Chăm Lo Quyền Lợi Người Lao Động Tại Các Công Ty Nông, Lâm Nghiệp
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đổi mới căn bản về công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, trong đó có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tiếp tục tháo gỡ...
Hơn mười năm qua, thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển nông, lâm trường quốc doanh, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã tích cực thực hiện và có được những kết quả quan trọng. Nhưng đến nay, nhiều mục tiêu đề ra vẫn chưa đạt được, trong đó việc làm, thu nhập của người lao động tại các nông, lâm trường chậm được cải thiện.
Nguyên nhân là do nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, một bộ phận lãnh đạo nông, lâm trường chậm đổi mới nhận thức, không chủ động tháo gỡ khó khăn, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo cơ chế quản lý mới.
Một số cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tạo được chuyển biến căn bản trong quản lý, quản trị doanh nghiệp. Công tác chỉ đạo để giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, chuyển giao đất, rừng về địa phương quản lý ở nhiều nơi còn yếu, thiếu chặt chẽ...
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp là phải thực hiện tốt chế độ đối với lao động dôi dư khi sắp xếp, chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp.
Công ty có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách, chế độ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ, công nhân và người lao động. Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với cán bộ, công nhân và người lao động sau chuyển đổi.
Ðể thực hiện các mục tiêu đề ra, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với các công ty nông nghiệp ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng; thực hiện cổ phần hóa các công ty nông nghiệp, đồng thời giải thể các công ty kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Tuy nhiên, khi giải thể cần xử lý công nợ, tài sản trên đất (rừng, vườn cây) và bàn giao đất đai về địa phương quản lý theo quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người lao động, người dân đang nhận khoán, nhằm ổn định xã hội tại địa phương, xử lý nghiêm các sai phạm...
Cần chính sách thỏa đáng với người lao động
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, từ năm 2001 đến nay, Chính phủ đã có chính sách đối với lao động dôi dư theo từng giai đoạn sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.
Chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sắp xếp lại tổ chức sản xuất, lao động để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tiến trình sắp xếp, đổi mới, đồng thời tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai nội dung nêu trên. Hơn nữa, chính sách này cũng đã giúp người lao động ổn định cuộc sống sau khi thôi việc. Họ được tạo điều kiện nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề và tìm việc làm phù hợp.
Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng đã mở rộng đối tượng tham gia, tạo điều kiện cho nhiều người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm, góp phần ổn định cuộc sống khi không còn khả năng lao động.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, theo đánh giá sơ bộ, hiện có khoảng 30 đến 40% số nông, lâm trường quốc doanh hoạt động không hiệu quả. Các công ty nhỏ, làm ăn kém hiệu quả sẽ bị giải thể.
Các công ty còn lại sẽ cổ phần hóa, Nhà nước chỉ giữ một phần vốn điều lệ hoặc thoái vốn. Như vậy, trong thời gian tới có hàng nghìn người lao động đang làm việc tại hàng trăm công ty nông, lâm nghiệp bị thua lỗ sẽ phải chấm dứt hợp đồng hoặc thuộc diện dôi dư. Do đó, rất cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với họ.
Thực tế hiện nay là hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp, đổi mới từ năm 2003 (theo Nghị quyết 28-NQ/TW), vì vậy khi tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị thì rất nhiều người lao động không còn thuộc đối tượng dôi dư do đã thực hiện giải quyết chính sách lao động dôi dư một lần khi chuyển đổi từ nông, lâm trường quốc doanh sang công ty nông, lâm nghiệp.
Trong khi đó, hiện nay bài toán về nguồn vốn để đầu tư thực hiện sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam Vũ Thanh Bình, doanh nghiệp này phải cổ phần hóa vào năm 2015, nhưng việc cắm mốc phân giới tại các công ty nông, lâm nghiệp đến nay chưa xong vì thiếu vốn thực hiện, chưa tính đến việc Tổng Công ty hiện còn hơn 1.500 ha đất đã được quy hoạch phục vụ sản xuất, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, việc xác định giá trị vườn cây của các doanh nghiệp ngành giấy cũng đang gặp khó trước khi cổ phần hóa vì chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Ðây chính là những bất cập cho doanh nghiệp khi giải bài toán bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp khi Tổng Công ty tiến hành sắp xếp, đổi mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Trần Thị Thu Hà cũng cho rằng, hầu hết những tỉnh có rừng đều là những tỉnh nghèo, kinh phí thực hiện không đủ, mặc dù khi tiến hành sắp xếp, đổi mới, các công ty nông, lâm nghiệp đã được hỗ trợ qua các chương trình mục tiêu quản lý rừng. Thiếu tiền để thực hiện việc cắm mốc, phân giới đất nông, lâm trường đang là những khó khăn khi nhiệm vụ này giao lại cho các địa phương thực hiện.
Ðể góp phần tháo gỡ vướng mắc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện (thêm một lần) chính sách giải quyết dôi dư đối với các công ty nông, lâm nghiệp khi sắp xếp, đổi mới. Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước cần có chính sách giải quyết chế độ thỏa đáng cho các đối tượng từng là thành viên hội đồng thành viên, ban giám đốc, kế toán trưởng, ban kiểm soát... sau khi thôi việc hoặc phải nghỉ việc sau khi doanh nghiệp tổ chức lại.
Ðồng thời, thực hiện giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật đối với người lao động dôi dư khi cổ phần hóa doanh nghiệp để giảm gánh nặng tài chính đối với các công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới theo quy định.
Các chính sách khác như bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, ký kết hợp đồng lao động cho các đối tượng lao động cũng cần được kiện toàn nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động sau khi sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Tính đến nay đã có hơn 6.000 lao động trong các nông, lâm trường thuộc diện phải sắp xếp lại, được nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, bình quân mỗi lao động nhận trợ cấp khoảng 37 triệu đồng, với tổng số khoảng 240 tỷ đồng. Về cơ bản, các nông, lâm trường quốc doanh đều đã thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định.
Related news
Năm 2013, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh Đồng Tháp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình hình chế biến xuất khẩu, sản xuất và tiêu thụ thức ăn cho cá tra cũng không thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, do việc nuôi cá tra đã có sự sắp xếp lại, phần lớn diện tích nuôi cá tra trong tỉnh là các vùng nuôi thuộc 41 doanh nghiệp (chiếm 65,21% diện tích) nên chủ động cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
“Tôi dự định sẽ nhân giống thanh long tím bán cho các gia trại, trang trại bạn nhằm tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Đồng thời, sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này bằng cách đứng ra làm đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm, cùng bà con phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới” - Anh Trịnh Tiến Mạnh chia sẻ
Việc đưa cây chuối tiêu hồng có giá trị kinh tế vào trồng ở vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân nơi đây. Thế nhưng, trên thực tế việc trồng tập trung và đầu ra cho sản phẩm chuối lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Người trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) đang tỏ ra phấn khởi khi mùa bưởi năm nay, trúng mùa, tốt giá...
Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có 8.514 hộ sản xuất thanh long được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 7.211 ha, đạt 103% kế hoạch (7.000 ha).