cầu khẩn ấy đã rơi vào hư vô. “Chỉ một vài ngày không được xả nước kịp thời thì ngao chết ngay chứ có gì là lạ”, bà Đào bức xúc.
Mấy ngày nay, ông Vũ Trung Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh không lúc nào là không có mặt ở đầm ngao để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ, động viên người nuôi ngao thu dọn đầm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tiến cho biết, diện tích ngao thực tế của xã là trên 400 ha.
Tính tới thời điểm này, toàn bộ diện tích đều đã có ngao chết, gây thiệt hại tạm tính là hơn 100 tỷ đồng.
Theo ông Tiến, con số trên chắc chắn chưa dừng lại ở đó bởi qua theo dõi, diễn biến của dịch bệnh vẫn theo chiều hướng xấu đi.
Ngay khi ngao chết, xã đã kịp thời báo cáo với các cơ quan cấp trên để tìm biện pháp giải quyết, hỗ trợ người nông dân. Nhưng tới thời điểm này, theo những hộ dân nuôi ngao, ngoài việc cử cán bộ xuống khảo sát, kiểm tra thì chưa thấy chính quyền cùng các cơ quan chức năng có những biện pháp cụ thể, tích cực để cứu vựa ngao.
Người nuôi ngao ở Đông Minh phải đóng thuế cao hơn nhiều địa phương khác, tuy nhiên, nhiều năm nay thu hoạch bấp bênh, thất thường. “Cứ một vài năm lại gặp đại họa. Năm thì dịch bệnh, năm thì bão lốc.
Thế nhưng, tuyệt nhiên chính quyền, các cơ quan hữu trách chẳng hỗ trợ gì. Ngao chết đây này, xác ngao chất núi đây này, giờ đổ đi đâu để tránh ô nhiễm, tránh phát tán dịch bệnh cho các vùng nuôi xung quanh chúng tôi cũng không biết. Đáng ra cái đó phải có cán bộ chỉ giúp chứ!”, bà Đào bức xúc.
Related news
Thực hiện chương trình hỗ trợ nông nghiệp năm 2016, Trung tâm Thủy sản tỉnh Điện Biên xây dựng và triển khai mô hình nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông trong ao cho các hộ nông dân địa bàn các xã: Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Xương (huyện Điện Biên). Qua một thời gian thí điểm, mô hình đã thu được những kết quả khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân
Ông Katơr Thơm, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Hòa, cho biết: Hiện nay, toàn Hội có 75 hội viên. Để tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội CCB xã đã vận động các hội viên kinh tế khá giả, có đàn bò nhiều giúp đỡ cho từng hội viên nghèo và cận nghèo thông qua mô hình “Nuôi bò rẻ”. Hội viên có bò cho hội viên kinh tế gia đình còn khó khăn nhận nuôi từ 1-2 con bò cái, sau thời gian bò đẻ, con lứa đầu sẽ được cho gia đình nuôi hưởng, con lứa thứ hai trả cho chủ hộ. Cứ như thế xoay vòng từ 2-4 năm. Với cách làm này, từ năm 2009 đến nay, 8 hội viên có bò đã cho 18 hội viên và bà con nghèo nhận 37 bò cái sinh sản về nuôi rẻ.
Đã nhiều năm nay, nông dân huyện Yên Thành phát triển nghề nuôi vịt chạy đồng, theo các vụ lúa trong năm. Nghề này không những giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.
Trên cánh rừng hoang nghèo kiệt chỉ có lau lách và cỏ dại, cô lập với khu dân cư, trong gần 6 năm khởi nghiệp, Nguyễn Văn Hảo trở thành tỉ phú trẻ nhất xã Tam Dị, doanh thu đạt gần 2 tỉ đồng/năm.
“Thất bại không phải là vấn đề, quan trọng nhất là biết mình thất bại ở đâu. Trong nuôi tôm công nghiệp, ai thành công đều phải nếm trải nhiều lần thất bại mới rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình” – ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bộc bạch.