Nuôi chồn mướp lợi nhuận cao
Chồn mướp (cầy vòi hương) là loài động vật có giá trị kinh tế cao. Từ 4 cặp chồn bố mẹ ban đầu, ông Trần Chí On (59 tuổi), ấp Tân Thành A, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi đã cho sinh sản và thu lợi nhuận hơn trăm triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi chồn mướp đem lại hiệu quả cao của hộ ông Trần Chí On.
Năm 2013, quyết tâm tìm hướng mới để phát triển kinh tế gia đình, ông On cùng một người bạn đi tham quan, tìm hiểu cách nuôi chồn mướp ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Trên chiếc xe máy, ông rong ruổi khắp các nẻo đường từ Cà Mau đến tận Khánh Hoà. “Đi đến mỗi nơi, nếu họ không bán giống cho mình thì mình cũng sẽ quan sát được cách người ta làm, nếu gặp những người nhiệt tình thì người ta còn chỉ cho mình một số bí quyết”, ông On kể.
Quyết định cải thiện kinh tế gia đình bằng việc nuôi chồn mướp bắt đầu được thực hiện từ việc xây chuồng, làm lồng. Trên diện tích 40 m2, ông On chia làm nhiều lồng, mỗi lồng cao 80 cm, dài 1 m và rộng 60 cm. Chồn mướp là loài động vật phù hợp với việc nuôi nhốt, ưa thoáng mát và sạch sẽ. Ông On không áp dụng trải bạt mà cho chất thải chảy thẳng ra ao, tận dụng để nuôi các loại cá tạp trong ao và sử dụng cá đó làm thức ăn cho chồn. Chồn đực và chồn cái được nuôi nhốt riêng biệt (vì nếu nhốt chung chúng sẽ tấn công nhau và gây hao hụt, ông On chia sẻ).
Qua quá trình học hỏi kết hợp với kinh nghiệm của các con ông tích luỹ từ internet, ông On mua 4 cặp chồn bố mẹ về nuôi. Thời điểm đó mỗi cặp chồn giống giá 5 triệu đồng. Nuôi 4 cặp chồn bố mẹ sau hơn 7 tháng, số lượng tăng lên hơn chục con.
Thức ăn của chồn mướp chủ yếu là chuối và cá. Mỗi ngày 1 con chồn ăn 2 trái chuối, ăn dặm thêm cá phi và chỉ ăn 2 lần. Chi phí thức ăn không đáng kể, dễ chăm sóc, chỉ cần dọn rửa chuồng trại sạch sẽ. Chồn mướp hay bị bệnh về đường tiêu hoá nên cần lựa chọn thức ăn đảm bảo hợp vệ sinh khi cho ăn.
Sau thời gian nuôi nhốt riêng biệt, nhận thấy chồn đã đủ trọng lượng và độ tuổi từ 12-14 tháng sẽ nhốt chung con đực và con cái cho sinh sản. Chồn con sau khi được nuôi bằng sữa mẹ và thức ăn khoảng hơn 10 ngày sẽ xuất bán. Giá một cặp chồn mướp giống hiện tại khoảng 5 triệu đồng. Tính bình quân thu nhập mỗi năm ông lãi gần 100 triệu đồng.
Chồn mướp của gia đình ông On khi sinh sản đều không đủ bán, đa số là các mối quen trong và ngoài tỉnh nên ông On dự định sẽ đầu tư thêm chuồng trại, lồng để tăng đàn. Ngoài bán chồn giống, ông On còn tuyển những con đã quá lứa để bán thịt, mỗi con chồn cũng đem lại giá trị khoảng 1 triệu đồng khi bán thịt.
Với hiệu quả từ mô hình làm kinh tế của mình, ông On nhiều năm liền được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Ngoài ra, hộ ông On đã có chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng, sinh sản động vật hoang dã thông thường và nhóm IIB năm 2015.
Trưởng ấp Tân Thành A Nguyễn Thanh Liêm thông tin: “Từng đảm nhận nhiều nhiệm vụ ở địa phương, 2 nhiệm kỳ làm phó ấp Tân Thành A, ông Trần Chí On không chỉ hoàn thành tốt công việc của Đảng và Nhà Nước giao phó, được sự tin tưởng, ủng hộ của bà con, mà còn là một nông dân sản xuất giỏi, làm kinh tế hiệu quả”./.
Related news
Mô hình được triển khai từ tháng 10/ 2016 đến nay với qui mô 1 bò đực giống lai Zebu phối giống bằng phương pháp trực tiếp
Ông Lại Văn Luyến ngụ xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) là người đi tiên phong trồng xen canh cây rau ngót trong vườn cam cho thu nhập cao.
Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Bình Giã, huyện Châu Đức đã xây dựng mô hình trồng đu đủ sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.